Thủ lĩnh CLB Nhạc cụ truyền thống ấp ủ giấc mơ “truyền lửa”

Trước khi trở thành anh cả của CLB Nhạc cụ truyền thống FTIC, cơ duyên đưa Sơn đến với Trường đại học FPT  là bởi môi trường học tập mới mẻ và năng động. Bên cạnh đó, Đại học FPT còn là nơi giúp Sơn thỏa mãn đam mê nghiên cứu trong học tập nhờ thầy cô luôn giảng dạy nhiệt tình và thoải mái trao đổi với sinh viên.

Có lẽ CLB FTIC chính là một điểm nhấn trong chặng đường 4 năm tại đại học FPT của Sơn. Biết đến đàn bầu, đàn nguyệt, sáo ngay  từ khi còn nhỏ, mặc dù không được học chơi nhưng bố và ông đã truyền cho cậu bé ngày nào sự hứng thú với nhạc cụ truyền thống. Niềm yêu thích với những ca khúc quê hương, những thể loại nghệ thuật truyền thống nước nhà như chèo, ca trù, xẩm, cải lương đã thôi thúc Sơn tìm đến nhạc cụ truyền thống để truyền tải xúc cảm đến những người yêu nhạc. “Chơi nhạc cụ với mình là để con người mình có điều gì đó vui hơn trong cuộc sống. Trong cuộc sống thường ngày có quá nhiều mỏi mệt, và những giai điệu ấy lại khiến mình cảm thấy thư thái. Chính điều đó đã khiến mình có ý tưởng thành lập FTIC” – Sơn giãi bày.

Nguyễn Văn Sơn là thủ lĩnh đời đầu của CLB FTIC của Đại học FPT

Những ngày còn “thai nghén” ý tưởng về FTIC, Sơn vận động một nhóm bạn có chung sở thích, cùng chơi nhạc cụ với nhau, cùng đi diễn tại các sự kiện dưới sự hỗ trợ của cô Thủy – giảng viên âm nhạc của Đại học FPT. Sau một thời gian hoạt động, chàng trai K10 đã thu hút sự chú ý của nhiều bạn học khác và từ đàn tranh, nhóm đã có thêm những người chơi sáo, đàn nhị, đàn nguyệt, tạo tiền đề cho FTIC ra đời. Đề án thành lập câu lạc bộ nhạc cụ truyền thống của Sơn và nhóm bạn được Phòng phát triển cá nhân PDP hết sức ủng hộ. Sơn tâm sự: “Có lẽ khó khăn lớn nhất của bọn mình khi biến FTIC từ ý tưởng thành hiện thực đó là kỹ thuật của người chơi nhạc cụ, bởi đây là thứ rất mới mẻ với sinh viên. Thông thường, để biểu diễn được một nhạc phẩm hòa tấu, mọi người sẽ mất rất nhiều thời gian tập luyện, có khi hàng tháng trời mới xong. Để khắc phục điều này, FTIC đã linh động trong việc tập luyện, chia thành nhiều buổi trong tuần”.

CLB FTIC là một trong những điều đáng nhớ nhất của Sơn trong bốn năm học tập tại Đại học FPT

Là người anh cả của FTIC, Sơn đã dẫn dắt những người em của mình trên con đường phát triển câu lạc bộ ngày càng lớn mạnh. Lần đầu làm thủ lĩnh đã để lại trong Sơn rất nhiều điều đáng nhớ. Phải làm thế nào để tìm và giữ được niềm yêu thích, lòng nhiệt huyết của mỗi thành viên đối với nhạc cụ truyền thống luôn là một câu hỏi lớn ngự trị trong đầu cậu. Không dùng những thứ lý thuyết khô khan, cậu đã truyền lửa cho từng thành viên câu lạc bộ bằng kinh nghiệm bản thân tích lũy được. Với Sơn, người thủ lĩnh cũng là một thành viên trong tập thể, không phải là người đứng đầu mà là một người với vai trò kết nối. Do vậy cậu luôn tìm cách khơi dậy, thúc đẩy niềm cảm hứng cho mọi người, gây dựng được sự tín nhiệm, từ đó dẫn dắt mọi người đưa câu lạc bộ đi lên bằng sức mạnh tập thể.

“Kỷ niệm đáng nhớ nhất với mình thường là những kỷ niệm có sự tham gia đông đủ nhất của anh em trong câu lạc bộ. Như lần đầu tiên bọn mình lên sân khấu biểu diễn cho chương trình Tổng kết khối FE năm 2014 và lần đầu tiên câu lạc bộ được biểu diễn tại Nhà hát lớn trong chương trình trao giải Violympic, đó là chương trình mà bọn mình đầu tư nhiều nhất về cả chất lượng lẫn số lượng. Cả chuyến teambuilding đi Mai Châu nữa, mỗi thành viên phải tự mình nướng 1kg thịt, thế là khi tuyển thành viên bọn mình còn đưa thêm một tiêu chí là ăn hết 1kg thịt nướng” – Văn Sơn hồi tưởng.

Không dùng những thứ lý thuyết khô khan, chàng thủ lĩnh FTIC đã truyền lửa cho từng thành viên câu lạc bộ bằng kinh nghiệm bản thân tích lũy được.

Chia sẻ về dự định phát triển câu lạc bộ, Sơn cho biết FTIC đang ngày càng trưởng thành và đi sâu vào các thể loại truyền thống của Việt Nam. Hiện tại câu lạc bộ đã triển khai được Ca trù, Nhã nhạc cung đình Huế và sẽ hướng tới các làn điệu khác. Mặc dù là CLB còn non trẻ, nhưng trong tương lai chắc chắn CLB FTIC sẽ ngày càng phát triển và vươn xa hơn nữa.

Mỹ Linh