Trường Đại học FPT

Bỏ kinh tế sang học IT, thủ khoa trẻ sớm thành công tại Unilever

Từng theo học ngành kinh tế tại một trường top đầu nhưng nhận ra niềm yêu thích với IT, Lại Trung Minh Đức không ngại ngần chuyển hướng.

Thi lại vào Trường ĐH FPT, Đức không chỉ nhận học bổng đầu vào 90% mà còn trở thành thủ khoa đầu ra, hiện là một trong những nhà quản lý trẻ tài năng tại Unilever.

Lại Trung Minh Đức, cựu sinh viên K11 Trường ĐH FPT phân hiệu TPHCM.

“Hồi 2015, động lực thi lại vào Trường ĐH FPT của mình đơn giản lắm, thấy có bộ phim CSI Cyber về phòng chống tội phạm mạng hay quá nên mình quyết định bỏ ngang chuyên ngành Kinh tế đối ngoại để chuyển sang học chuyên ngành An toàn thông tin”, Lại Trung Minh Đức kể.

Không dễ dàng để quyết định từ bỏ con đường học vấn đầy tiềm năng ở một trường top đầu rồi làm lại từ đầu, nhưng với Đức, đó là sự chuyển mình đầy quyết đoán và xứng đáng.

Đức là gương mặt sinh viên nổi bật của khóa 11 Trường ĐH FPT phân hiệu TPHCM.

Khi trở thành sinh viên Trường ĐH FPT phân hiệu TPHCM, Đức như “cá gặp nước” và liên tiếp đạt nhiều thành tích ấn tượng như: học bổng đầu vào 90%; 6/9 lần được vinh danh sinh viên giỏi; giải nhất cuộc khi khởi nghiệp của CLB Enactus ĐH RMIT; giải nhì cấp quốc gia cuộc thi Microsoft Imagine Cup 2018 và là đại diện duy nhất của Việt Nam tham gia hội nghị Microsoft Student Partner năm 2019 tại Sydney, Úc; thủ khoa đầu ra ngành An toàn thông tin của Trường ĐH FPT phân hiệu TPHCM; đạt 13 chứng chỉ của Microsoft trong năm 2022…

Là sinh viên Trường ĐH FPT vốn đào tạo thiên về thực chiến trong công việc nên từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường, Đức đã được khuyến khích và đào tạo để trở nên năng động và chủ động trong việc tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp.

Bệ phóng là Trường ĐH FPT giúp Đức tự tin hòa nhập với môi trường quốc tế.

“Mình luôn nắm bắt các cơ hội làm thực tập sinh, sau đó tích lũy kiến thức, kinh nghiệm để tiến lên nhân viên thời vụ, sau là nhân viên chính thức. Tới lúc ra trường thì bản thân đã vững vàng đủ để tự tin ứng tuyển vào Unilever – nơi mình gắn bó từ 2019 tới nay”, Đức chia sẻ.

Unilever vốn nổi tiếng với quy trình làm việc và tiêu chuẩn chất lượng khắt khe, đòi hỏi ở nhân viên sự sáng tạo cũng như khả năng giải quyết vấn đề. Gia nhập một môi trường làm việc đa quốc gia và đầy thử thách như thế nhưng chàng cựu sinh viên Trường ĐH FPT chứng tỏ rõ được khả năng và sự phù hợp.

Không chỉ thích ứng nhanh chóng với nhịp độ làm việc nhanh và áp lực cao, Đức còn khẳng định bản thân qua những đóng góp vào các dự án lớn, được vinh danh Nhân viên xuất sắc năm 2019, Nhóm xuất sắc năm 2020, 2021, 2022.

Hiện tại, Đức đảm nhiệm vai trò Global Data Science Manager (Quản lý về khoa học dữ liệu) tại Unilever Việt Nam. Công việc này không đòi hỏi anh phải tư duy hay tính toán nhiều, thay vào đó là tập trung vào kiểm soát chất lượng giải pháp, tối ưu hóa, quản lý các nhà thầu phụ để đảm bảo dự án tổng được chạy chính xác, nhanh, tiết kiệm. Hàng tháng, 9X cũng sẽ có những chuyến công tác đến các nước trong khu vực Đông Nam Á có trụ sở Unilever để kiểm tra và bao quát tình hình.

Theo Đức, vị trí quản lý giải pháp không chỉ đòi hỏi kỹ năng cứng về lập trình, mà còn phải hiểu được nhu cầu của thị trường và doanh nghiệp, biết lắng nghe, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của nhân sự trong nhóm (team), biết quản lý công việc và phân nhiệm vụ hiệu quả…

Chàng cựu sinh viên Trường ĐH FPT trong một chuyến công tác nước ngoài.

“Những kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được tại Trường ĐH FPT đã giúp mình vững vàng hơn khi điều hướng công việc từ an toàn thông tin thành khoa học dữ liệu, sẵn sàng đón xu hướng đầu tiên của khoa học dữ liệu tại Việt Nam vào năm 2019 khi mới ra trường. Môi trường học tập với giáo trình bằng tiếng Anh tại Trường ĐH FPT cũng là hành trang quan trọng để mình làm việc trong môi trường đa quốc gia, tự tin dùng ngoại ngữ để giao tiếp với đồng nghiệp lẫn các chuyên gia trong ngành ở nước ngoài”, Đức cho biết.

Từ kinh nghiệm của mình, Đức cho rằng sinh viên Trường ĐH FPT nếu biết tận dụng tốt những lợi thế về ngoại ngữ, trải nghiệm, kỹ năng mềm mà nhà trường trang bị cho mình, thì cơ hội việc làm quốc tế rộng mở.

“Bạn phải chủ động và quyết tâm, cũng đừng giới hạn việc học ở trường mà hãy tìm kiếm cơ hội thực tập từ thời sinh viên. Có lương cũng được, không lương cũng được, miễn là học thêm được gì đó. Khi có kinh nghiệm thực tập, có dự án từng làm, thì khi ra trường, các bạn sẽ không còn là fresher (nhân viên mới, chỉ đang bắt đầu làm quen với công việc) nữa mà đã có đủ kỹ năng để định nghĩa mình là nhân viên junior/mid-junior (đã tích lũy được phần nào kinh nghiệm) rồi. Như vậy thì cơ hội việc làm sẽ rộng mở hơn, cả trong nước và quốc tế”, cựu sinh viên Trường ĐH FPT cho biết.

Các sĩ tử có thể nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục để chính thức trở thành sinh viên Trường ĐH FPT với chuyên môn được đào tạo tốt và cơ hội việc làm rộng mở sau tốt nghiệp như Đức.

 

Exit mobile version