Sinh viên FPT kể chuyện “nhà giàu vượt khó”

Câu chuyện “Nhà giàu vượt khó” là những chia sẻ của bạn Bùi Đức Hiếu – sinh viên ngành Kỹ thuật phần mềm về quãng thời gian học tập tại Đại học FPT.

Tôi xin được tự nhận mình là một đứa ‘’con nhà giàu’’. Khó khăn đầu tiên của tôi khi bước chân vào FU là phải vượt qua cám dỗ và chấp nhận con đường mình đã chọn. Chọn FU là chọn con đường đầy chông gai, đồng nghĩa với việc muốn vượt qua được đoàn đường chông gai ấy phải chấp nhận không còn nhiều thời gian cho việc đi chơi đây đó cùng bạn bè để dành thời gian cho việc học. Điều này với một số người sẽ là bình thường, nhưng với đứa quen sống sung sướng, quen đi chơi đây đó, quen thuộc cuộc sống tự do như tôi thì đây là một sự quyết tâm rất lớn.

Trong các năm học cấp 3, việc một đứa ‘’con nhà giàu’’ đạt thành tích cao trong học tập dường như là điều hiển nhiên với mọi người, đơn giản vì ‘’nhà nó giàu, nó thân với thầy cô và nhà trường nên đương nhiên là phải được nâng đỡ rồi’’. Khi nghe những lời đấy, tôi đã chán nản, không muốn bước đi tiếp bằng đôi chân của mình bởi bạn bè chẳng ai hiểu và công nhận nỗ lực, cố gắng của chính tôi cả. Nhưng ở FU không có sự phân biệt như vậy. Khi thầy cô giáo bước vào lớp, mọi sinh viên là như nhau bởi chúng tôi không được phép tặng quà riêng, và chính các thầy cô cũng tỏ ra không hài lòng nếu chúng tôi làm như vậy. Hành động cụ thể tri ân với các thầy cô rất đơn giản, ví dụ như cả lớp góp mỗi đứa 10 ngàn đồng mua một bó hoa để tặng cô nhân ngày 20/11. Nhờ học tập trong một môi trường như vậy, tất cả chúng tôi đều phải tự đi bằng đôi chân của mình. Đó là điều tối quan trọng trong cuộc sống sau này của mỗi người.

Với những đứa gia đình khá giả như tôi, từ trước đến giờ vẫn sống trong vòng tay bao bọc của bố mẹ và người thân, chỉ có việc học, đến bữa ăn cơm, ăn xong đi học, học về thì đi chơi, đến bữa lại về ăn cơm. Những công việc hằng ngày như nấu cơm, giặt giũ hầu như tôi chẳng bao giờ phải động đến, vì vậy bước vào cuộc sống tự lập sẽ khó khăn hơn với các bạn khác. Nhưng thật may, tháng rèn luyện Xuân Hòa đã tạo khởi đầu thuận lợi cho tôi. Ở đó, bất kỳ ai dù giàu, dù nghèo, dù đã quen tay hay chưa động đến lần nào đều phải trải qua những công việc như bê củi, xách nước, phụ bếp, giặt quần áo… Một tháng đó đã mang lại nhiều vốn sống cho những đứa chưa hiểu gì về cuộc sống bên ngoài như tôi, tạo nền tảng cân bằng để tôi chạy đua với những bạn sinh viên khác trong trường.

Sinh viên FPT tham gia phụ bếp trong thời gian học quân sự ở Xuân Hòa. Mọi khoảng cách đã bị xóa nhòa trong những khoảnh khắc như thế.

Nghị lực và quyết tâm – đó là thứ “con nhà giàu” kém hơn các bạn có hoàn cảnh khó khăn rất nhiều. Khi các bạn đang sống một cuộc sống khó khăn, chính cuộc sống đó hun đúc ý chí, tạo nên nghị lực, quyết tâm để vượt qua hoàn cảnh. Chứng kiến những vất vả của bố mẹ khi phải kiếm một số tiền lớn để lo học phí cho mình là nguồn động lực mạnh mẽ giúp các bạn miệt mài học tập. Còn tôi, không phải tôi coi thường đồng tiền bố mẹ bỏ ra, nhưng quả thật không thể có được nghị lực mạnh mẽ và quyết tâm vững vàng như vậy được, với một lý do bảo thủ rằng “dù học được hay không thì sau này bố mẹ vẫn có thể lo được công việc cho mình”, và cũng bởi vì tôi đang có cuộc sống khá đầy đủ, không thể nhận thức được giá trị của việc học đối với cuộc sống của bản thân sau này.

Nhưng may mắn bởi ai cũng có lòng tự hào của riêng mình, đa số luôn muốn mình giỏi hơn, đứng trên người khác. Với những bạn có gia đình khá giả, có lẽ sự ham muốn đó cao hơn, bởi từ trước đến nay luôn đứng ở top đầu, và họ sẽ khó chấp nhận để ai đứng trên mình. Muốn bằng bạn bằng bè, muốn dẫn đầu tại ĐH FPT không phải quyết định bằng tiền bạc mà là sự phấn đấu thực sự, điều đó thôi thúc tôi phải cố gắng trong cuộc đua tri thức cùng với các bạn.

Hòa nhập – đó là điều đầu tiên tôi nhận được trong tuần lễ Orientation. Cả hội trường ngập tràn sắc cam, cùng hát vang bài hát truyền thống, được gặp gỡ và chia sẻ, đặt ra câu hỏi với những “sếp lớn” trong tập đoàn. Khi đó, chúng tôi là một, khi đó, chúng tôi không còn khoảng cách vùng miền, khi đó, chúng tôi đã xóa nhòa khoảng cách giàu – nghèo. Và hơn hết, khi đó tôi bắt đầu yêu và gắn bó ngôi trường tôi đã chọn.

“Tôi bắt đầu thêm yêu và gắn bó với ngôi trường mình đã chọn”

“Bất cứ em nào cần sự giúp đỡ hãy liên hệ với anh. Bọn anh giúp đỡ các em, không mong đền đáp gì, chỉ cần các em rồi cũng giúp đỡ thế hệ đàn em của mình như vậy”. Khi đi học, bố mẹ tôi dặn phải biết chọn bạn mà chơi, đừng khoe khoang về tiền bạc hay gia đình để người khác lợi dụng mình, đừng giúp đỡ người khác khi mình mới quen lần đầu. Bố mẹ tôi là người nhân hậu, chất phác, họ nói vậy không phải ngăn cản tôi giúp đỡ, mà chỉ lo tôi chưa hiểu về cuộc sống, sẽ bị lợi dụng lòng nhân hậu của mình. Nhưng ở tuần lễ Orientation, nghe được câu nói trên tôi đã nhận ra FPT khác với các trường đại học khác. Một môi trường lành mạnh, sự giúp đỡ là vô tư, cho đi không cần nhận lại. Các anh khóa 4, 5, 6 giúp đỡ khóa 7 chúng tôi cũng chỉ mong khóa 7 nối tiếp truyền thống, tiếp tục giúp đỡ các khóa 8, 9, 10…Trong FU, chúng tôi đều là thành viên của một gia đình, không phân biệt tuổi tác, không chia ranh giới. Tôi 18 tuổi, có 100 nghìn trong người và đang học đại học, được phép gọi những vị lãnh đạo 50, 60 tuổi, chủ tịch hội đồng quản trị, những vị thạc sỹ, tiến sỹ đến giao lưu với chúng tôi bằng anh.

“Đại học FPT – Trường học của con nhà giàu” là cái nhìn cũ, chỉ là vẻ bề ngoài khi xem hóa đơn học phí lên tới 8 con số. Bên trong đó là cuộc chạy đua cân sức, hướng tới tương lai của cả “con nhà giàu” và “con nhà nghèo”. Chúng tôi nhìn vào nhau mà phấn đấu, rèn luyện về cả nhân cách và trí tuệ, biết hân hoan với thành tích của bạn, biết buồn, biết đỡ bạn sau mỗi lần vấp ngã để cùng tiếp tục cuộc đua.

“ĐẠI HỌC FPT – TRƯỜNG HỌC CỦA MỌI NGƯỜI”.

HiếuBD