Thứ…, ngày… tháng 06 năm 2025
Với nhiều sinh viên, đại học là nơi của những buổi học nhóm, deadline dồn dập và những tiết học dài đằng đẵng. Nhưng với mình – Nguyễn Quỳnh Như, sinh viên ngành Digital Marketing, Trường Đại học FPT Cần Thơ – đại học còn là nơi của những lần đầu tiên. Lần đầu dám thử. Lần đầu bước ra khỏi vùng an toàn. Và lần đầu thấy điều tưởng chừng chỉ dám nghĩ “biết đâu”… lại hóa thành hiện thực.
Một trong những “lần đầu tiên” đáng nhớ nhất với mình chính là được đứng trên bục thuyết trình tại Hội thảo quốc tế lần thứ 8 về Trách nhiệm Xã hội Doanh nghiệp và Phát triển Bền vững (The 8th International Conference on CSR and Sustainable Development – CSR2025), tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh – một Hội thảo quốc tế uy tín có kỷ yếu thuộc danh mục Scopus.
Nguyễn Quỳnh Như (FPTU Cần Thơ) lần đầu trình bày nghiên cứu tại Hội thảo quốc tế CSR2025
Khi trí tuệ nhân tạo “gặp gỡ” biến đổi khí hậu
Tại Hội thảo khoa học quốc tế CSR2025 tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh, mình may mắn là người trình bày nghiên cứu mang tên: “Students’ perceptions of artificial intelligence (AI) applications in the context of current climate change”– một đề tài xoay quanh góc nhìn của sinh viên về khả năng ứng dụng AI trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây là công trình do ba người cùng thực hiện:
- Nguyễn Quỳnh Như – Ngành Digital Marketing, Khóa K17 (người trình bày)
- Quang Thị Ngân Bình – Ngành Digital Marketing, Khóa K17
- TS. Nguyễn Trọng Luân – Giảng viên hướng dẫn, Trường Đại học FPT Cần Thơ
Từ những ngày đầu khảo sát, phân tích dữ liệu đến khi hoàn thiện nội dung học thuật, đây là hành trình đồng hành đầy tâm huyết giữa ba thầy trò.Nhờ có thầy Luân – người luôn truyền cảm hứng học thuật và cổ vũ tinh thần “cứ thử đi”, và sự kiên trì, tỉ mỉ từ bạn Ngân Bình, mình mới có thể tự tin mang đề tài đến Hội thảo quốc tế.
Xuất phát từ câu hỏi: “AI – công cụ đang phát triển mạnh mẽ – liệu có thể hỗ trợ con người trong việc đối phó với biến đổi khí hậu không?”, nhóm mình đã thực hiện khảo sát sinh viên để tìm hiểu nhận thức, mức độ tiếp cận và những cơ hội – thách thức mà họ nhìn thấy. Không chỉ là một công trình học thuật, nghiên cứu còn thể hiện tinh thần Gen Z: kết nối công nghệ hiện đại với trách nhiệm môi trường – vì một tương lai bền vững.
Slide trình bày ba câu hỏi nghiên cứu về AI và biến đổi khí hậu tại hội thảo quốc tế CSR2025
CSR2025 – nơi những cái “biết đâu” trở thành hiện thực
Quyết định gửi bài tham dự Hội thảo quốc tế CSR2025 đến với mình rất nhẹ nhàng, đơn giản chỉ là một suy nghĩ thoáng qua: “Nộp thử xem sao, biết đâu…” Vậy mà chính cái “biết đâu” ấy lại mở ra cánh cửa đầu tiên dẫn mình đến một trải nghiệm không ngờ tới – được chọn trình bày nghiên cứu tại một hội thảo khoa học có kỷ yếu thuộc danh mục Scopus, trước các học giả quốc tế đến từ nhiều quốc gia. Khoảnh khắc nhận email xác nhận đề tài được chọn, niềm vui chưa kịp trọn vẹn thì cũng là lúc những áp lực bắt đầu kéo đến. Lần đầu thuyết trình trước một hội trường toàn chuyên gia, lần đầu cảm thấy mình nhỏ bé giữa không gian học thuật rộng lớn. Đã có lúc mình hoang mang tự hỏi: “Liệu mình có đủ khả năng không?”
Một phút run rẩy – để biết mình không nhỏ bé
Khi bước lên bục thuyết trình, tay mình vẫn còn run. Nhưng thật kỳ lạ – lúc bắt đầu chia sẻ về chính đề tài mà nhóm đã dày công thực hiện, mình như quên hết mọi áp lực. Được nói bằng tất cả sự tâm huyết khiến từng câu chữ trở nên tự nhiên hơn bao giờ hết.
Phản hồi sau phần trình bày không chỉ là những tràng vỗ tay mà còn là loạt câu hỏi phản biện sắc sảo từ các học giả và chuyên gia quốc tế, giúp mình mở rộng góc nhìn về đề tài, từ vai trò giáo dục môi trường trong giới trẻ, khoảng cách công nghệ giữa các khu vực đến những rủi ro tiềm ẩn của AI trong thực tiễn. Nhóm nhận được đánh giá tích cực về tính thời sự và cách tiếp cận độc đáo từ góc nhìn sinh viên – thế hệ đang trưởng thành giữa chuyển đổi công nghệ và biến đổi khí hậu.
Chính lúc đó, mình hiểu rằng:“Thuyết trình tốt không phải là kết thúc, mà là mở ra nhiều câu hỏi mới, nhiều góc nhìn mới mà trước đó mình chưa từng nghĩ tới.”
Các đại biểu và nhóm nghiên cứu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo quốc tế CSR2025
“Bạn không cần phải giỏi mới bắt đầu”
Nếu bạn đang chần chừ trước một cơ hội nào đó, hãy cứ thử! “Đừng chờ đến khi mình cảm thấy đủ giỏi mới bắt đầu. Hãy cứ bắt đầu, vì chính những lần thử – dù run rẩy – mới giúp bạn thật sự trưởng thành.”
Gửi những bạn sinh viên còn đang chần chừ trước một cơ hội nào đó: Cứ thử đi! Đôi khi một cái “biết đâu” lại là khởi đầu của cả một hành trình không ngờ tới.
Chứng chỉ trình bày nghiên cứu tại Hội thảo quốc tế có kỷ yếu Scopus – CSR2025