Khóa học Sân khấu ngẫu hứng “Sống”: Hành trình khám phá bản thân của sinh viên ĐH FPT

Nội dung bài viết

Qua những tình huống bất ngờ, những cảm xúc thường nhật, những câu chuyện cuộc đời, khóa học Sân Khấu Ngẫu Hứng “Sống” do giảng viên Hồ Ngọc Bảo Khiêm trực tiếp giảng dạy trong tháng 3/2017 đã thực sự tạo ra một sân chơi cho sinh viên Đại học FPT với những trải nghiệm ý nghĩa.

Cuộc sống luôn có những tình huống bất ngờ như một sân khấu ngẫu hứng

Cuộc sống luôn đem đến cho ta những bất ngờ và thử thách, đi cùng với đó, cách chúng ta hành động sẽ dẫn đến nhiều kết quả khác nhau.

Trong 6 buổi học, mỗi học viên được “diễn” dù là cuộc đời của mình, cuộc đời của người khác, hay thậm chí chỉ đơn giản là những tình huống ngẫu hứng đòi hỏi khả năng xử lý nhanh nhẹn. Tại khuôn viên lớp học, chỉ với một chai nước, mỗi bạn lại tưởng tượng thành mỗi vật dụng khác nhau. Có người tưởng tượng nó là cái gương và cầm lên ngắm nghía, có người xem nó như một thanh kiếm sắc nhọn để múa máy trên tay, cũng có người xem nó như một chiếc lược ngà làm đẹp cho phái nữ.

Với những kịch bản chưa hề được xây dựng từ trước, mỗi bạn lại có một cách diễn, một cái nhìn khác nhau. Ảnh: IC PDP

Bài học về những cách “diễn” khác nhau trên một sân khấu ngẫu hứng dạy cách làm chủ bản thân, xử lý tình huống, phản ứng nhanh nhạy để thích ứng với mọi hoàn cảnh, đảm nhận tốt mọi vai trò trong cuộc sống.

Học cách nắm bắt được cảm xúc của chính mình

Trong cuộc sống hằng ngày, bạn trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau cũng giống như ba màu cơ bản “đỏ-lục-lam” cấu tạo nên toàn bộ những màu khác, thì mọi cảm xúc của ta cũng là những hỗn hợp được pha chế từ 5 loại cảm xúc khác nhau: “vui vẻ – buồn chán – giận dữ – hạnh phúc – sợ hãi”.

Trong những ngày đầu tiên của khóa học, các học viên đã thực hành giải phóng những cảm xúc của bản thân một cách chân thực và tự nhiên nhất. Học viên sẽ phải tưởng tượng ra một loạt các loại mặt nạ cảm xúc khác nhau trước mặt và chọn cho mình một loại cảm xúc để thể hiện. Thông qua những sắc thái trên mặt, hành động cử chỉ để giúp những người xung quanh biết được đó là loại cảm xúc gì.

Học viên sẽ phải tưởng tượng ra một loạt các loại mặt nạ cảm xúc khác nhau trước mặt và chọn cho mình một loại cảm xúc để thể hiện. Ảnh: IC PDP

Có ai trong chúng ta tức giận ai đó đến mức không kiểm soát được bản thân? Liệu những cảm xúc phẫn nộ đó đã được biểu thị đúng mức độ và đúng cách? Sau nhiều năm tháng trôi qua đã ai trong chúng ta từng hối hận vì sự nóng nảy không đáng có của mình trong quá khứ? Khi đã nắm bắt được cách giải phóng cảm xúc, bài học tiếp theo là điều khiển những cảm xúc đó sao cho hợp lí nhất. Dưới cái nhìn của giảng viên, cảm xúc cũng có những “level” nhất định. Bằng việc tạo không gian của một khu rừng ký ức nhằm tìm kiếm những câu chuyện ấn tượng trong quá khứ, học viên được nhìn lại những gì bản thân đã làm, những cảm xúc lúc đó, và qua đó đánh giá xem những cảm xúc đã được thể hiện đúng mức độ mà nó nên có chưa? Để rồi từ đó rút ra kinh nghiệm cho bản thân về những việc đang xảy ra ở hiện tại hoặc sẽ xảy ra sau này.

Học viên được nhìn lại những gì bản thân đã làm và qua đó đánh giá xem những cảm xúc đã được thể hiện đúng mức độ chưa. Ảnh: IC PDP

Người ta hay mắc phải sai lầm là kìm nén cảm xúc, áp một cảm xúc tích cực lên trên cảm xúc tiêu cực. Tưởng đâu ta đã có thể vượt qua cái tiêu cực đó, nhưng không, những cảm xúc tiêu cực bị chèn ép sẽ ngày một lớn dần, cho đến khi bản thân ta không chịu được thêm nữa. Lúc ấy, dù là một việc không hài lòng nhỏ nhất, cũng có thể khiến ta có những cảm xúc không đáng có, từ đó dẫn đến những hành vi thiếu tỉnh táo.”Hãy giải tỏa những cảm xúc và để nó biến mất đi, đừng chèn ép một cảm xúc lên trên một cảm xúc khác. Làm cho mọi thứ đơn giản nhất có thể.” –  thầy Khiêm đã chia sẻ thêm.

Những kỹ năng cần thiết làm chủ “sân khấu”

Đời là sân khấu, và chính sân khấu cũng được đem từ đời sống vào. Qua khóa học, các bạn học viên cũng được giới thiệu về những nghệ thuật sân khấu, những kỹ năng sân khấu cơ bản. Có những nhân vật giống như ta, vì tìm được sự đồng điệu nên ta mô phỏng được nhân vật đó trên sân khấu. Nhưng không phải ai cũng trải qua hết các sự việc, không phải ai cũng tìm được một phần của mình hiện hữu trong nhân vật, khi ấy, hãy gạt bỏ con người thật của bản thân và nhập vai hoàn toàn vào nhân vật. Để có được sự diễn xuất tốt, cần tìm hiểu thật nhiều, học hỏi thật nhiều nhằm có thể hình dung được những chuỗi cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật trên sân khấu. Muốn có một vở kịch hay, một cốt truyện tốt là điều bắt buộc. Về cơ bản, phần mở đầu câu chuyện phải cho người xem hiểu được nhân vật là ai và nhân vật ấy muốn làm gì. Đoạn giữa, phải diễn tả được quá trình nhân vật làm việc, giải quyết vấn đề ra sao và cuối cùng phải cho thấy được kết quả của sự việc, những bài học được rút ra.

Bằng sự kiến thức và kinh nghiệm của bản thân, thầy Hồ Ngọc Bảo Khiêm đã đem đến cho các bạn sinh viên Đại học FPT khoảng thời gian thật bổ ích về cả kỹ năng sống ở đời lẫn kỹ năng diễn trên sân khấu. Hơn cả một lớp học, đây còn là nơi chia sẻ, cảm thông giữa những con người với nhau, như là một vài nốt lặng để làm cho bản nhạc cuộc sống có những phút lắng đọng, yêu thương.

Đặng Nguyễn Phương Trang