Giai đoạn OJT: Thái độ và sự chủ động quyết định thành công

Trong buổi định hướng chuẩn bị cho giai đoạn OJT (On the job training) – giai đoạn học tập, trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp sắp tới của sinh viên khối ngành Kinh tế, những chia sẻ của chị Nguyễn Diệu Quyên – Trưởng phòng tuyển dụng Công ty Eway và anh Nguyễn Việt Bảo Trung – cựu sinh viên khóa 7, Đại Học FPT đã đem đến nhiều giá trị bổ ích và thú vị cho các bạn sinh viên.

“Thái độ tích cực” – Quyết định bạn có một công việc tốt

Để có được một kỳ thực tập tốt, điều trước tiên là tìm được một công ty phù hợp. Nhưng để là một ứng viên chiến thắng trong buổi phỏng vấn, không phải là một điều dễ dàng. Dưới góc nhìn của nhà tuyển dụng, chị Nguyễn Diệu Quyên đã mang đến cho những kiến thức quý báu để vượt qua vòng phỏng vấn.

‘Đầu tiên, xuất phát từ mong muốn làm một công việc nào đó, ta nên bắt đầu tìm hiểu mọi thứ xoay quanh nó. Trong yêu cầu tuyển dụng và các buổi phỏng vấn, hầu hết các nhà tuyển dụng đều yêu cầu ứng viên của mình có kinh nghiệm.” – Chị Quyên cho biết.

Trong yêu cầu tuyển dụng và các buổi phỏng vấn, hầu hết các nhà tuyển dụng đều yêu cầu ứng viên của mình có kinh nghiệm.

Ví dụ công việc làm nhân viên nội dung cần có những kỹ năng như viết lách, hệ thống, sáng tạo,… dù bạn chưa từng làm công việc viết, nhưng sự hình dung về công việc cũng như hiểu biết về những kỹ năng cần thiết sẽ giúp bạn ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng. Làm được điều này, “bạn đã nắm 90% được chọn” – chị Quyên bật mí.

Chị Quyên cũng đưa ra đinh hướng cho các bạn sinh viên trong kỳ thực tập, nên có định hướng rõ ràng cho bản thân làm vì mục tiêu nào? làm vì tiền hay làm để học? Khi vào một công ty, thường những thực tập sinh sẽ bắt đầu từ những công việc như photocopy, scan, hủy giấy tờ…. – không ít bạn bỏ cuộc vì cho rằng đây là công việc nhàm chán. Dù cho có bắt đầu từ công việc chân tay, nhưng chỉ cần có suy nghĩ và ý chí muốn thăng tiến, thì khởi điểm từ đâu không quan trọng nữa

“Trong kỳ thực tập, hãy cứ trải nghiệm hết mình. Thái độ chính là thứ quyết định, có thể chính thái độ tích cực sẽ mở ra cho ta nhiều cơ hội thăng tiến, được giới thiệu đến những nơi làm việc tốt hơn. Vì vậy, dù làm ở vị trí nào hãy làm nó với 100% nỗ lực và ý chí vươn lên.”  – Chị Quyên khẳng định.

“Sự chủ động” là chìa khóa nắm bắt những cơ hội hấp dẫn

Nếu dưới con mắt nhà tuyển dụng, thái độ quyết định đến thành công sau này của bạn, thì Nguyễn Việt Bảo Trung – cựu sinh viên Đại học FPT đứng từ góc độ của một thực tập sinh đã đúc kết được bí quyết chiến thắng giai đoạn OJT nằm trong hai từ: “chủ động”.

Tại trường học, sự dẫn dắt của những thầy cô nhiệt tình đã cho bạn những cảm hứng để học tập, làm việc nhưng tại môi trường doanh nghiệp, không hề có một thầy cô nào dẫn dắt ta như trường lớp. Những cơ hội mới, những con đường mới không thể chạy đến bên bạn thì hãy để sự chủ động dẫn dắt bạn nắm bắt những điều tốt đẹp đó. Thực chất việc chấp nhận và làm tốt những công việc nhỏ vặt như photocopy, scan chính là để chứng tỏ bản thân có thể làm được những việc lớn. Vì nếu bạn không làm được những việc nhỏ sao có thể đảm đương được những việc to?

“Hãy chủ động trong việc tiếp cận. Bởi doanh nghiệp có rất nhiều những công việc nhưng nếu không chủ động, cơ hội làm việc sẽ được giao cho một người khác.” – Bảo Trung chia sẻ

Cựu sinh viên FPT đưa ra lời khuyên thói quen ỷ lại vào gia đình hoặc các mối quan hệ là không tốt, vì sự dựa dẫm đó mà bạn sẽ không học được bất cứ điều nào giá trị mà quá trình thực tập mang lại.

Có ba thứ mà giai đoạn thực tập mang lại cho mỗi chúng ta nếu chúng ta thực sự nghiêm túc. Thứ nhất là những trải nghiệm, trải nghiệm từ mọi góc độ khác nhau, từ công việc này sang công việc khác, trải nghiệm để tìm ra những kinh nghiệm, những điều quý giá đang ẩn sâu mà không ai có thể cũng có thể chia sẻ. Thứ hai là môi trường, chính những môi trường tạo nên những tình huống, những giai đoạn, những hoàn cảnh để bản thân tự học cách thích nghi. Và cuối cùng, quan trong nhất, chính là sự nghiệp trong tương lai. Khi bạn muốn trở thành một ai đó, bạn sẵn sàng tìm hiểu mọi thứ về kỹ năng, về công ty có vị trí ứng tuyển mà bạn chọn. Dù cho những thông tin tìm được chỉ là phần nổi, nhưng dần vào trong môi trường ấy, bạn sẽ nhận ra được thêm những phần chìm. Từ đó tìm ra được định hướng và khát khao về công việc mình thực sự yêu thích.

“Phòng Công tác sinh viên (CTSV) Đại học FPT đã tạo điều kiện cho sinh viên có thêm nhiều kiến thức và hành trang hữu ích cho kỳ thực tập tới. Bên cạnh đó, các bậc tiền bối đã cho mình những lời khuyên sâu sắc và đúng đắn để có thể phát triển tốt trong tương lai. Mong rằng phòng CTSV sẽ tổ chức nhiều buổi training như thế này hơn nữa.” Vũ Hoàng Hằng (sinh viên khoá 10 ngành Quản trị kinh doanh) hào hứng chia sẻ.

Buổi học khép lại với rất những bài học kinh nghiệm bổ ích từ những những bậc tiền bối giàu kinh nghiệm, nhiệt tình. “Thái độ và chủ động” – chính là chìa khóa mở cánh cửa thành công cho sinh viên trong kỳ thực tập.

Đặng Nguyễn Phương Trang