Phẫu thuật thẩm mỹ thành đối tượng nghiên cứu của SV FPTU

Nhóm sinh viên chuyên ngành Marketing ĐH FPT tự đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ, hành vi của những người đã và đang sử dụng các dịch vụ này. Đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu, nhóm đã đưa ra một số nhận xét thú vị nhưng cũng rất đáng suy ngẫm.

Nhóm các bạn Dương Thu Trang, Hoàng Mỹ Linh, Nguyễn Thị Kiều Oanh, Đinh Thị Tươi và Iteade  Idowu  Shitta (K9C, chuyên ngành Marketing, ĐH FPT) lựa chọn đề tài “The factors that influence customer behavior using cosmetics surgery service in Hanoi – Những yếu tố quyết định hành vi người dùng trong việc sử dụng dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ” để nghiên cứu và bảo vệ trong ngày 28/8.

Đang là “hot trend”, các dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ được xã hội đặc biệt là giới trẻ quan tâm nhưng cũng thường đi kèm với ý kiến trái chiều xung quanh việc lạm dụng chúng tác động xấu tới sức khỏe của người sử dụng. Đó là lý do khiến nhóm sinh viên ĐH FPT từ tò mò đến mong muốn tìm hiểu làm rõ hành vi của các khách hàng đang sử dụng dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ hiện nay.

Kiều Oanh (thành viên nhóm) trình bày trong buổi bảo vệ tốt nghiệp

Nhóm sử dụng phương pháp nghiên cứu chính là khảo sát trực tuyến, phân tích dữ liệu để đưa ra đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ. “Nhóm chọn đối tượng khảo sát gồm cả nam và nữ, tuổi từ 18-55, sống tại Hà Nội. Thời gian tiến hành khảo sát là tháng 7/2017.” Đinh Thị Tươi (thành viên nhóm) trình bày tại buổi bảo vệ tốt nghiệp.

Hình thức surver online – khảo sát trực tuyến giúp nhóm sinh viên tiếp cận được nhiều người với chi phí thấp, tiết kiệm thời gian và có thể nhanh chóng đưa ra kết quả. Ngoài ra, người được sẽ cảm thấy dễ dàng chia sẻ hơn khi họ có thể trả lời online, không cần trực tiếp hỏi – đáp với phỏng vấn viên.

5 vấn đề được nhóm tập trung nghiên cứu gồm: Hành vi của khách hàng là gì, Yếu tố nào ảnh hưởng đến hành vi của khách hàng, Yếu tố nào ảnh hưởng đến hành vi khách hàng sử dụng dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ ở Hà Nội, Những đề xuất cả tiến chất lượng dịch vụ thẩm mỹ nào có thể được đưa ra dựa vào hiểu biết về hành vi khách hàng, Làm thế nào để nâng cao uy tín của các trung tâm thẩm mỹ làm đẹp trong tâm trí khách hàng?

Để làm rõ những vấn đề trên, nhóm đã thực hiện gần 400 khảo sát khách hàng. Đối tượng chủ yếu tiếp nhận khảo sát là nữ, độ tuổi 18 đến dưới 36, hiện đang là học sinh, sinh viên hoặc dân văn phòng. Từ những thông tin, số liệu thu thập được, nhóm sinh viên ĐH FPT đã phân tích và đưa ra một số đề xuất nâng cao chất lượng dịch vụ và niềm tin của các trung tâm thẩm mỹ đối với khách hàng. “Nhóm đề xuất một số giải pháp như: giữ mối liên hệ thường xuyên với khách hàng, nâng cao tay nghề đội ngũ phẫu thuật viên và nhân viên chăm sóc khách hàng, cập nhật các xu hướng và công nghệ hiện đại, công khai thông tin về quy trình dịch vụ thẩm mỹ…” Thu Trang cho biết.

Là một “hot trend” trong xã hội hiện nay, đề tài của nhóm sinh viên đã tạo được sự mới lạ, hấp dẫn cho Hội đống chấm và đông đảo thầy cô giáo, bạn bè có mặt tại buổi bảo vệ. Tuy vậy, việc nghiên cứu đề tài tồn tại một vài hạn chế trong đó có phương pháp thu thập thông tin.  Theo dõi kỹ phần trình bày của nhóm, ThS Nguyễn Minh Hải (Giảng viên bộ môn Quản trị Kinh doanh) đặt câu hỏi: “Vì sao nhóm không khảo sát thực tế một trung tâm thẩm mỹ nào đó ở Hà Nội để có những số liệu cụ thể và góc nhìn thực tế hơn?”

Nhóm tỏ ra khá căng thẳng khi nhận được các câu hỏi phản biện từ Hội đồng chấm tốt nghiệp

“Ban đầu, nhóm dự định nghiên cứu dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ của một trung tâm làm đẹp cụ thể ở Hà Nội. Tuy nhiên, việc xin phép sử dụng cơ sở dữ liệu (database) thật của các trung tâm này gặp nhiều khó khăn.” Thu Trang (Thành viên nhóm) chia sẻ. Hoạt động dịch vụ mang tính cá nhân, các trung tâm thẩm mỹ mà nhóm sinh viên ĐH FPT liên hệ nghiên cứu thực tế đều từ chối cung cấp thông tim khách hàng. Nhiều người đang sử dụng dịch vụ thẩm mỹ tại các trung tâm cũng tỏ ra ngại ngần khi chia sẻ về tình trạng của bản thân mình.

Nhóm đã cố gắng khắc phục hạn chế bằng cách kết hợp các số liệu có được từ khảo sát trực tuyến với những kiến thức lý thuyết về ngành dịch vụ và khách hàng có được từ việc đọc hiểu tài liệu nước ngoài. “Chúng mình đọc nhiều tài liệu học thuật bằng tiếng Anh để có kiến thức nền và căn cứ khi nghiên cứu đề tài. Ban đầu chưa quen nên nhóm mất khá nhiều thời gian, thậm chí còn xảy ra bất đồng giữa các thành viên khi bạn đọc hiểu được, bạn không.” Thu Trang chia sẻ.

Qua 3 tháng nghiên cứu đề tài, nhóm sinh viên ĐH FPT thu được nhiều bài học hữu ích về cách làm việc nhóm, cách sắp xếp thời gian… Được sự giúp đỡ, chia sẻ về kiến thức và tinh thần từ giảng viên hướng dẫn Nguyễn Phương Tú cùng các thầy cô trong Hội đồng chấm tốt nghiệp, các bạn đã hoàn thành được đề tài của mình. “Nhóm muốn gửi lời cảm ơn đặc biệt đến cô Nguyễn Thị Thúy Nga. Cô Nga là ‘mẹ nuôi’ của 3 chúng mình (Trang, Oanh và Tươi), đã giúp đỡ chúng mình rất nhiều trong quá trình học tập và còn dành thời gian đến dự buổi bảo vệ của nhóm nữa.” Trang xúc động chia sẻ.

Dù còn hạn chế nhưng đề tài của nhóm các bạn Dương Thu Trang, Hoàng Mỹ Linh, Nguyễn Thị Kiều Oanh, Đinh Thị Tươi và Iteade  Idowu  Shitta (chuyên ngành Marketing, ĐH FPT) là một góc nhìn mới mẻ, có thể trở thành gợi ý để các bạn sinh viên Marketing khóa sau tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện.

Giải Giải/theo FE