3 nữ sinh “con nhà người ta” chưa tốt nghiệp đã đi làm lương cao

Trong lúc bạn bè vẫn đang ngày ngày cắp sách đến trường hay miệt mài “cày game”, 3 cô gái dưới đây đã tung tăng đi làm trong nước, ngoài nước và kiếm tiền ngon ơ dù chưa chạm tay vào tấm bằng tốt nghiệp Đại học.

 Bí quyết của cả 3 nữ sinh này là giỏi ngoại ngữ, tự tin trải nghiệm và tích cực hoàn thiện bản thân thông qua những phong trào hoạt động của Nhà trường.

Doãn Thu Hà – Người đẹp thi Miss FU làm Ngân hàng từ năm thứ 3 đại học

Hà nổi tiếng trong trường với thành tích học tập xuất sắc và sự sôi nổi tham gia các hoạt động, phong trào. Cô bạn cũng là gương mặt xinh xắn từng lọt vào top 13 cuộc thi Miss FUHN do ĐH FPT tổ chức.

Khi giới thiệu về công việc hiện tại với mức lương 8 con số, Doãn Thu Hà (SV ngành Quản trị Kinh doanh, Đại học FPT) vẫn chưa biết tấm bằng tốt nghiệp vuông tròn như thế nào. Tức là, dù chưa ra trường, nhưng cô nàng đã có một công việc ổn định với mức lương khiến nhiều sinh viên mơ ước.

Là học sinh chuyên Anh, vào đại học Thu Hà tiếp tục theo học tại môi trường mà tất cả các bài giảng, bài kiểm tra và giáo trình đều được biên soạn bằng tiếng Anh. Với Hà, ngoại ngữ là yếu tố quyết định đến 70% cơ hội xin việc. Vì vậy, ở trường ngoài môn ruột tiếng Anh, Hà còn tranh thủ học thêm cả tiếng Trung để nâng cao khả năng ngôn ngữ của mình. Thuận lợi cực lớn là ở ĐH FPT nơi Hà học, sinh viên bắt buộc phải học 2 thứ tiếng.

Cô nàng liên tục đạt danh hiệu sinh viên giỏi và sinh viên xuất sắc trong các kỳ học, lại là hạt nhân trong các hoạt động phong trào trong và ngoài trường. Đây chính là điểm cộng to đùng của Hà khi bước vào kỳ thực tập OJT (On-the-job Training) của Đại học FPT. Nhà tuyển dụng rất hài lòng với khả năng ngoại ngữ và giao tiếp mà Thu Hà thể hiện trong vòng phỏng vấn. Kết quả là, cô bạn này được nhận ngay vào làm tại ngân hàng, dù hơn 1 năm sau mới tốt nghiệp đại học.

Hiện đang làm việc cho một Ngân hàng Hàn Quốc, hàng ngày Hà phải giao tiếp với 70% khách người nước ngoài. Cô nàng cho biết: “Khi đi làm, công cụ tốt nhất phục vụ cho công việc của mình là ngoại ngữ. Rất nhiều bạn bè và anh chị khóa trước của mình cũng đã tìm được cơ hội làm việc ở nước ngoài với thu nhập cao khi học tốt ngoại ngữ”. Thu Hà cho rằng những sinh viên muốn tìm được một công việc khá ổn thì trước khi ra trường, không thể “thờ ơ” với ngoại ngữ được.

Chia sẻ về dự định tương lai, cô nàng bật mí bản thân đã ngắm được một vài vị trí làm việc tại nước ngoài. Nếu có cơ hội, cô nữ sinh tài năng này nhất định sẽ xuất ngoại để trải nghiệm môi trường mới và nâng cao mức thu nhập.

Lê Thị Lý – Thực tập sinh hiếm hoi được mời sang Nhật làm việc

Bắt đầu tìm kiếm cơ hội việc làm ngay khi mới vào trường, cô nàng Lê Thị Lý tạm biệt khoản “trợ cấp gia đình” khi bước sang năm thứ hai đại học. Lý tham gia các dự án lập trình phần mềm bán thời gian, phần để tự học hỏi kiến thức ngoài trường học, phần để kiếm thêm chi phí cho cuộc sống tự lập.

Lê Thị Lý là cô nữ sinh dám chủ động nắm bắt cơ hội việc làm ngay từ những ngày đầu ngồi trên giảng đường đại học.

Luôn đạt thành tích cao trong học tập, với kiến thức nền tảng tốt, năm thứ 3 đại học Lý xin vào thực tập tại một công ty phần mềm. Sau 4 tháng, với cố gắng vượt trội của mình, Lý được nhận vào làm chính thức. Tuyệt vời hơn, cô nàng còn lọt vào “mắt xanh” của đối tác Nhật Bản khi họ có nhu cầu tìm kiếm nhân viên mới cho dự án.

Bắt đầu 3 tháng làm việc tại Nhật Bản, mỗi tháng Lý nhận được một khoản phụ cấp tương đương với 20 triệu đồng, đó là chưa kể đến mức lương khi cô nàng chính thức bắt tay vào công việc lập trình sản phẩm.

Tuy nhiên, thu nhập không phải là tất cả những gì cô nàng mê IT này quan tâm, vì “riêng việc được xuất ngoại cùng làm với những chuyên gia Nhật Bản đã đủ khiến mình thấy lãi to rồi”, Lý chia sẻ.

Hơn nữa, việc trải nghiệm tại nước ngoài đối với Lý còn là cơ hội tốt để phát triển bản thân trong môi trường hoàn toàn khác. Cô gái chia sẻ trước đây từng rất nhút nhát, chẳng bao giờ dám nói to trước đông người. Nhưng khi được làm quen với lịch hoạt động dày đặc và các môn học kỹ năng mềm, Lý đã thay đổi. “Học ở FPT là bước ngoặt lớn đối với mình. Mình đã vứt bỏ sự nhút nhát để ném mình vào trong 1 môi trường đầy năng động”, cô nàng nữ sinh tài năng bộc bạch.

Hoàng Phương Nga – Nữ sinh CNTT tiêu biểu làm giảng viên dạy lập trình cho trẻ nhỏ

Khác với các sinh viên muốn được ngồi vào chiếc ghế của các công ty tên tuổi. Phương Nga sớm có suy nghĩ start up và muốn được làm chủ bằng chính niềm đam mê đối với CNTT.

Có nhân duyên với đất nước Nhật Bản, Phương Nga từng được một công ty Nhật mời sang để tham dự khóa đào tạo của họ. Trở về nước một thời gian, cô nàng lại xuất sắc được chọn làm gương mặt đại diện cho Việt Nam, tiếp tục sang Nhật với vị trí Đại sứ của một chương trình học tập. Những chuyến xuất ngoại dài ngày này đã cho Nga cơ hội học hỏi được nhiều kỹ năng và kiến thức để phát triển dự án tại Việt Nam.

Sở hữu bảng thành tích khiến nhiều sinh viên phải trầm trồ, cô nàng Phương Nga là một trong những nữ sinh Việt Nam ưu tú nhận danh hiệu “Nữ sinh CNTT tiêu biểu năm 2015”

Ý tưởng về dự án xuất phát từ trải nghiệm khi Nga học lập trình tại Đại học FPT. Cô nàng thấy cấu trúc, logic của các môn CNTT rất khó. Vì vậy, mong muốn phát triển một dự án dạy lập trình phát triển tư duy cho trẻ nhỏ bắt đầu được nhen nhóm.

Thời điểm ấy, trên Thế giới bắt đầu có phong trào dạy lập trình cho trẻ em, Nga nghiên cứu các chương trình nước ngoài và tự soạn lại sao cho phù hợp với học sinh tại Việt Nam. Giáo án của Nga được các thầy tại ĐH FPT hỗ trợ và góp ý nhiệt tình.

Hiện tại, Nga cùng các đồng nghiệp đã xây dựng được một trung tâm dạy lập trình mang tên “Kiddicode”, với vốn đầu tư lên đến 20 tỷ đồng. Vừa ở vị trí giảng viên đứng lớp, vừa là người quản lý Trung tâm dạy lập trình, Phương Nga đã biến ý tưởng start up thành hiện thực. Giờ cô nàng chẳng còn bận tâm đến chuyện xin việc hay mức lương như những người bạn sắp ra trường nữa.

Vừa tài năng, xinh xắn, lại vừa giỏi kiếm tiền, 3 cô bạn này quả thực là “con nhà người ta” khiến ai cũng mê. Cứ nỗ lực và tự tin, cố gắng như những cô gái này thì chẳng có khó khăn nào cản bước nổi các cử nhân tương lai.

Kenh14

Năm 2018, Đại học FPT tuyển sinh các chuyên ngành: Kỹ thuật phần mềm; An toàn thông tin; Khoa học máy tính; Quản trị kinh doanh; Quản trị khách sạn; Kinh doanh Quốc tế; Ngôn Ngữ Anh; Ngôn Ngữ Nhật; Truyền thông đa phương tiện; Thiết kế đồ họa theo hai hình thức: tham gia kỳ thi tuyển sinh ngày 13/5 hoặc đăng ký xét tuyển.

Thí sinh có tổng điểm trung bình 3 môn trong 2 học kỳ (HK 2 lớp 11 + HK 1 lớp 12 hoặc HK 1 lớp 12 + HK 2 lớp 12) >= 7.0 điểm trở lên* xét theo tổ hợp môn tương ứng với ngành đăng ký học tại Trường Đại học FPT đủ điều kiện miễn thi kỳ thi tuyển sinh đầu vào của trường có thể nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển.