Cầm chai nước, nam sinh ‘alo, mẹ à’

Cầm chai nước, một nữ sinh tưởng tượng là chiếc gương rồi ngắm nghía, chỉnh sửa lại mái tóc; một nam sinh lại áp vào tai và “alo, mẹ à…” Những hành động và câu chuyện đầy ngẫu hứng đó là mảnh ghép nhỏ của lớp học nghệ thuật có chủ đề “Sống” thu hút nhiều bạn trẻ tham gia.

Nghệ sĩ kịch câm Hoàng Tùng (áo đen, giữa ảnh) hướng dẫn các bạn sinh viên FPT các động tác kịch câm.

Trên nền nhạc êm dịu, khoảng 20 bạn trẻ chăm chú làm theo hướng dẫn: tĩnh tâm, di chuyển vòng tròn, nhìn sâu vào mắt nhau. Những phút ngập ngừng ban đầu nhanh trôi qua, những sinh viên xa lạ hoà vào một không gian nơi mỗi gương mặt, ánh mắt đều trở nên dễ dàng đồng cảm và sẻ chia. Họ trao nhau những cái ôm thật chặt. Đó là những hoạt động ở “Nối”, một lớp học nghệ thuật ứng dụng.

Ở lớp học “sống” các bạn trẻ lại bắt đầu những hoạt động đầy ngẫu hứng. Một nữ sinh cầm chai nước tưởng tưởng đó là chiếc gương, rồi ngắm nghía gương mặt, sửa lại mái tóc. Một nam sinh khác lại biến chai nước thành chiếc điện thoại di động, rồi bấm số gọi “Alo, mẹ ạ” và nối dài những câu chuyện giữa hai mẹ con.

“Nối”, “Sống” và “cuồng”… là những chủ đề gắn với các lớp học, khóa học nghệ thuật từ kịch hình thể, kịch câm của các bạn sinh viên ĐH FPT. Đây là một mảng trong chương trình PDP (Personal Development Program – Phát triển cá nhân) mà ngay từ những khóa đầu tiên, nhà trường triển khai dành cho tất cả sinh viên thuộc mọi chuyên ngành.

Bên cạnh đó, các bạn trẻ còn tự tổ chức lớp học, workshop nghệ thuật từ kịch hình thể, sân khấu ngẫu hứng tới kịch câm. Mới đay nhất là workshop kịch câm “Mime in Me” thu hút hơn 20 sinh viên tham gia tìm hiểu và học cách trình diễn kịch câm do nghệ sĩ kịch câm Hoàng Tùng hướng dẫn giới thiệu.

Phá vỡ “bức tường” tâm hồn

Kịch hình thể, sân khấu ứng dụng hay kịch câm khó với sinh viên các trường nghệ thuật và càng không đơn giản với sinh viên vốn chỉ quen với những kiến thức về lập trình, kinh tế hay đồ họa. Tuy nhiên, khi được hướng dẫn và làm quen, những sinh viên ngoại đạo nhanh chóng bị cuốn hút.

 “Những bài học nghệ thuật giúp các bạn sinh viên giải phóng bản thân, giải phóng cảm xúc, học cách bày tỏ và thể hiện cá tính của mình. Qua đó, các bạn học cách kết nối với những người xung quanh, với cuộc sống và chấp nhận khác biệt.” thầy Hồ Ngọc Bảo Khiêm chia sẻ.

Lớp học nghệ thuật ứng dụng với sự tham gia của thầy Hồ Ngọc Bảo Khiêm và các sinh viên.

Tham gia lớp học kịch câm và có những trải nghiệm đầu tiên với workshop kịch câm Mime in Me, nam sinh Cường Nguyễn chia sẻ có dịp hiểu bản thân và biết cách truyền đi thông điệp bằng ngôn ngữ hình thể thông qua tự sáng tạo nội dung một đoạn kịch ngắn.

“Dưới ánh đèn ở phòng học nghệ thuật, động tác của các bạn bỗng xuất thần chẳng kém gì nghệ sĩ thực thụ. Bản thân mình đã có những trải nghiệm lạ khi phá vỡ “bức tường” của mình (trong kịch câm, nghệ sĩ hay diễn với bức tường vô hình – nv). Mình tự hỏi “bức tường” trong kịch câm phải chẳng cũng chính là “bức tường” trong tâm hồn con người” Cường Nguyễn nói.

Theo Tienphong