TS Lê Trường Tùng: Đại học FPT ‘cạnh tranh bằng sự khác biệt’

Coi “Quản trị đại học như Tổ chức dịch vụ”, TS. Lê Trường Tùng – Chủ tịch HĐQT ĐH FPT chỉ ra con đường để giúp đưa ĐH FPT phát triển, khẳng định chỗ đứng của mình chính là xây dựng “sự khác biệt”. Đây là một trong những nội dung chính mà TS Lê Trường Tùng chia sẻ trong tham luận của mình tại Hội thảo giáo dục EduCamp 2015 diễn ra hôm 29/11 vừa qua.

Giáo dục là một hoạt động dịch vụ

Chủ đề gây tranh cãi “Giáo dục phi lợi nhuận – giáo dục vị lợi nhuận”  một lần nữa lại làm nóng diễn đàn giáo dục của người FE (Khối Giáo dục FPT) khi được chủ tịch HĐQT ĐH FPT nhắc đến trong bài nói chuyện của mình tại Hội thảo EduCamp.

TS. Lê Trường Tùng – Chủ tịch HĐQT Trường Đại học FPT – phát biểu tham luận “Quản trị ĐH như Tổ chức dịch vụ” tại EduCamp 2015.

TS. Lê Trường Tùng – Chủ tịch HĐQT Trường Đại học FPT – phát biểu tham luận “Quản trị ĐH như Tổ chức dịch vụ” tại EduCamp 2015.

“Giáo dục có phải hoạt động dịch vụ hay không? Đại học có phải là tổ chức dịch vụ hay không?” là câu hỏi mà TS Tùng đưa ra ngay trong phần mở đầu tham luận. Theo TS Tùng, đây là một câu hỏi triết học, đã được đặt ra từ xa xưa, nhưng đến nay, vẫn còn gây tranh cãi, và chỉ được thừa nhận một cách khá “rụt rè”.

Tại ĐH FPT, giáo dục được coi như một dịch vụ và trong đó “ đào tạo là quá trình tổ chức và quản lý việc tự học của người học” – TS Lê Trường Tùng nêu quan điểm.

Điều cốt lõi của ĐH FPT không phải chỉ là cung cấp kiến thức, mà phải dạy được cho sinh viên ý thức tự học, tự trau dồi và phát triển bản thân. Từ đó, nhà trường giúp tạo được cho người học một môi trường cởi mở để theo đuổi đam mê, tri thức… chính là giúp họ tìm được hướng đi, làm chủ cuộc đời mình.

Tham luận của TS. Lê Trường Tùng nhận được nhiều ý kiến trao đổi của khán giả, thậm chí là những “câu hỏi khó”. Trong ảnh, TS. Phạm Thị Ly – ĐH QG TpHCM, ĐH Nguyễn Tất Thành đặt câu hỏi lý do ĐH FPT xác định cách thức cạnh tranh bằng sự khác biệt.

Tham luận của TS. Lê Trường Tùng nhận được nhiều ý kiến trao đổi của khán giả, thậm chí là những “câu hỏi khó”. Trong ảnh, TS. Phạm Thị Ly – ĐH QG TpHCM, ĐH Nguyễn Tất Thành đặt câu hỏi lý do ĐH FPT xác định cách thức cạnh tranh bằng sự khác biệt.

“Đào tạo đại học không để phục vụ xã hội ngay ở thời điểm hiện tại. Nhất là trong bối cảnh thế giới đang biến đổi nhanh, biến đổi không ngừng như hiện nay, dạy được cho người học biết cách tự học coi như nhà trường đã hoàn thành được sứ mệnh của mình” – TS Lê Trường Tùng phát biểu.

Coi Quản trị ĐH như một tổ chức dịch vụ, nên ĐH FPT đề cao ứng dụng Công nghệ trong làm giáo dục. “Công nghệ để làm cái đang làm tốt hơn, để tang năng suất công việc, tạo ra “cái mới”. Công nghệ, với ĐH FPT bao hàm nhiều yếu tố như: Công nghệ giáo dục, Công nghệ thông tin, Công nghệ quản lý…

Đồng thời, TS Lê Trường Tùng cũng nhấn mạnh, bên cạnh quan điểm rõ ràng về đào tạo, về ứng dụng công nghệ trong vận hành tổ chức, ĐH FPT còn làm rõ yếu tố “cạnh tranh” ngay từ khi mới thành lập. Điều này giúp nhà trường có hướng đi cụ thể:  Cạnh tranh  để phát triển. Và để cạnh tranh một cách lành mạnh, khẳng định được chất lượng đào tạo của mình, cách giải quyết của ĐH FPT chính là tạo ra sự khác biệt.

Tham luận dành được nhiều sự quan tâm của người tham dự. Trong ảnh, từ phải qua: TS. Đàm Quang Minh – Hiệu trưởng Đại học FPT, bà Hoàng Thị Thu Hương – Phó Giám đốc Khối Phát triển sinh viên quốc tế (FGO) – ĐH FPT, TS. Nguyễn Kim Ánh – Phó Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ FPT và Giáo sư Salmiah Kasolang – Trưởng Khoa Cơ khí – ĐH Công nghệ MARA (Malaysia).

Tham luận dành được nhiều sự quan tâm của người tham dự. Trong ảnh, từ phải qua: TS. Đàm Quang Minh – Hiệu trưởng Đại học FPT, bà Hoàng Thị Thu Hương – Phó Giám đốc Khối Phát triển sinh viên quốc tế (FGO) – ĐH FPT, TS. Nguyễn Kim Ánh – Phó Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ FPT và Giáo sư Salmiah Kasolang – Trưởng Khoa Cơ khí – ĐH Công nghệ MARA (Malaysia).

5 nguyên tắc tạo ra sự khác biệt

Để tạo ra sự khác biệt, việc quản lý ĐH FPT cần đi theo những nguyên tắc cụ thể. Người đứng đầu ĐH FPT đưa ra 5 nguyên tắc triển khai sự khác biệt, đó là: “Tài chính vững mạnh – cân đối thu chi và đầu tư phát triển”; “Tuyển sinh cũng như bán hàng, tuyển sinh đủ nhiều, và tuyển sinh đủ tốt”; “Thương thiệu chính là chất lượng đào tạo”; “Phát triển cán bộ tuân theo cơ chế thị trường” và “Xây dựng văn hóa dịch vụ từ giáo sư, giảng viên đến mọi cán bộ, nhân viên nhà trường”.

Cách trình bày logic và trả lời câu hỏi của người quan tâm hóm hỉnh của Chủ tịch HĐQT Trường Đại học FPT khiến người tham dự thích thú.

Cách trình bày logic và trả lời câu hỏi của người quan tâm hóm hỉnh của Chủ tịch HĐQT Trường Đại học FPT khiến người tham dự thích thú.

Những nguyên tắc tạo ra sự khác biệt trên vừa góp phần tạo nên một ĐH FPT có bản sắc riêng, có chất lượng đào tạo được xã hội tin tưởng, có văn hóa FPT rõ nét và đảm bảo được mức thu nhập tốt cho đội ngũ giảng viên cũng như các cán bộ nhà trường.

Lấy ví dụ về quan điểm của cựu Thủ tướng Thái Lan, nhà lãnh đạo Thaksin Shinawatra coi “quản lý nhà nước như một công ty”, Tiến sỹ Lê Trường Tùng tin rằng: Việc vận hành và quản lý giáo dục như một tổ chức dịch vụ là hướng đúng đắn, giúp phát triển và mở rộng ĐH FPT hơn nữa. Từ đó, nhà trường hướng đến những bước tiến mạnh mẽ trong tương lai như: Mở rộng các phân hiệu ĐH FPT trên khắp cả nước, mở rộng hợp tác với các trường trên thế giới…

FPT EduCamp là hội thảo mở được Khối Giáo dục FPT (FPT Education – FE) tổ chức hằng năm để kết nối các giảng viên, chuyên gia, các nhà hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nhằm chia sẻ các kinh nghiệm, tri thức và ý tưởng để thúc đẩy sự phát triển của giáo dục Việt Nam nói chung và FE nói riêng. Chương trình lần đầu ra mắt vào năm 2014.

Năm 2015, FPT EduCamp do Khối Giáo dục FPT, Trường Đào tạo Cán bộ FPT (FCU) phối hợp tổ chức, với chủ đề “Vận hành tổ chức giáo dục”. Hội thảo hướng đến chia sẻ và thảo luận xung quanh những vấn đề Xây dựng tổ chức học tập tại FPT, thực tế của FE nói riêng và các cơ sở giáo dục đào tạo ở Việt Nam nói chung như: tuyển sinh, giảng dạy, nghiên cứu, quản trị, truyền thông… qua đó thúc đẩy cải tiến công việc hiện tại của người tham gia.