Trường Đại học FPT

Chuyện học tập và làm việc ở trời Âu của cựu sinh viên ĐH FPT

Trong khi các 99er đang trăn trở “không hề nhẹ” khi phải lựa chọn học ngành gì, làm nghề gì, Cóc Đọc có dịp trò chuyện cùng với một người cũng đã trải qua tất cả những cảm xúc ấy, đó là Hồ Vĩnh Thịnh, cái tên thuộc “top list” những Cóc cụ sừng sỏ với thành tích đáng nể ở các giải đấu CNTT sinh viên, hiện đang thành công trên con đường sự nghiệp ở nước ngoài.

 

Chào Thịnh, lâu lắm mới có dịp trò chuyện cùng bạn. Không biết hiện tại Thịnh đang học tập hay công tác ở đâu rồi?

Xin chào, mình cựu sinh viên K6 trường ĐH FPT ngành Kỹ thuật phần mềm. Mình ra trường được 2 năm, hiện tại thì mình đang sống và làm việc tại Pháp.

Vậy là bạn đã ra trường hơn 2 năm rồi nhỉ, sau khi ra trường bạn đã tiếp tục học tập và phát triển sự nghiệp như thế nào?

Trong và sau khi tốt nghiệp, mình có 1 thời gian ngắn làm việc tại FPT IS trong  khoảng 8 tháng, và 2 năm làm việc cho Cốc Cốc Search Engine. Vì vừa đi làm vừa đi học nên hầu như đêm nào mình cũng thức để làm đồ án.

Dự định học cao học tại nước ngoài đã được mình lên kế hoạch từ lâu nên ngay sau khi tốt nghiệp ĐH FPT mình có dành một khoảng thời gian để chuẩn bị các giấy tờ cần thiết cho việc du học. Việc chờ đợi kết quả học bổng thực sự hồi hộp, lo lắng và áp lực. Thật may mắn là mọi chuyện diễn ra khá suôn sẻ và mình đã nhận được học bổng cao học ngành khoa học máy tính tại đại học Saarland của Đức. Mình cũng nhận đựoc học bổng và là thành viên của Trường Nghiên cứu quốc tế về Khoa học máy tính Max Planck trực thuộc hiệp hội Max Planck của Đức.

Và cũng từ đây mình bắt đầu hành trình khám phá châu Âu, cho đến khi dừng chân tại Pháp. Hiện tại, ngoài việc học tập ở trường, mình đang làm việc tại Google trong team Youtube Trending.

Vĩnh Thịnh tại trụ sở Google.

Điều gì khiến bạn quyết định thử sức mình ở Google?

Dự định trong tương lai của mình là sẽ học tiến sĩ về khoa học máy tính, việc này  mất một khoảng thời gian dài. Xuất thân từ ngành kĩ sư phần mềm, như một bản năng mình vẫn luôn thích được làm phần mềm. Vì vậy trước khi bắt đầu việc học tiến sĩ, mình đã quyết định ứng tuyển vào Google làm việc trong một khoảng thời gian để học hỏi kinh nghiệm, xem các công ty lớn họ làm việc như thế nào.

Tất nhiên có một vài lý do khác khiến mình chọn nộp hồ sơ vào Google như là một “big name” trong CV sẽ mang lại nhiều lợi thế lớn sau này và điều thứ hai không kém phần hấp dẫn là chế độ đãi ngộ của Google rất tốt.

Vậy Thịnh đã trải nghiệm được những gì ở môi trường làm việc Google?

Trước khi chính thức làm việc ở Google mình cũng đã biết đến phong cách làm việc năng động và thoải mái của công ty này. Quả thực, môi trường làm việc của Google không quá áp lực và luôn tạo cảm hứng cho các ý tưởng sáng tạo của nhân viên.

Thời gian làm việc khá thoải mái, hầu như nhân viên không hề bị kiểm soát về mặt thời gian, quan trọng là hoàn thành công việc. Chế độ đãi ngộ cũng khá tốt, nhân viên sẽ được phục vụ các bữa chính trong ngày. Ngoài ra còn có các micro kitchen để nhân viên có thể tìm ăn các đồ ăn vặt như bánh kẹo cafe, nước ngọt,… còn có phòng âm nhạc, phòng games, phòng massage, phòng ngủ, nên mình cảm thấy ở công ty còn thích hơn ở nhà.

“Vui chơi không quên nhiệm vụ”, tất cả công việc và báo cáo thì vẫn phải hoàn thành đúng deadline nhưng việc đựơc làm việc với các đồng nghiệp trình độ cao khiến công việc luôn được thực hiện trơn chu, không gặp phải những vấn đề quá khó khăn và áp lực. Đây cũng là một trong những điểm mình thích nhất ở Google.

Hiện tại mình đang làm trong team Youtube, được gặp gỡ và làm việc cùng những người tài năng hơn giúp mình có thêm động lực để tiếp tục cố gắng hơn nữa. Ngoài ra, các bạn ấy đến từ rất nhiều nước khác nhau, do đó ngoài việc học hỏi được rất nhiều từ họ. Mình còn có cơ hội giao lưu với nhiều nền văn hóa trên thế giới và khám phá ra khá nhiều điều thú vị.

Đồng nghiệp của Thịnh ở Google

Dường như Thịnh thích ứng khá tốt với cuộc sống và môi trường làm việc ở nước ngoài. Bạn không gặp bất kỳ khó khăn nào ư?

Có chứ, mình thấy rất khó để hòa nhập với văn hóa Pháp. Ở Đức  thì mọi thứ dễ dàng hơn. Con người ở đây hầu hết là thân thiện, lịch sự và dễ mến.

Mình thích khám phá mọi nơi mình đi qua tuy nhiên mình lại gặp một chút khó khăn trong việc giao tiếp vì ở các nước Pháp, Đức hầu như mọi người không nói tiếng Anh, nhưng với mình thì mọi chuyện đều có cách giải quyết. Mình sẽ tìm hiểu mọi thứ trên mạng thật kĩ trước khi muốn làm gì, ngoài ra mình cũng đang học một chút tiếng Pháp bên cạnh vốn tiếng Anh thành thạo.

Với trải nghiệm của mình, Thịnh thấy sinh viên ĐH FPT có lợi thế gì khi muốn “xuất ngoại” chinh phục những công ty hàng đầu thế giới như Google?

Phương pháp học không quá lý thuyết sách vở mà chú trọng thực hành ở ĐH FPT đã giúp mình dễ dàng hơn trong việc thu nhận kiến thức mới. Hơn nữa, chương trình học bằng tiếng Anh ở FPT là một bước tiền đề giúp mình không bị bỡ ngỡ khi học và làm việc trong môi trường quốc tế như hiện nay.

Bên cạnh kiến thức và các kĩ năng, khoảng thời gian học đại học đã để lại cho mình rất nhiều kỉ niệm đẹp. Đó là những buổi nghiên cứu, trao đổi, tranh luận cùng nhóm bạn ở thư viện, là những trận thi đấu tranh tài đến nghẹt thở, là khoảng thời gian thầy Phan Duy Hùng hướng dẫn đồ án, là những buổi chiều Hòa Lạc mê hoặc lòng người khiến những kẻ khô khan như mình còn cảm động.

Điểm đặc biệt ấn tượng ở môi trường ĐH FPT là thầy và trò có thể tiếp xúc rất gần gũi. Chính sự hòa đồng thân thiện giữa thầy và trò giúp cho việc học trở nên hiệu quả hơn. Hơn nữa, điều mà mình thấy đáng quý nhất có lẽ là những người bạn mà mình chỉ có thể tìm được ở FPT. Đó chính là những người đã cùng mình trải qua khoảng thời gian khó khăn nhất, là những người mà mình có thể “điên” nhất khi ở bên họ. Đối với mình, họ dường như vừa là đối thủ thúc đẩy mình phải cố gắng hơn, đồng thời cũng là những người anh em. Đến bây giờ, khi đã ra trường được 2 năm rồi nhưng bọn mình vẫn giữ mối quan hệ thân thiết.

Thịnh chia sẻ sinh viên ĐH FPT có khá nhiều lợi thế khi muốn “xuất ngoại” làm việc

Là một cựu sinh viên FPT, hơn nữa còn đang thành công trên con đường sự nghiệp, bạn có kinh nghiệm gì “mách nước” cho các các bạn sinh viên hiện tại?

Theo mình, mọi ngành nghề đều cần 2 yếu tố chính là kĩ năng về chuyên ngành và kĩ năng mềm. Theo đuổi ngành nào thì các bạn sẽ hiểu hơn về những khía cạnh khác của ngành đó. Ở đây mình có lời khuyên dành riêng cho các bạn học CNTT: Với sinh viên CNTT thì các kĩ năng cần trau dồi đó là :

Kĩ năng về chuyên ngành, đó là khả năng thiết kế kiến trúc phần mềm, viết mã nguồn phần mềm, khả năng về thuật toán, khả năng tiếp thu nhanh các công nghệ mới, … Tất nhiên đó là những kĩ năng chung, là nền tảng bước đầu cho việc phát triển sự nghiệp của các bạn. Sau đó,  sẽ tùy theo hướng mình chọn ở kỳ chuyên ngành hẹp mà trau dồi các kĩ năng khác như kĩ năng design về đồ họa, kĩ năng viết tài liệu, kỹ năng phân tích requirement…

Kĩ năng mềm, đó là khả năng thuyết trình, khả năng team work, khả năng quản lý thời gian, khả năng chịu áp lực, giải quyết stress ,… Ngoài ra không thể thiếu đó là ngoại ngữ, không thể không có ngoại ngữ nếu muốn thành công. Và thật may mắn vì mình đã được đào tạo đầy đủ những kỹ năng này qua các môn học và các hoạt động của các CLB ở ĐH FPT.

Trong thời gian tới, Thịnh có dự định gì cho bản thân và sự nghiệp?

Trong vòng 1 năm tới mình sẽ theo học tiến sĩ ngành Khoa học máy tính. Kết thúc chương trình học kéo dài 1 năm này, mình sẽ trở về Việt Nam. Mình luôn quan niệm rằng cuộc sống là chuỗi những khám phá và trải nghiệm mới, nhưng gia đình và quê hương vẫn là điểm đến cuối cùng trong hành trình của mình. Mình luôn muốn được ở gần gia đình và ổn định cuộc sống sau khi đã trải nghiệm đủ và đủ trưởng thành.

Cảm ơn bạn về cuộc trò chuyện thú vị này. Chúc Thịnh đạt được những dự định của mình và thành công trên con đường sự nghiệp!

Bảng vàng thành tích của Hồ Vĩnh Thịnh:

ACM/ICPC awards:

World finalist 2014 (Yekaterinburg, Russia)

2nd place 2013 (Asia Danang Regional)

3rd place 2013 (Asia Jakarta Regional)

First prize 4 times 2011 – 2014 (Vietnam National)

3rd place 2016 (Germany National)

Siêu Cup Tin học Sinh viên:

Gold Cup 2014

Bronze Cup 2013

Silver Cup 2012

Silver Cup 2011

2010: Second prize in National Olympiad in Informatics

Cóc đọc

Exit mobile version