SV FPTU dắt túi 5 bí kíp chinh phục doanh nghiệp

Kinh nghiệm là điều khiến nhiều sinh viên “lo sợ” vì không ít doanh nghiệp chỉ tuyển ứng viên biết việc, thạo việc. Vậy điều gì là “vũ khí” chinh phục nhà tuyển dụng của sinh viên khi bắt đầu đi thực tập hoặc mới ra trường.

Anh Lê Anh Duy – cựu sinh viên trường ĐH FPT – HR Officer – Công ty DHL chia sẻ “bí kíp”

Tham gia chương trình “Orientation” cùng gần 30 doanh nghiệp, cựu sinh viên trường Đại học FPT – anh Lê Anh Duy, hiện là HR Officer – công ty DHL đã chia sẻ bí kíp “chinh phục” cho sinh viên thực tập.

  1. Chuẩn bị sẵn tâm lý sẽ được phỏng vấn Tiếng Anh

Hiện nay, trên thế giới có khoảng 6500 ngôn ngữ. Ngoài nước Anh, có 60 trên tổng số 196 quốc gia xem tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức. Đây không còn là điểm cộng cho hồ sơ làm việc toàn cầu mà là điều kiện cần trong bối cảnh hội nhập.

Nhiều bạn cho rằng đó là câu chuyện của những ai muốn làm việc nước ngoài hay công ty nước ngoài đặt trụ sở tại Việt Nam nhưng không, nếu bạn muốn thăng tiến, muốn gặp gỡ nhiều đối tác mang về hợp đồng triệu USD thì Tiếng Anh là điều kiệu cần trong bối cảnh hiện nay. Hãy chuẩn bị tâm lý trò chuyện bằng ngôn ngữ này trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đặc biệt là phỏng vấn.

  1. Hạn chế nói về những điểm yếu trừ khi được hỏi, và nếu cần phải nhắc đến cũng phải đề cập 1 cách khéo léo

Dẫn ra một ví dụ như nói về điều yếu thì nhắc khéo về điểm tốt, chẳng hạn vì bản thân quá cầu toàn nên mọi thứ mất nhiều thời gian để chỉnh chu hay bản thân không quen gò bó nên rất thích năng động, tiếp thu cái mới…

Bên cạnh hồ sơ thì một vài phút phỏng vấn ban đầu đều để lại ấn tượng và là cơ sở giúp nhà tuyển dụng chọn lựa ứng viên. Phỏng vấn là một cách “chào hàng, quảng cáo” bản thân nên tận dụng khoảng thời gian quý giá này. Vì vậy, cuộc trò chuyện này rất quan trọng, phải khéo léo. Bất kỳ nhà tuyển dụng nào cũng muốn biết bạn là ai nhưng đừng quá đề cao bản thân khi chưa làm được gì.

  1. Đề cập đến lương phải nói thẳng, không né tránh

Lương là một vấn đề quan trọng nhưng với sinh viên thực tập thì kinh nghiệm học được và trải nghiệm cũng quan trọng không kém. Dù vậy, khi đề cập đến vấn đề lương bổng, sinh viên không nên nói vòng vèo hay kiểu như anh trả bao nhiêu cũng được, em nghĩ như thế này…

Lương là một phần thước đo cho giá trị công việc bạn mang lại cho doanh nghiệp. Vì thế, cần xác định rõ năng lực với yêu cầu công việc để đưa ra mức phù hợp.

  1. Sinh viên tràn đầy năng lượng và sự tự tin

Một trong những điểm mà bạn “ăn đứt” những người đã có kinh nghiệm đó là nhiệt huyết trẻ. Một người trẻ sẽ không quá vướng bận về gia đình như chồng con hay quá toan tính về sự cho đi, nhận lại… Không chỉ vậy, những người trẻ rất năng động và dễ tiếp thu những điểm mới. Vì vậy, nên phát huy ưu điểm này.

  1. CV là tấm vé bước vào phỏng vấn

Chuẩn bị thật kỹ CV, đó là tấm vé đầu tiên để bạn gặp được nhà tuyển dụng. Rất nhiều nhà tuyên dụng chỉ mất 1 vài phút để lựa chọn. Rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng nhà tuyển dụng sẽ ấn tượng với ứng viên từ 6-13 giây đầu đọc CV (Curriculum Vitae). Cơ hội từ ứng viên thành nhân viên có thể mở ra hoặc khép lại sau những ấn tượng đó. Vì vậy, CV cần có tính logic, rõ ràng và súc tích. Đặc biệt, cần thể hiện rõ nguyện vọng, con đường mong muốn phát triển.

Để chuẩn bị cho sinh viên đi OJT (internship) trong học kỳ Summer, Trường Đại học FPT phối hợp với gần 30 doanh nghiệp tổ chức các buổi Orientation cho từng ngành. Nhiều cựu sinh viên của trường hiện là giám đốc, trưởng phòng,… cũng đã tham dự chương trình.

Bên cạnh Orientation, sinh viên trường Đại học FPT còn được tham gia nhiều chương trình kết nối doanh nghiệp như CompanyTour, JobFair… Từ đó, gặp gỡ sớm và nắm bắt những yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

FPTU HCM