Hoá cún làm phim, sinh viên nhận điểm tốt nghiệp xuất sắc

Bộ phim hoạt hình Pet in luv kể về chuyện tình giữa tiểu thư chó và chàng chó tài hoa giành điểm tốt nghiệp xuất sắc của ĐH FPT. Ít ai biết, để có 9,46 điểm đồ án hai animator Nguyễn Khánh và Nguyễn Hà Diễm Anh đã đóng giả hai chú cún nhiều ngày để hiểu chi tiết từng cử động nhân vật và hình hoá một cách chân thực nhất.

Xuất phát từ niềm đam mê kỹ xảo 3D Animation cùng tình cảm dành cho thú cưng, hai sinh viên FPT Nguyễn Khánh và Nguyễn Hà Diễm Anh đã xây dựng một phim hoạt hình ngắn về chuyện tình thú vị trong thế giới động vật mang tên “Pet in luv” (Cún yêu).

Để kể một câu chuyện hoàn chỉnh có đầy đủ bối cảnh, nhân vật trong khoảng thời gian từ 3-4 phút là điều không dễ dàng. Tuy nhiên, bất chấp sự gò bó về thời gian, Nguyễn Khánh và Nguyễn Hà Diễm Anh đã chứng minh được sự sáng tạo và ‘độ chất’ của sinh viên ngành Thiết kế đồ họa trong sản phẩm tốt nghiệp.

“Pet in luv” kể về câu chuyện tình yêu nhiều cung bậc cảm xúc của chú cún giống Corgi dành cho nàng cún giống Cuddy. Sau khi gặp và yêu nàng cún từ cái nhìn đầu tiên, Corgi đã dùng nhiều cách để bày tỏ tình cảm với của mình mà không được đón nhận. Nhưng, kết bất ngờ của phim đem đến sự hài lòng cho người xem. Qua đoạn phim, khán giả cảm nhận được cả yếu tố giải trí và nhân văn sau những khung hình đẹp mắt.

Với những sinh viên theo ngành Thiết kế đồ họa, 3D Animation được đánh giá là môn học khá “khoai”. Muốn dựng được một bộ phim hoạt hình 3D chuyển động mượt mà, các sinh viên cần thành thạo rất nhiều kỹ thuật rất khó.

Dù biết thử thách, nhưng cả hai thành viên của team “Pet in luv” đều quyết định đồ án tốt nghiệp sẽ là hoạt hình 3D, với quyết tâm: “Công việc có nặng thì chúng mình vẫn muốn làm nó bằng niềm đam mê!”

Trong 14 tuần, Nguyễn Khánh và Diễm Anh chia công việc theo 3 giai đoạn: tiền kỳ, trung kỳ và hậu kỳ. Đầu tiên, để có nội dung hay, hai thành viên đã khá kỹ lưỡng trong khâu xây dựng kịch bản. Hình ảnh cũng là yếu tố quan trọng quyết định sức hút của bộ phim. Dựa vào sự nghiên cứu về hình dáng và tập tính của các loài chó, Diễm Anh và Nguyễn Khánh đã tỉ mỉ xây dựng hình ảnh sao cho chân thực.

Tiếp theo, để nhân vật có thể chuyển động, các sinh viên cần gắn xương cho nhân vật và thử đi thử lại sao cho từng chi tiết chuyển động được diễn tả mượt mà, chuyên nghiệp. Nếu trước đây, Khánh và Diễm Anh xem hoạt hình chỉ để giải trí thì khi bắt tay vào làm, các bạn phải tập trung quan sát các chuyển động trong phim thật tỉ mỉ. Cả hai tua đi tua lại đến thuộc lòng từng cử chỉ của những nhân vật Walt Disney, Pixar…

Thậm chí, để xây dựng nhân vật chó có biểu cảm chân thật như con người, cả hai không ngại diễn các biểu cảm của động vật, thử chuyển động bằng bốn chân rồi quay lại làm bản diễn nháp. Diễm Anh thủ vai cô chó Cuddy xinh đẹp, còn Nguyễn Khánh nhận vai chàng Corgi đa tài. Hai sinh viên phải thử nhiều chuyển động nháp của hai chú chó, chọn nhiều góc máy để cố gắng tìm ra những khung hình ưng ý.

Để có thể thể hiện được tâm trạng của nhân vật qua sắc thái, cảnh quan, Diễm Anh và Khánh đã học hỏi cách sử dụng ánh sáng trong những phim hoạt hình nổi tiếng của Dreamworks. Ở một phân cảnh ban đêm, khi muốn người xem tập trung vào tâm trạng buồn bã của nhân vật chính, hai thành viên đã tạo một hoạt cảnh phù hợp để diễn tả.

Cách dùng nền tối kèm hiệu ứng chớp sáng liên tục, khi ghép tiếng mưa vào, tạo được cảm giác buồn bã, thất vọng của Corgi.

Dù mỗi cảnh đều phải thử chạy rất nhiều lần, có những cảnh lỗi phải làm lại từ đầu thì cả hai thành viên vẫn cầu kỳ trau chuốt từng phân cảnh. “Nhiều kỹ thuật làm rất khó và tốn nhiều công sức, nhưng chúng mình phải kiên nhẫn để bám trụ đến cùng”, Nguyễn Khánh chia sẻ.

Kể về những khó khăn khi “ăn ngủ cùng đồ án”, Diễm Anh và Khánh đều có những kỷ niệm khó quên. “Lúc xuất phim, chúng mình đã phải ngồi liên tục 2 tuần, tức là phải thay nhau thức 14 đêm. Ngày nào cũng ngồi dán mắt vào màn hình từ 6 giờ sáng đến 12 giờ đêm, nếu không cố gắng chắc cả hai đã bỏ lâu rồi”, Diễm Anh tâm sự.

Thầy Trần Anh Khoa – Giảng viên hướng dẫn, đồng thời là Thạc sĩ Truyền thông đa phương tiện tại Úc đưa ra nhận xét: “Tôi hài lòng 90% về sản phẩm này. Dù nhân lực ít, chưa có kinh nghiệm và còn nhiều khó khăn nhưng sản phẩm của các bạn đã thực sự mang lại cảm xúc cho người xem. Các bạn đã đưa những cảm xúc của chính bản thân mình vào nhân vật. Chính vì vậy những chuyển động của các nhân vật trong phim khá linh hoạt và chân thực”.

Theo Tiền Phong