Tự tình “cảm nắng” ngành thiết kế đồ họa

Thiết kế đồ họa – một trong những ngành học hấp dẫn của lĩnh vực Nghệ thuật ứng dụng đang thu hút sự quan tâm của các bạn trẻ. Năm nay, ĐH FPT chào đón hàng trăm sinh viên K13 theo học ngành này.

Đàn chị Ngô Thị Thu Hà (sinh viên lớp GD1103 – ngành thiết kế đồ họa) người cho đến bây giờ vẫn “cảm nắng” ngành học ấn tượng này sẽ bật mí cho các tân sinh viên tương lai về cách học cũng như môi trường ĐH FPT đào tạo ra sao nhé!

Tại sao Hà lại chọn học Thiết kế đồ hoạ tại trường ĐH FPT. Giờ đã trở thành sinh viên xứ HoLa rồi em có thấy quyết định của mình đã “chuẩn” chưa?

Từ hồi cấp 3 em đã cực thích vẽ vời và nuôi trong mình đam mê, rồi quyết tâm theo đuổi. Trong nhiều trường đào tạo ngành Thiết kế đồ họa, em chọn trường ĐH FPT vì môi trường học năng động, bên cạnh đào tạo chuyên ngành trường còn chú trọng đến phát triển kĩ năng mềm và quan trọng là chương trình cũng như phương pháp dạy hiện đại.

 Lớp học như một gia đình

Học ở ĐH FPT các bạn yên tâm là phòng ốc hiện đại, lớp học không “đông như quân Nguyên”, không có tình trạng suốt 4 năm học không nhớ mặt nhau. Lớp học như một đại gia đình, vừa đoàn kết lại vừa vui, có cái gì khó khăn là giúp nhau vượt qua, nhiều khi còn pha trò khiến cho thầy cô có khó tính đến đâu cũng khó lòng mà ghét được. Thật sự là em rất yêu lớp.

Trong lớp bạn nào em cũng ấn tượng hết, bạn thì diễn thuyết giỏi, bạn thì vui tính, còn cả bạn chơi game giỏi nữa. Thầy cô còn ấn tượng hơn nhiều. Cô Mai thì vui tính, tâm lí; thầy Kiên thì dễ tính; cô Nam thì kiên nhẫn, tận tình; thầy Trường thì dạy hay, dễ hiểu; thầy Liên thì nghiêm túc, tâm huyết… Mỗi thầy cô tuy có cách dạy và đặc điểm khác nhau nhưng đều có đặc điểm chung là tận tình và tâm huyết.

Và quả thật, khi đã chính thức vào học, trường đã không làm em thất vọng!

Em thấy phòng học ngành thiết kế đồ hoạ có gì khác biệt?

Tại ĐH FPT phòng học được phân chia hợp lý theo đúng chức năng và từng môn học. Với những môn lý thuyết thì bọn em sẽ học ở những phòng thông thường còn với những môn thực hành hay vẽ tay bọn em sẽ học ở phòng riêng như phòng hình họa, phòng nhiếp ảnh và phòng thực hành. Quan trọng hơn điều hoà mát lạnh, sinh viên không lo cảnh mướt mát mồ hôi vừa học vừa quạt như những trường khác. Tóm lại thì những phòng học được thiết kế và xây dựng để việc học được diễn ra thuận tiện và hiệu quả, giúp sinh viên phát huy khả năng sáng tạo nhất nên không có gì để em phải phàn nàn cả.

Em có thể chia sẻ môn học chuyên ngành mà em yêu thích?

Có rất nhiều môn học chắc chắn sẽ mang lại cho các bạn nhiều thích thú như Working in Group Skills, Drawing – Form, Digital Tool – 2D, Fundamental of Graphic Design, Visual Communication, Typography 1… Tuy mới học được 3 kì nhưng những trải nghiệm qua từng môn học khiến cho em và các bạn càng ngày càng háo hức đón chờ những kì học tiếp theo.

Lớp Ngô Thu Hà chụp ảnh cùng thầy Duy môn Water Coler (ngồi ở giữa)

Vì đã được học môn “Digital tool – 2D” nên hiện tại em có thể sử dụng Photoshop, Illustrator, Indesign để phục vụ cho việc thiết kế và sử dụng phần mềm After Effect để chỉnh sửa, tạo video chuyển động. Bên cạnh đó em còn dùng phần mềm Paint Tool Sai để vẽ vì dung lượng của Sai rất nhẹ và chuyên dụng cho việc vẽ. Sắp tới đây, bọn em sẽ được thử sức với 3D trong môn học “3D digital tool”. Em cảm thấy càng học càng mê, càng cảm thấy bị kích thích với ngành học. Một phần vì các môn học cực hấp dẫn, phần nhiều lại được các thầy cô cực giỏi tận tình hướng dẫn.

Kỷ niệm em nhớ nhất là kì vừa rồi em có trở thành mẫu để cả lớp vẽ trong tiết học môn Ký họa. Hôm đấy trong lớp lần lượt các bạn được chỉ định lên làm mẫu để cả lớp vẽ. Có bạn làm mẫu dáng hoặc mẫu chân dung. Đến lượt người cuối cùng lên, em cứ tưởng thoát rồi nhưng không ngờ vẫn bị chỉ định lên làm mẫu chân dung, cái này người ta gọi là chạy trời không khỏi nắng (cười) Cuối cùng em được thầy ký họa cho 1 bức chân dung nên coi như cũng được “an ủi” phần nào.

So với cái thời xưa lắc chỉ vẽ theo cảm xúc hoặc đơn giản là “chép tranh” giờ khi là sinh viên ĐH FPT, được học bài bản, có giảng viên hướng dẫn tận tình thì sản phẩm của em có sự thay đổi như thế nào?

   Qua một thời gian học tập ở trường, giờ nhìn lại những tác phẩm của em trước và sau khi được học bài bản thì em nhận thấy quả là … một trời một vực! Thay đổi lớn nhất ở đây là cách tư duy về thiết kế của em. Những tác phẩm trước khi được học đều ngô nghê, không theo một bố cục hay một tiêu chí nào. Còn những tác phẩm hiện tại tuy mới chỉ là bước đầu nhưng em đang dần dần biết được làm thế nào để truyền tải thông điệp qua hình ảnh và phông chữ một cách hiệu quả nhất. Những điều thầy cô truyền đạt cho bọn em không chỉ là những kiến thức trong sách vở mà còn là những kinh nghiệm mà thầy cô đã tự trải qua mà đúc kết được, vì hiểu được điều đó nên từng lời thầy cô nói ra em đều ghi lại. Ngoài ra em còn dành nhiều thời gian hiểu thêm ở trên mạng để có thể phát triển tốt nhất.

Em có cách nào để tăng thêm cảm xúc và tư liệu phục vụ việc học bởi ngành Thiết kế đồ hoạ cơ bản là ngành học kết hợp giữa ý tưởng sáng tạo và khả năng cảm nhận thẩm mỹ, thông qua các công cụ đồ họa để truyền tải thông điệp bằng những hình ảnh đẹp, ấn tượng, đi vào lòng người?

Em hay nghe nhạc, xem tranh của người khác để học hỏi và tìm cảm hứng, chơi game để thư giãn và tìm hiểu xem họ thiết kế nhân vật game như thế nào…

Ngoài ra bọn em cũng được thầy cô tổ chức cho đi thực tế. Buổi gần đây nhất là lúc học về Lịch sử Mỹ thuật cả lớp được cô dẫn đi thăm quan bảo tàng. Cái cảm xúc được chính mắt mình nhìn những hiện vật lịch sử và được nghe những câu chuyện hay những đặc trưng nghệ thuật gắn với mốc lịch sử thật sự là rất khác biệt so với cảm giác chỉ xem ảnh chụp hay những con chữ khô khan trong sách giáo khoa. Những hiện vật ấy hiện lên chân thực, quan niệm về cái đẹp qua từng thời kì hiện lên rõ ràng qua từng hiện vật nên kiến thức về lịch sử lưu vào đầu em rất tự nhiên. Đặc biệt hơn là cô Yến – cô dạy lịch sử Mỹ thuật lớp em đáng yêu lắm, cô mua trà sữa cho cả lớp nữa. Em mong là ngành thiết kế sẽ được trường tạo điều kiện cho đi thực tế nhiều hơn để được trải nghiệm và có nhiều kỉ niệm đáng nhớ.

Bên cạnh đó thì sinh viên ĐH FPT cũng rất chủ động, tự thiết kế cho mình và nhóm bạn những buổi thực tế riêng. Vừa đi chơi, vừa nạp thêm năng lượng, có them ý tưởng mới vì xung quanh mình là những tư liệu sống chân thực nhất.

Những sản phẩm của sinh viên chuyên ngành thiết kế đồ hoạ có được trưng bày giới thiệu tới mọi người không và trong những dịp nào?

Thường thì những sản phẩm của bọn em được trưng bày trong buổi triển lãm ngành đồ họa của trường. Buổi triển lãm sẽ chọn lọc những tác phẩm được nhận đánh giá khá tốt từ thầy cô trong quá trình học để đem ra trưng bày. Mỗi năm sẽ diễn ra 1 buổi triển lãm và mỗi buổi triển lãm sẽ kéo dài khoảng hơn 1 tháng. Kì Fall 2017 tới đây sẽ có 1 buổi triển lãm trong đó có tranh của em đó ạ!

Ngày 28/8/2017, tại ĐH FPT Hòa Lạc, khoá sinh viên đầu tiên chuyên ngành Thiết kế đồ hoạ bảo vệ đồ án. Sự kiện đang nhận được sự quan tâm của đông đảo giảng viên, cán bộ và sinh viên nhà trường