Trường Đại học FPT

Cách đào tạo Thiết kế đồ họa khác biệt của Đại học FPT TP.HCM

Hàng trăm bức tranh của sinh viên ngành Thiết kế đồ họa trường Đại học FPT TP.HCM được trưng bày tại triển lãm môn học Drawing of Portrait (vẽ chân dung).

Điểm số của sinh viên được tổng hợp từ chính nhận xét, đánh giá những người thăm quan và thưởng lãm tranh.

Người xem triển lãm trực tiếp nhận xét và cho điểm sản phẩm của sinh viên

Tư duy trên mặt phẳng

Trong 2 ngày diễn ra triển lãm, hàng trăm bức tranh chân dung và vẽ tượng của sinh viên ngành Thiết kế đồ họa được trưng bày tại sảnh lớn các tầng trong tòa nhà Innovation, trường Đại học FPT TP.HCM. Phản hồi của người xem tranh đều được sinh viên ghi nhận chi tiết.

Trước khi thực hiện các sản phẩm của mình, Võ Minh Huy (K12) nhớ lại cách thầy hướng dẫn sắp xếp bố cục, phối hợp màu sắc, cân nhắc ánh sáng và đổ bóng. Nguyễn Thanh Duy – sinh viên khóa 12 chia sẻ:Trung bình, tụi mình hoàn thành một bức vẽ chân dung trong khoảng tiếng rưỡi”. Sinh viên Nguyễn Hoàng Diệp Linh tỏ ra rất thích thú:“Nếu không học những môn này sẽ rất khó tưởng tượng, diễn đạt được quan điểm bằng hình khối”.

 

Sản phẩm trưng bày tại triển lãm của sinh viên Hoàng Đăng Duy

Một trong các tác phẩm ấn tượng được trưng bày trong triển lãm là sản phẩm của Hồng Hiếu – sinh viên Khóa 12. Từng học 2 năm tại trường ĐH Kiến trúc nhưng hiện tại Hiếu đã chuyển sang một môi trường mới. Theo đuổi đam mê trở thành chuyên viên thiết kế cho doanh nghiệp, Hiếu hiểu rằng xu hướng Mỹ thuật ứng dụng mới sẽ đề cao khả năng sử dụng công nghệ hiện đại. Hiếu quyết định chuyển sang học ngành Thiết kế Đồ họa tại trường Đại học FPT TP.HCM. Tại triển lãm, Hiếu chia sẻ: “Môn Drawing of Portrait – vẽ chân dung giúp mình học được khả năng nhìn nhận hình ảnh, đo đạc tỷ lệ khuôn mặt. Từ đó, tư duy thiết kế nhanh chóng và logic hơn”.

Không như phương pháp đào tạo truyền thống, tại Đại học FPT TP.HCM, vẽ tay chỉ là phương tiện để sinh viên hình thành tư duy trên mặt phẳng. Nắm được kỹ năng này, sinh viên có thể thiết kế trên mọi công cụ.

Thoát khỏi sao chép đơn thuần

Thoát khỏi tư duy sao chép mẫu đơn thuần, sinh viên được khuyến khích chọn lọc và kết hợp mảng tương quan để làm nổi bật bản chất của mẫu.

Sản phẩm vẽ đầu tượng được trưng bày trong triển lãm

Để tạo nên một tác phẩm, sinh viên quan sát mẫu vật thật, dựng trục rồi dựng cấu trúc mẫu. Sinh viên tư duy lọc mẫu, đơn giản hóa hình, chắt lọc mảng tương quan sao cho hình có kết cấu hài hòa nhất. Mỗi tác phẩm vẽ chân dung/vẽ tượng được thực hiện trong vòng từ 1 tiếng 30 phút đến 2 tiếng.

Thầy Nguyễn Viết Tân – Chủ nhiệm bộ môn Thiết kế đồ họa, trường Đại học FPT TP.HCM cho biết: “Diễn tả chi tiết chỉ thuần túy là sự sao chép thực tế. Tại khoa Thiết kế đồ họa của trường Đại học FPT, chúng tôi không đặt nặng tính diễn tả. Chúng tôi đẩy mạnh sự chắt lọc, gợi mà không tả để sinh viên phát triển tư duy theo hướng sáng tạo cá nhân nhiều nhất”.         

Tranh chân dung được vẽ bằng những đường thẳng tối giản

Với 3 chuyên ngành hẹp: Thiết kế thời trang, Thiết kế nội thất, Đồ họa máy tính, sinh viên tốt nghiệp Đại học FPT có thể trở thành Chuyên viên tư vấn, thiết kế tại các doanh nghiệp, công ty quảng cáo, xưởng thiết kế, công ty truyền thông, Studio nghệ thuật; Giám đốc sáng tạo; Giảng viên thiết kế…

Thiết kế đồ họa ứng dụng đa phương tiện là xu thế truyền thông thời đại mới. Đây là một ngành học vô cùng hấp dẫn đối với các bạn yêu thích nghệ thuật, đam mê sáng tạo.

Hana

 

 

Exit mobile version