Trường Đại học FPT

Hé lộ nguyên nhân giành quán quân Vietnam Hackathon2018 của sinh viên Đại học FPT

15h30 ngày 29/8, 5 sinh viên Đại học FPT của đội Little Bin đã trở thành đội thi đầu tiên đăng quang ngôi vô địch cuộc thi Hackathon Việt nam và giành 2 suất đi Nhật để tranh tài Hackathon ở xứ Mặt trời mọc. Đằng sau chiến thắng ngoạn mục của tân quán quân là ban huấn luyện mát tay dẫn dắt nhiều tuyển CNTT của FPTU giành giải cao ở các sân chơi như ACM ICPC, FPT Edu Hackathon 2018 và mới đây nhất là giải Quán quân mùa đầu tiên của Hackathon Việt Nam 2018.

Những cái tên như thầy Ngọc Anh, thầy Dương, thầy Ngô Tùng Sơn trở nên rất quen thuộc với sinh viên CNTT trường Đại học FPT đặc biệt là các sinh viên tham dự các cuộc thi CNTT lớn nhỏ của trường, quốc gia, quốc tế. Sự tận tâm của các thầy đã giúp SV FPT toả sáng rạng rỡ ở những đấu trường công nghệ lớn. Đại diện ban huấn luyện – thầy Ngọc Anh đã có những chia sẻ thú vị sau những ngày dẫn dắt học trò “chinh chiến”

Chúc mừng ba thầy và đội tuyển Little Bin. Giang hồ đồn là ban huấn luyện gồm thầy, thầy Trần Bình Dương, Ngô Tùng Sơn rất mát tay khi dẫn các đội tuyển FPT đi thi đấu các giải to to. Bí quyết của giúp các đội đi thi và có giải mang về là gì ạ?

Thầy Ngọc Anh: Trước hết là chúc mừng các em sinh viên đến từ 2 đội tuyển Little Bin và Humming Bird đại diện cho Đại học FPT.

Quay trở lại câu hỏi của bạn. Bí quyết của chúng tôi không có gì cao siêu cả đâu. Chúng tôi chỉ sâu sát ngay từ khâu tuyển chọn để ra được gà “nòi” tốt, sau đó quyết liệt đẩy các em lên đỉnh cao trong từng mảng công việc. Trong quá trình làm việc mọi cái tôi cá nhân trong team đều sẽ bị gạt bỏ, tất cả hướng đến mục tiêu chung là chinh phục ngôi vị cao nhất của giải đấu.

Phải nói thêm là, chúng tôi hoàn toàn tự tin về những kiến thức đã trang bị cho các em trong quá trình học tại trường, nên trên mọi đấu trường như Cuộc đua số, ACM/ICPC, CTF, FPT Edu Hackathon 2018, và gần đây là Hackathon Việt Nam, các đội tuyển của Đại học FPT đều chiếm lĩnh được các đỉnh cao.

Trải qua các vòng thi đấu của Hackathon Việt Nam 2018 lần này, các thầy đã hướng dẫn những gì cho sinh viên nhà mình để các bạn hoàn thiện sản phẩm ạ?

Thầy Ngọc Anh: Quy trình thực hiện sản phẩm gồm có: tìm kiếm ý tưởng, đánh giá lựa chọn ý tưởng, thiết kế kiến trúc tổng thể và bộ phận, lựa chọn công nghệ, đưa vào triển khai, kiểm tra hệ thống, và cuối cùng là tài liệu hóa bản thuyết trình sản phẩm.

Trong mọi khâu của quy trình trên, ban huấn luyện đều có những gợi ý, định hướng, và phản biện để sản phẩm của nhóm đảm bảo đúng chủ đề và độc đáo. Đặc biệt, sản phẩm phải nhỏ mà xinh, phù hợp với tính chất ngắn hạn của cuộc thi Hackathon Việt Nam vốn được xác định diễn ra trong vòng 2 ngày (tương đương với 17,5 tiếng thi đấu).

Nhóm Little Bin đã tuân thủ và triển khai rất tốt những gì ban huấn luyện đề ra, nên việc thu được kết quả như vậy là đúng với kì vọng, dù đối thủ của ta rất mạnh. Trong số các đội đạt giải có những đội đến từ Doanh nghiệp, vốn dĩ là các chiến sĩ dày dạn kinh nghiệm làm sản phẩm thực tế hơn những đội tuyển sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường rất nhiều. Nhưng nhờ thực lực, chiến thuật và tính tuân thủ, đội tuyển của sinh viên FPT đã giành ngôi vị cao nhất.

Theo thầy đánh giá, bài toán công nghệ khó nhất mà SV FPT phải vượt qua để chiến thắng ở Hackathon Việt Nam 2018 là gì?

Thầy Ngọc Anh: Giải pháp của nhóm Little Bin bao gồm cả thiết bị phần cứng và phần mềm nên thử thách bao gồm sự chính xác, ổn định, giá thành rẻ của thiết bị phần cứng (200K/ bộ sản phẩm); và sự đơn giản, tiện dụng, tối ưu chi phí thu gom rác của ứng dụng phần mềm.

Khó nhất theo tôi là việc tích hợp để cả phần cứng và phần mềm hoạt động với nhau được trơn tru. Để thực hiện điều này, nhóm đã phải kiểm soát giao thức và tính tích hợp của hệ thống.

Thầy đánh giá như thế nào về thực lực của các đội trường bạn?

Thầy Ngọc Anh: Ngắn gọn là cuộc thi lần này không chỉ giữa sinh viên các Trường Đại học, mà BTC còn mời cả các đội đến từ Doanh nghiệp. Ta gặp lại một số đối thủ “truyền kiếp” trong các cuộc thi công nghệ lớn như ACM/ICPC, Cuộc đua số, CTF như Đại học Công nghệ, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Học viện Bưu chính Viễn thông, Đại học Bách Khoa, Đại học Khoa học Tự nhiên bên cạnh Doanh nghiệp có tên tuổi trong làng outsourcing như Tinh Vân.

Còn thực lực của đội FPT ở giải đấu này thì thầy đánh giá thế nào?

Thầy Ngọc Anh: Đội FPTU mạnh ở góc độ sức trẻ, nhiệt huyết, thậm chí mạnh ở cả tinh thần “chẳng có gì để mất”. Các thầy trong ban huấn luyện đều rất tâm huyết và cũng nắm giữ được các công nghệ chủ chốt của toàn bộ giải pháp ở khía cạnh hệ thống phần cứng (IoT,…) và giải pháp phần mềm (cloud, GIS, AI,…).

Ngoài ra, Đại học FPT ra quân với 5 đội đến từ các campus Hòa Lạc (1 đội), HCM (1 đội), Cần Thơ (3 đội). Có thể nói, chúng ta có lực lượng hùng hậu nếu so với các đơn vị tham gia. Điều này thể hiện sự ủng hộ lớn từ phía lãnh đạo trường, cộng thêm với sự máu lửa của sinh viên FPTU, sẵn sàng lăn xả vào các cuộc thi để cọ sát và trưởng thành; do vậy nếu đánh giá về thực lực thì chúng ta có đội quân khá “đáng gờm” trong giải đấu này.

 

Thế đội tuyển nhà mình thì thầy đánh giá điểm mạnh và điểm chưa mạnh của các bạn là gì?

Thầy Ngọc Anh: Điểm mạnh của đội nhà chính là sự tự tin, quyết tâm, dốc toàn bộ sức lực cho cuộc thi. Các nhóm chat messenger của đội còn sáng đèn lúc 1, 2h sáng là điều bình thường. Thường xuyên nhóm thức đêm để làm việc luôn.

Sinh viên FPT có lợi thế về kỹ năng mềm như làm việc nhóm hay thuyết trình, còn có lợi thế về tiếng Anh tiếng Nhật. Điều này giúp ích gì cho quá trình tham gia Việt Nam Hackathon 2018?

Thầy Ngọc Anh: Tất nhiên rồi, ở lần thuyết trình cuối,  bạn Phan Nguyên Bảo (sinh viên ngành JS) đã mở đầu bằng một tràng dài tiếng Nhật, làm cả khán phòng có các vị quan chức ồ lên. Đội tuyển nhà mình nhờ đó đã tạo được ấn tượng rất tốt, vì là nhóm duy nhất trong top 4 làm được điều này.

Nói vậy chứ vẫn kì vọng các em tích lũy thêm các kĩ năng sống, kĩ năng mềm. Các thầy và các anh chị cán bộ CTSV vẫn phải lo lắng nhiều cho các em trong việc ăn ở, đi lại, suy nghĩ trước sau trong mọi sự việc, hành động.

Tiếp tới, các bạ sẽ tham gia Hackathon tại Nhật. Mang chuông đi đánh xứ người chắc chắn sẽ có nhiều thách thức. Thầy có thể dự đoán một vài thách thức lớn mà SV gặp phải, cũng như có vài chiến thuật “gà bài” cho đội nhà được không ạ?

Thầy Ngọc Anh: Đau đầu phết, BTC ở Việt Nam hiện tại công bố chỉ cho 2 sinh viên đại diện cả team đi thi với các đội xuất sắc nhất của các quốc gia trong khu vực như Indonesia, Thái Lan… Đội phải giải quyết được vấn đề trước mắt đó trước đã để cả team vững tâm.

Còn về chiến thuật cho gà nhà, đội đã có và chắc chắn sẽ cập nhật thêm nhưng phải dựa trên thông tin thu thập được từ các team khác và chủ đề chính thức từ BTC ở Nhật Bản.

Cảm ơn thầy Ngọc Anh và Ban huấn luyện đã có những chia sẻ thú vị này.

Cocdoc

Exit mobile version