“Cái gì cũng phải lo hết, nên chẳng có gì phải lo cả”

Đó là câu nói châm ngôn mà người FPT chúng tôi từ giảng viên cho tới sinh viên thường hay nói để lạc quan tếu với nhau. Chẳng biết ai đào đâu ra cái câu này, mà nhiều lúc ngẫm lại thấy… đúng quá xá. Chia sẻ của Nguyễn Đặng Thành Trung, cựu sinh viên Đại học FPT.

Tuy học trong một ngôi trường lớn với các trang thiết bị hiện đại, mưa không tới mặt, nắng chẳng tới đầu như ĐH FPT, thế nhưng khi ra khỏi trường, những thứ giản dị đơn sơ, thậm chí thiếu thốn lại quay trở về với chúng tôi. Ít khi có những buổi tụ họp nhậu nhẹt, bi-da, games, sau giờ học, chúng tôi thường về thẳng phòng trọ, hầu như chẳng dám đi đâu vì sợ… tốn tiền.

Góc bếp vẫn có đủ chén, đũa, bếp ga, dẫu mỡ, nhưng chẳng mấy khi mấy món đó được dùng tới, cái bình ga mini thì chắc phải 6 tháng mới thay 1 lần, bởi đơn giản là thằng nào cũng nấu ăn dở tệ, riêng tôi chẳng biết nấu món nào. Thế nên cứ hễ cơn đói trỗi lên thì… cơm tiệm thẳng tiến, hoặc là vẫn cái món “tủ” muôn thuở của sinh viên: mì gói.

Vì lịch sinh hoạt khác nhau nên thường đứa nào đói trước thì đứa nấy ăn. Nhưng thỉnh thoảng, chúng tôi lại quây quần cùng nhau bên… cơm hộp, canh bịch, nước mắm bịch, vừa ăn vừa tán dóc về đủ thứ chuyện trên đời, về bài kiểm tra ban sáng, về trận thua của đội tuyển Việt Nam, về vụ chia tay người yêu của thằng bạn, về mấy em sinh viên xinh ơi là xinh mới chuyển tới khu nhà trọ,… quay qua quay lại cũng xong bữa.

Như thường lệ, tiền vẫn luôn là một trong những vấn đề thường làm sinh viên bọn tôi dễ… méo mặt nhất. Có một lần, tôi sơ ý làm mất gần như toàn bộ số tiền còn lại của mình. Lúc ấy tôi cuống cuồng lục tung mọi thứ trong cặp, trong túi mình lên, chỉ mong là còn lại một khoản nhỏ đủ để “sống sót” thêm vài ngày nữa trước khi người nhà tôi gửi tiền lên. Nhưng những gì tôi tìm được chỉ là vài ngàn đồng bạc với mấy tờ vé xe buýt cũ nhét trong túi áo sơ mi. Tôi dở khóc dở cười, đứng ngẩn ra đó.

Lúc ấy điều tôi nghĩ được duy nhất trong đầu là chạy đi tìm mấy đứa bạn cùng lớp mới quen chưa lâu, hy vọng mượn được một khoản tiền. Thế là tôi đạp xe một mạch qua phòng trọ của bốn đứa bạn ở gần đó. Đến nơi, tôi kể lại sự việc của mình, không giấu được vẻ lo lắng, hốt hoảng trên mặt. Thế nhưng, tụi nó cũng như tôi, cũng đều là sinh viên xa nhà, cũng phải dè dụm từng bữa ăn, từng khoản chi tiêu hằng ngày. Tôi vừa thất vọng, vừa lo sợ. Từ biệt bốn đứa, tôi toan quay xe ra về, thì tụi nó bảo tôi nán lại. Rồi bốn đứa bàn nhau, mỗi đứa trích từ trong số tiền ít ỏi của mình ra vài chục ngàn, gom lại đưa cho tôi mượn. Lúc ấy, cầm số tiền bạn đưa trên tay, tôi mừng lắm, nhưng lại thấy áy náy quá. Số tiền không quá nhiều, nhưng nhiêu đó với tụi nó cũng đủ ăn mấy bữa. Điều đó đồng nghĩa với việc tụi nó sẽ phải tiết kiệm, dành dụm hơn nữa. Nhưng mấy đứa vẫn bảo tôi cứ cầm số tiền ấy mà ăn, rồi đùa với nhau rằng chỉ cần nhớ… trả nợ là được rồi.

Nhưng nhờ phải sống xa nhà, cái gì cũng thiếu thốn nên bọn tôi mới học được cách tiết kiệm tiền (Chứ như hồi trước ở nhà, phụ huynh cho tiền bao nhiêu là xài hết bấy nhiêu. Bây giờ mà xài phóng tay một tí thôi thì một là mì gói, hai là… đói). Ấy mà cũng nhờ thiếu thốn, bọn tôi biết cách sống tình nghĩa với nhau, biết cách tạo ra những niềm vui riêng. Không cần đến tiệc tùng hoành tráng, một chầu nước mía cũng là một cách bọn tôi “tự thưởng” cho mình sau một kỳ thi căng thẳng.

Đối mặt với những khó khăn ấy, bọn tôi chưa bao giờ thấy nản chí. Bọn tôi biết, tất cả mới chỉ là khởi đầu. Trước mắt chúng tôi không chỉ là việc học, mà còn là cuộc sống, còn bao nhiêu thứ khác phải đương đầu, phải lo toan. Những lúc như vậy, bọn tôi lại lôi cái câu nói ấy ra: “Cái gì cũng phải lo hết, nên chẳng có gì phải lo cả”.

 Cựu sinh viên Nguyễn Đặng Thành Trung