Trường Đại học FPT

Chàng trai Sài thành làm nghề “hỏi để giúp”

 Công việc của cựu sinh viên ĐH FPT này là hỗ trợ người khác vượt qua các vấn đề cuộc sống bằng cách lắng nghe và đặt câu hỏi.
Ấn tượng đầu tiên về Võ Đức Thiện là một chàng trai hay cười, có giọng nói ấm áp và dễ gây được thiện cảm với người đối diện. Những tính cách phần nào khiến Thiện phù hợp với nghề khai vấn (Life Coach).Theo lời kể của Thiện, tại TP Hồ Chí Minh, anh chàng này là một trong hai 9X duy nhất làm khai vấn chuyên nghiệp. Còn lại, đa số chuyên gia khai vấn đều là những người lớn tuổi và từng trải.

img20160726071011926
Võ Đức Thiện tốt nghiệp đại học ngành Quản trị Kinh doanh nhưng lại đam mê công việc khai vấn.

Thiện chia sẻ: “Khai vấn là hình thức hỗ trợ con người vượt qua khó khăn hoặc đạt được một mục tiêu bằng cách lắng nghe, phản hồi chân thành và đặt câu hỏi. Tuy nhiên, khác với tư vấn đưa ra lời khuyên và giải pháp, khai vấn không cho bạn bất cứ lời khuyên hoặc gợi ý nào mà để bạn tự tìm câu trả lời cho chính mình thông qua việc trả lời câu hỏi mà chuyên gia khai vấn đặt ra. Chuyên gia khai vấn như một người bạn, người đồng hành thay vì là người chỉ đường”.
Theo học ngành Quản trị Kinh doanh của Trường ĐH FPT, giành vị trí quán quân trong một cuộc thi về ý tưởng kinh doanh sáng tạo khi mới là sinh viên năm nhất, từng làm kinh doanh và marketing cho một số nhãn hàng ở TP Hồ Chí Minh nhưng sự nghiệp của Thiện đã hoàn toàn thay đổi vào thời điểm sắp tốt nghiệp đại học. Băn khoăn về định hướng tương lai, cậu sinh viên này tìm đến dịch vụ khai vấn.
Không chỉ giải quyết được khó khăn của bản thân, Thiện còn phát hiện mình có khát khao giúp đỡ và chia sẻ với người khác – tố chất quan trọng nhất của người làm khai vấn – đồng thời cảm thấy đặc biệt yêu thích công việc này. Sau khi tốt nghiệp ĐH FPT, Thiện tham gia khóa đào tạo kéo dài 3 tháng và có hơn 100 giờ thực hành khai vấn với hơn 40 khách hàng để đạt chứng chỉ chuyên gia quốc tế, chính thức trở thành người làm khai vấn chuyên nghiệp.

Làm việc liên quan đến con người, giúp đỡ và hướng con người đến cái thiện là mong muốn của cựu sinh viên ĐH FPT này.

Đối tượng tìm đến khai vấn rất đa dạng: sinh viên, giám đốc, nhân viên văn phòng, phụ nữ nội trợ… nhưng họ đều có điểm chung là gặp phải khó khăn, bế tắc nào đó dẫn đến mất cân bằng trong cuộc sống. Một số người bi quan đến mức từng tự tử trong quá khứ. Gặp gỡ và trò chuyện với họ, chuyên gia khai vấn phải cực kỳ khéo léo, tế nhị và quan trọng nhất là có kỹ năng đặt câu hỏi phù hợp.
Thiện cho rằng mình may mắn khi được biết tới các kiến thức về giao tiếp, xử lý tình huống qua các môn học về kỹ năng mềm trong Trường ĐH FPT. Ngoài ra, Thiện còn thường xuyên tham gia hoạt động tình nguyện, tổ chức sự kiện cho sinh viên trong trường. Nhờ đó, phông kiến thức về tâm lý, xã hội, kỹ năng giải quyết vấn đề khá tốt, giúp anh chàng này thuận lợi hơn trong công việc.
Thiện kể: “Khách hàng và chuyên gia khai vấn gặp nhau mỗi tuần 1 lần, trong khoảng hơn 1 tiếng. Liệu trình khai vấn thường kéo dài 4 tuần nhưng cũng có trường hợp khó phải mất tới hơn nửa năm mới hoàn tất.” Việc phải tiếp xúc thường xuyên với những khách hàng tạo ra áp lực lớn đối với người làm khai vấn, đòi hỏi tính kiên trì và sự quyết tâm cao. Điều đó cũng khiến ít bạn trẻ dám theo đuổi công việc này.
Với Thiện, cách để bản thân vượt qua sức ép từ công việc đó là thay đổi lối sống theo hướng khoa học và giữ tâm trạng thoải mái, tạo ra nguồn năng lượng, giúp truyền cảm hứng sống tích cực đến người khác. “Mình tập yoga, ngồi thiền, ăn chay để cân bằng cảm xúc. Sống và nghĩ tích cực thì mới giúp đỡ được người khác nhưng phải thừa nhận điều này không hề dễ trong xã hội nhiều lo toan như hiện nay. Bản thân đôi lúc cũng gặp phải những thử thách khó khăn và khi ấy chiến thắng chính mình mới là chiến thắng lớn nhất.” Thiện bộc bạch.
Đối với một số người, công việc khai vấn giúp họ có thu nhập rất cao nhưng với Thiện thì không. Anh chàng này còn nhiều lần làm khai vấn miễn phí cho các bạn sinh viên. Nói về lựa chọn nghề nghiệp “khác người”, nhiều áp lực lại khó đem lại sự giàu có này, Thiện hóm hỉnh: “Thay vì chọn một trường đại học công lập có tiếng, mình đã chọn ĐH FPT bởi thích môi trường năng động, cởi mở ở đây. Mình có khả năng theo ngành kinh tế nhưng đã chọn công việc khai vấn cũng vì khát vọng muốn giúp đỡ con người. Bản thân mình khá “dị” và luôn có những lựa chọn khác biệt.”
Thiện vừa giành được học bổng và hiện đang theo học Thạc sĩ tại Đức. 9X này vẫn tiếp tục công việc khai vấn trực tuyến qua Internet cho những khách hàng có nhu cầu. “Vài năm nữa, mình sẽ trở về Việt Nam và mở trường học dành cho trẻ em. Mình thích làm công việc liên quan đến con người, giúp đỡ và hướng con người đến cái thiện ngay từ khi còn nhỏ.” Thiện bật mí.

Theo ICF (International Coach Federation): Khai vấn là sự hợp tác giữa chuyên gia và khách hàng trong một quá trình làm việc chung với nhau một cách sáng tạo và thúc đẩy suy nghĩ, tạo động lực giúp khách hàng tối đa hóa những tiềm năng cá nhân và làm việc hiệu quả, chuyên nghiệp hơn.
Giá trị lớn nhất mà khai vấn mang lại đó là giúp đỡ con người: tư vấn, giúp đỡ người khác vượt qua khó khăn trong cuộc sống nhất là về tâm lý, hạn chế những biểu hiện tiêu cực hoặc bệnh tâm lý như trầm cảm.
Người làm khai vấn chuyên nghiệp (chuyên gia khai vấn) phải trải qua một khóa đào tạo của ICF và đạt được số giờ kinh nghiệm theo quy định.
Nghề khai vấn khá phổ biến trên thế giới nhưng còn mới mẻ ở Việt Nam. Tương lai, nghề này được dự đoán sẽ phát triển bởi ngày càng có nhiều người gặp căng thẳng, khó khăn trong công việc, cuộc sống và cần được hỗ trợ. Chuyên gia khai vấn giàu kinh nghiệm có thể đạt mức lương 1,5 triệu đồng/ 1 giờ khai vấn.
Theo Kenh14.vn
Exit mobile version