Cựu sinh viên Đại học FPT kể chuyện làm Kỹ sư cầu nối Nhật Bản

Dù rất bận với nhiều dự án mới, Nguyễn Hoàng Việt Khánh, cựu sinh viên khóa 5, Đại học FPT sẵn sàng về Trường để chia sẻ với các em khóa sau câu chuyện “đi xuất khẩu lao động” thành công ở xứ Phù Tang.

Buổi workshop với chủ đề: “Các bước chuẩn bị để trở thành Kỹ sư cầu nối Nhật Bản” do Đại học FPT phối hợp cùng công ty Hệ thống thông tin FPT (FIS) tổ chức diễn ra sáng 18/04 tại hội trường Innovation.

Tốt nghiệp chưa đầy 2 năm, qua 2 lần đổi việc, Việt Khánh đã có một bến đỗ thật sự của mình với nghề Kỹ sư cầu nối Nhật Bản tại công ty FIS.

Tại đây, các câu hỏi của sinh viên Đại học FPT lần lượt đặt ra như vị trí kỹ sư cầu nối, các bước chuẩn bị, lương bổng, cơ hội nghề nghiệp… Tất cả những thắc mắc của các bạn đều được cựu sinh viên Nguyễn Hoàng Việt Khánh giải đáp tận tình.

Tốt nghiệp chưa đầy 2 năm, qua 2 lần đổi việc, Việt Khánh đã có một bến đỗ thật sự của mình với nghề Kỹ sư cầu nối Nhật Bản tại công ty FIS.

Hỏi về cơ duyên chọn “giấc mơ Nhật”, Việt Khánh hóm hỉnh chia sẻ: “Do trước giờ mình chỉ nghe đến chức danh kỹ sư cầu nối chứ chưa hình dung được công việc thực tế ra sao nên mình quyết định đổi môi trường làm việc khi nhận được lời mời hấp dẫn từ FIS”.

Nhờ vào nền tảng kiến thức chắc chắn khi học tập tại Đại học FPT, Việt Khánh gia nhập vào môi trường mới rất nhanh. Được biết, cậu bạn là một trong 2 người được chọn qua Nhật công tác trong hàng trăm CV gửi tới khách hàng Nhật – là những nhà tuyển dụng.

Việt Khánh (áo cam) chia sẻ chủ đề: “Các bước chuẩn bị để trở thành Kỹ sư cầu nối Nhật Bản” với sinh viên khóa sau .

Một năm “tôi luyện” ở xứ Mặt trời mọc, Khánh tâm sự mình là người may mắn khi được làm việc ở đất nước đòi hỏi cao bậc nhất thế giới này. Cậu nói thêm, văn hóa và ngôn ngữ Nhật là một trong những bí quyết để thành công khi làm việc tại đây.

Dựa vào kinh nghiệm thực tế của bản thân, Khánh lần lượt chia sẻ với sinh viên khóa sau về văn hóa, lối sống, ẩm thực và cách làm việc tại Nhật. “Đừng quá chú trọng về chuyên ngành mà mình học. Điều quan trọng là các bạn phải nắm vững kiến thức nền tảng để dễ dàng triển khai bên cạnh giỏi ngôn ngữ (tiếng Nhật) nếu bạn muốn theo vị trí này” – Khánh nhấn mạnh. Những câu hỏi lần lượt được giải đáp, những tràng vỗ tay, những ánh mắt ngưỡng mộ của đàn em khóa sau đã tiếp thêm sự hào hứng khi Khánh chia sẻ.

Bên cạnh cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn từ vị trí Kỹ sư cầu nối, việc chuẩn bị kiến thức, kỹ năng, sinh viên Đại học FPT cần xác định mục tiêu duy nhất và nỗ lực hết mình trên con đường theo đuổi đam mê. Khép lại chương trình, cựu sinh viên khóa 5 gửi lời chúc đến các em khóa sau học tập tốt, năng động hơn trong việc tiếp thu kiến thức ngôn ngữ mới để vươn tay chạm tới giấc mơ Nhật vào một ngày không xa.