Trường Đại học FPT

Chàng sinh viên Việt giỏi tiếng Nhật cao cấp chỉ vì…tự ái!

GDVN – Đạt chứng chỉ N2 khi mới hoàn thành nửa chương trình Đại học, bí quyết của Nguyễn Hoàng Lâm là dùng những lời chế giễu từ bạn học để làm động lực rèn luyện.

Khi vừa hoàn thành năm đầu trên ghế giảng đường, Nguyễn Hoàng Lâm (sinh viên ngành Ngôn ngữ Nhật) quyết định tham gia chương trình học kỳ nước ngoài được thiết kế đặc biệt cho sinh viên FPT.

Chàng trai này sang Nhật với mục tiêu nâng cao khả năng ngoại ngữ, tâm lý khá thoải mái vì tin là: “Cứ ra nước ngoài ở, thể nào tiếng chẳng giỏi lên”.

nguyen hoang lam

Nguyễn Hoàng Lâm chia sẻ cuộc sống ở Nhật cho cậu nhiều trải nghiệm thú vị.

Giỏi tiếng nhờ… tự ái

Có sẵn vốn từ nhất định sau 1 năm học tại Đại học FPT, Lâm khá tự tin trong những ngày đầu đặt chân đến thành phố Saitama, Nhật Bản.

Tuy nhiên, khác với Nhật ngữ chuẩn được giảng dạy tại trường, trong giao tiếp hàng ngày, người Nhật dùng khá nhiều “văn nói”. Thời gian đầu, Lâm gặp không ít khó khăn trong việc nghe hiểu. Mất đến vài tháng, cậu sinh viên mới quen với lối dùng từ và diễn đạt của người bản xứ.

Lâm cảm nhận vốn từ của mình phong phú hơn, và cũng rất tự tin “bắt chước” cách nói của họ. Thậm chí, cậu có chút tự mãn vì không phải sinh viên nào cũng nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống và ngôn ngữ ở Nhật được như cậu.

Những tưởng mục tiêu giao tiếp thành thạo đã đạt được, nhưng trong một lần trò chuyện, sự tự tin của Lâm bị “dội nước lạnh” khi nghe bạn học người Nhật thẳng thắn nhận xét: “Cậu nói tiếng Nhật còn kém lắm!”.

Lý do là vì Lâm không nói được một câu liền mạch mà phải ngắt nghỉ nhiều lần để tìm từ cho phù hợp. Lời nhận xét ấy khiến Lâm thấm thía: “Không phải cứ ra nước ngoài sống là sẽ giỏi ngôn ngữ ngay. Phải có phương pháp học tập đúng, và đặc biệt là phải bỏ qua tự ái hay sĩ diện để bạn bè sửa lỗi sai giúp mình tiến bộ”. Sáng tỏ hơn về cách thức học tiếng, Lâm càng nỗ lực hơn nữa trong việc hoà nhập với đời sống tại Nhật.

Theo học ngành Ngôn ngữ và địa lý Nhật tại trường bạn, cậu thường xuyên tham gia vào những chuyến đi chơi cùng lớp để có cơ hội giao tiếp nhiều hơn. “Khi trò chuyện với thầy cô, dù mình nói sai họ vẫn hiểu và chỉ nhắc nhở nên mình thường quên ngay. Ngược lại trong giao tiếp cùng bạn bè, họ sẽ đồng thanh phản đối, góp ý thẳng thắn đến mức nhiều khi mình cảm thấy tự ái. Chính vậy mới khiến mình nhớ lâu và sửa nhanh được”, Lâm kể về quá trình “cứ sai rồi sửa” của mình trong suốt 1 năm học tại Nhật.

Sau giờ học Lâm còn xin làm thêm ở một nhà hàng với công việc nấu ăn và dọn dẹp vệ sinh. Công việc này không chỉ khiến cuộc sống của cậu sinh viên có thêm trải nghiệm mà còn là môi trường rèn luyện giúp cậu giao tiếp tự nhiên hơn. Nhờ vậy, Lâm không chỉ chia sẻ được với bạn bè cùng học về thời tiết, sở thích cá nhân còn cả kinh nghiệm sống và làm việc.

Vượt qua cú sốc về ảo tưởng “mình giỏi”

Sang nước ngoài du học, Lâm trải qua khoảng thời gian trầm cảm tưởng như khó vượt qua khi đụng phải cú sốc về ảo tưởng “mình giỏi”. Cậu sinh viên này bộc bạch về khó khăn sau những ngày đầu đầy hứng khởi: “Cú sốc văn hóa và sự cô đơn của một du học sinh đã từng dẫn mình đến nhiều suy nghĩ và hành động tiêu cực trong khoảng thời gian đầu.

May mắn là khi ấy mình có cậu bạn người Nhật rất tốt bụng đã giúp đỡ mình rất nhiều. Cậu ấy hỏi han, an ủi, thậm chí… mắng mình để mình “tỉnh” ra”. Những kiến thức và kỹ năng được học giảng đường đại học là nền tảng quan trọng để Lâm nhanh chóng thích nghi với môi trường học tập, rèn luyện nghiêm khắc tại Nhật Bản. Tiếp xúc với môi trường thực tế, Lâm nhận ra được điểm mạnh, điểm yếu của mình để phát triển và thay đổi.

Trở về sau học kỳ nước ngoài, Lâm hóm hỉnh tự nhận xét: “Cách đây 1 năm, mình như một cậu bé 10 tuổi ngây ngô học nói. Giờ đây, mình đã trưởng thành hơn rất nhiều, có vốn từ, vốn sống và trải nghiệm nhất định về Nhật Bản.” Đã đạt chứng chỉ N2 (chứng chỉ tiếng Nhật cao cấp – PV), mục tiêu tiếp theo của Lâm là N1 – chứng chỉ cao nhất trên thang đo đánh giá trình độ tiếng Nhật.

Lâm chia sẻ: “Dự định của mình là học thêm tiếng Hàn Quốc, Trung Quốc, tiếng Pháp, Tây Ban Nha. Đó đều là những đất nước có nền văn hóa truyền thống mà mình rất thích. Sau khi tốt nghiệp, mình muốn trở thành dịch giả hoặc giảng viên dạy ngoại ngữ.”

Theo Giáo dục Việt Nam

 

Exit mobile version