Site icon Trường Đại học FPT

“Chàng trai âm nhạc”

(Báo Quảng Ngãi)- Âm nhạc giúp tâm hồn tĩnh lặng, giúp tư duy logic hơn và người chơi mở rộng thêm kiến thức về giá trị văn hóa sâu sắc, cùng với xuất xứ của loại nhạc cụ ấy. Cứ thế, “chàng trai âm nhạc” Hoàng Minh Thắng, sinh năm 1997 ở phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi) luôn tự mày mò học hỏi và sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ.

Câu chuyện về Thắng là những chuỗi ngày đam mê âm nhạc, tự học và chơi nhạc cụ. Đến nay, chàng sinh viên năm 3, ngành quản trị kinh doanh, Trường Đại học FPT có thể chơi 17 loại nhạc cụ từ truyền thống đến hiện đại như violin, guitar, organ, piano, sáo ngang, harmonica, ukulele…

Tuổi thơ bên tiếng đàn

Thắng kể, cơ duyên mình đến với âm nhạc từ cây đàn organ mà ba mua cho chị gái, nhưng vì chị không thích chơi đàn nên chiếc đàn xếp vào kho. Sau đó Thắng sở hữu cây đàn này và mày mò tập tành.

 

“Tự mày mò học hỏi nhạc cụ mới, không chỉ để giải trí mà còn là thử thách chính bản thân mình”, Thắng chia sẻ.

Cậu bé Thắng ngày ấy mới 7 tuổi đã khiến mọi người ngỡ ngàng vì tự chơi bản nhạc Fur Elise của Beethoven. Bất ngờ trước khả năng của con trai, ba Thắng gửi con cho nhạc sĩ Nguyễn Tuấn kèm cặp. Và tác giả bài hát “Quảng Ngãi nhớ thương” là người đầu tiên đã ươm mầm và tạo dựng những bước đi cho Thắng đến với âm nhạc.

Vậy là, trong khi bạn bè cùng trang lứa vui đùa bên các trò chơi như bắn bi, đánh đáo, thì Thắng say sưa với phím đàn, dòng nhạc và đi biểu diễn độc tấu organ. Khi Thắng học lớp 3 bị phát hiện nhiễm ký sinh trùng trong máu. Gia đình đưa Thắng vào TP.Hồ Chí Minh chữa trị. Trong thời khắc khó khăn ấy cây đàn organ là người bạn giúp Thắng vượt qua những cơn đau.

Không chỉ chơi nhạc mà Hoàng Minh Thắng còn thành lập các câu lạc bộ cộng đồng về âm nhạc. Chơi tốt các bản cover để cùng chia sẻ niềm đam mê và lan truyền cảm hứng về âm nhạc là điều Thắng tâm huyết. Điều thú vị nữa là “tài sản” nhạc cụ đều do Thắng tự mua từ số tiền gom góp sau các cuộc thi, bán các sản phẩm handmade…

Những năm trước tài liệu học nhạc khá ít ỏi và chủ yếu bằng tiếng nước ngoài. Beatbox hay còn gọi là nhạc miệng còn khá mới mẻ, chỉ phát triển ở các thành phố lớn. Lúc bấy giờ Thắng mới học lớp 5, xin mẹ gọi điện cho một người anh quen qua diễn đàn âm nhạc để nhờ hướng dẫn. Những năm học tiếp theo, Thắng tiếp tục tự mày mò học hỏi thêm các loại nhạc cụ khác. Mỗi năm học trôi qua, ngoài những trang sách vở, hành trang của Thắng còn là một nhạc cụ mới, với những kiến thức bổ ích.

Điều tốt đẹp từ âm nhạc

Với Thắng, trong số các loại nhạc cụ thì đàn violin là khó chinh phục nhất. Bởi để tạo nên bản nhạc hay từ violin, ngoài cảm xúc, sự thăng hoa trong tâm hồn thì âm thanh đàn violin còn phụ thuộc khá lớn vào độ ẩm, thời tiết, nhiệt độ. Không chỉ chơi thành thạo violin, Thắng còn sáng tạo kết hợp âm thanh giữa tiếng đàn guitar và đàn violin thành bản nhạc cuốn hút.

Bên cạnh các loại nhạc cụ hiện đại, Thắng còn dồn tâm huyết vào học hỏi nhạc cụ truyền thống bởi sức hấp dẫn mê hoặc của âm thanh phát ra từ đàn sáo, đàn bầu… Thắng nói: “Càng tìm hiểu, mình càng nể phục sự sáng tạo vô biên của cha ông đã tạo ra nhạc cụ chỉ từ những nguyên liệu tre, nứa đơn giản”. Ngoài ra, khi còn sống ông nội của Thắng ngoài làm nông còn làm nhạc cụ để bán. Tiếp cận với các loại nhạc cụ giúp Thắng thêm trân quý công sức tỉ mỉ, chính xác đến từng milimet mà người thợ đã trau chuốt.

Nhiều bạn trẻ sau khi xem Thắng biểu diễn đã bày tỏ ý định muốn học nhạc và Thắng đã nhiệt tình hỗ trợ. “Chơi nhạc và đam mê âm nhạc giúp bạn trẻ bước ra khỏi thế giới ảo đang ngày càng chiếm thời gian. Khi học một nhạc cụ mới, không chỉ để giải trí, mà còn là để thử thách bản thân. Chỉ cần có đam mê, âm nhạc sẽ mang lại nhiều điều tốt đẹp”,Thắng chia sẻ.

Theo Báo Quảng Ngãi

Exit mobile version