Trường Đại học FPT

Chuyên gia giáo dục chia sẻ “bí kíp” chọn ngành học phù hợp xu thế cho học sinh THPT

Nhằm giúp học sinh nắm bắt được cơ hội, xu hướng nghề nghiệp trong tương lai, định hướng ngành nghề theo năng lực, đam mê mỗi cá nhân, một số chuyên gia đã chia sẻ những “bí kíp” giúp giới trẻ có thêm kiến thức khi “định vị” tương lai cho mình.

Cần có chiến lược học tập

Bà Tô Thụy Diễm Quyên – chuyên gia giáo dục toàn cầu, CEO của InnEdu STEAM – nhận định, việc hướng nghiệp luôn là nhu cầu và nỗi niềm trăn trở của không chỉ phụ huynh mà còn có cả học sinh.

Bà Diễm Quyên cho rằng: “Học suốt đời không phải là một nhiệm vụ mà là một đặc thù của con người để chúng ta không bị bỏ rơi lại phía sau. Chúng ta nên học tập từng ngày, thay đổi tư duy bởi thế giới cũng sẽ thay đổi luật chơi liên tục. Theo đó, mỗi chúng ta cũng phải thay đổi theo để có thể bắt kịp xu thế của thế giới, đem công nghệ, trí tuệ nhân tạo vào cuộc sống”.

Băn khoăn về việc chọn ngành nghề, trường đại học, trường nghề vừa đáp ứng xu thế, vừa phù hợp với năng lực bản thân, rất nhiều học sinh khối 12 bày tỏ: “Đối với học sinh cuối cấp, việc chọn trường và chọn nghề phù hợp với bản thân luôn là mối quan tâm hàng đầu. Làm thế nào học sinh sẽ biết được mình phù hợp với ngành nghề nào hay ngành nghề nào sẽ thu hút nguồn nhân lực lớn trong 5- 10 năm nữa?”.

Một số học sinh khối 10 và 11 cũng nêu câu hỏi: “Các chứng chỉ quốc tế có thực sự cần thiết đối với học sinh bậc THPT?”; “Chuyên gia có thể gợi ý, tư vấn về phương pháp học tập, rèn luyện kỹ năng để tăng sự tập trung khi học?”; “Có cách nào để học ít mà kết quả vẫn cao, làm thế nào để học kỹ năng sống hiệu quả?”…

Thấu hiểu nỗi băn khoăn, lo lắng của các bạn trẻ, đặc biệt là học sinh cuối cấp trung học phổ thông về phương hướng nghề nghiệp trong tương lai, diễn giả Tô Thụy Diễm Quyên cho hay:  “Chúng ta luôn luôn vượt lên chính mình, linh hoạt và thích nghi với sự thay đổi của thế giới vì thế giới hiện tại đã thay đổi “luật chơi” kéo theo con người cũng phải thay đổi tư duy phát triển. Khi nhu cầu chuyển đổi số của con người trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng ngày càng cao sẽ kéo theo nhu cầu về kỹ năng kỹ thuật đang phát phát triển. Ngoài việc trau dồi kiến thức để phát triển bản thân, các em học sinh cần trang bị cho mình những kỹ năng cơ bản khác để thích nghi với sự thay đổi của xã hội”.

Bà Diễm Quyên cũng viện dẫn con số hơn 50% công việc ngày nay đòi hỏi một số kỹ năng công nghệ và tỷ lệ này sẽ tăng lên 77% trong ít hơn một thập kỷ. Trong tương lai, cứ 10 người ra trường thì có 7 đến 8 người phải có chuyên môn về công nghệ thông tin. Năm 2025, 50% người lao động trên toàn cầu có thể bị cho thôi việc hoặc đào tạo lại.

“Vấn đề trên đặt cho chúng ta câu hỏi những thứ mà chúng ta chuẩn bị học có đáp ứng được với công việc trong tương lai hay không? Vậy, các em cần linh hoạt trong nhận thức, tự mình chuyển đổi nghề nghiệp” – bà Diễm Quyên nhấn mạnh.

Lựa chọn ngành nghề theo thế mạnh bản thân

Cùng nhận những câu hỏi liên quan tới định vị tương lai, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch HĐQT FPT Telecom đã chia sẻ về những ngành, nghề đang dự báo trở thành xu hướng và ngành nghề nào dần biết mất trong năm 2030.

Ông Hoàng Nam Tiến giải đáp câu hỏi của học sinh về xu thế ngành nghề tương lai

Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch HĐQT FPT Telecom đánh giá những ngành, nghề dự báo trở thành xu hướng và ngành nghề sẽ dần biết mất trong năm 2030

Bắt đầu từ câu chuyện của chính bản thân đã trải qua, ông Tiến đánh giá, những ngành như giáo viên, kế toán, an ninh, bác sĩ… sẽ dần mất đi thay vào đó là công nghệ hiện đại, những tác động của đại dịch đã tạo ra nhu cầu về các nền tảng công nghệ phát triển hơn bao giờ hết. Như vậy, trong tương lai, những ngành như khoa học máy tính, trí tuệ, marketing, sản xuất nội dung sẽ dần trở thành xu hướng tương ứng với sự phát triển của xã hội.

Hiện nay, các em đang ngồi trên ghế nhà trường, việc định hướng rõ tương lai vô cùng quan trọng. Chúng ta phải nhìn nhận thực tế, trên đà phát triển của công nghệ, sức người sẽ dần được thay thế bởi robot. Tuy nhiên, ông Tiến cũng khuyên học sinh trước khi lựa chọn ngành nghề để theo đuổi cần nắm bắt, phát triển được thế mạnh bản thân mình, trang bị nhiều kỹ năng hơn để thích nghi với sự phát triển của xã hội như tư duy phản biện, độc lập; life-long learning, cần tiếng Anh và cần phong cách sống khác biệt…

“Đặc biệt, tôi mong muốn các em hãy là phiên bản tốt nhất của chính bản thân mình. Hãy coi mình là idol của bản thân!”, ông Hoàng Nam Tiến nhấn mạnh.

Phụ huynh, học sinh tâm đắc với nội dung chia sẻ. Ảnh: X.Thu

Theo Giadinh.net

Exit mobile version