Trường Đại học FPT

Cùng Mai Huy Hoàng khám phá “tất tần tật” Ấn Độ qua chuyến thực tập đáng nhớ

Đội thi Twenty Senven đến từ Đại học FPT: Bạn Thái Võ Quốc Huy và bạn Trương Hoàng Huyền Minh (từ trái qua)

“Ấn Độ – You and me” là chuỗi bài viết về những trải nghiệm thú vị của Mai Huy Hoàng – sinh viên K12, khối ngành Kinh tế – trường Đại học FPT lưu giữ suốt những tháng ngày thực tập tại đất nước này. Hãy cùng xem hành trình OJT tại Ấn Độ có gì thú vị nhé!

Nhiều trải nghiệm mới lạ và trưởng thành hơn là nhận định chung của hầu hết sinh viên Đại học FPT sau mỗi chuyến đi nước ngoài. Và với Huy Hoàng cũng không ngoại lệ đặc biệt là khi bạn ấy còn phải tự mình lo mọi thứ, khâu phỏng vấn rồi đến xin visa, rồi transit tại sân bay, đến việc làm việc trong một môi trường đa quốc gia.

Ấn tượng đầu tiên và những văn hóa “lạ lùng”

Ẩm thực: Huy Hoàng kể lại: “Cuộc sống đối với tôi vô cùng thú vị, bắt đầu làm từ 10 am đến 5:30 pm. Mỗi bữa ăn đều ăn theo phong cách buffet, mỗi người có một mâm để lựa chọn thức ăn. Công tâm mà nói, đồ ăn bên Ấn thật sự khó ăn, đặc biệt là mùi vị của bột ớt Masala khiến mình không thể nào quên được. Nhưng cũng có một số thứ mình rất yêu thích như là trái cây và nước trái cây.

Người bạn đầu tiên của Huy Hoàng: là một anh bạn đến từ Hà Lan, đây là quốc gia đầu tiên trên thế giới được công nhận về đồng tính. Ánh mắt ấy nhìn tôi với vẻ trìu mến khi tôi đặt mâm thức ăn của mình lên bàn ngồi cùng anh và những người bạn. Khuôn mặt của anh rất điển trai, tóc vàng, da trắng, mắt xanh là anh, thân hình không quá cơ bắp nhưng rất cứng cáp. Tôi nghĩ chúng tôi có duyên với nhau, chúng tôi sẽ làm việc cùng nhau và anh lớn hơn tôi 1 tuổi. Như một điềm báo gì đó, ngày hôm đó tôi thấy chỉ duy nhất một ngôi sao trên bầu trời và ngôi sao ấy rất sáng. – Huy Hoàng nhớ lại

Di chuyển: Nếu di chuyển trong bán kính 2km thì dùng xe đạp, dịch vụ thuê xe đạp rất thịnh hành tại đây nhưng đi xa hơn thì dùng Uber. Ở Ấn Độ không có Grab, những chuyến xe khách của Ấn cũng thật sự thú vị.

Văn hóa trễ giờ: Người Ấn đôi khi họ có những điểm hạn chế khiến bạn phải khó chịu. Ví dụ như mọi chuyện đều phải thông qua một người, trễ giờ ít nhất là 1 giờ so với giờ họ nói. Đa phần người Ấn thường hay trễ giờ và sự phân biệt giàu nghèo khá rõ rệt, chính họ cũng thừa nhận chuyện đó xảy ra và nó đã thành văn hóa luôn rồi. Người giàu thì khinh thường người nghèo nên ít khi nào họ đến sớm trong một buổi lễ mà vừa có người nghèo, vừa có người giàu, còn những người còn lại thì lại mang tư tưởng rằng những người khác sẽ trì trệ nên mình cũng trì trệ.

Nơi ở: Hoàng cùng đồng nghiệp ở chung một tòa nhà, mỗi phòng đều có máy lạnh và dọn dẹp thường xuyên, riêng tầng của bạn ấy được ưu tiên do chỉ duy nhất là phòng nam, còn lại đều là phòng nữ nên có bảo vệ gác trên tầng, rất an ninh và sạch sẽ.

Môi trường thực tập lý tưởng

Trong chuyến thực tập thực tế tại nước ngoài, Huy Hoàng được làm việc cho viện Incubator (hỗ trợ cho các start-up) trong khuôn viên của trường đại học dầu khí. Team của Huy chỉ có duy nhất boss là người Ấn, còn lại là các bạn đến từ hơn 20 quốc gia thuộc mọi châu lục trên thế giới như: Đức, Romania, Italia, Tunisia, Hà Lan, Morocco, Trung Quốc, Brazil, New Zealand, Philippine, …  với những văn hóa hoàn toàn khác nhau.

Huy Hoàng được được phân công làm content planning cho team marketing, công việc chính của bạn ấy là lên ý tưởng và nội dụng cho các bài post trên social media, tổ chức quản lí cho các buổi hội thảo, pitching và các hoạt động offline marketing nhỏ.

Huy Hoàng phấn khích chia sẻ: “Làm việc trong môi trường đa quốc gia cực kì thích, mọi người đều tôn trọng nhau. Mỗi tuần đều có buổi chia sẻ về văn hóa hay những điều đặc biệt của các bạn đến từ các quốc gia khác nhau. Tôi biết thêm những bài hát hát, phong cách ăn mặc của người Indonesia, về một quốc gia chủ yếu là đạo hồi nữa.”

Có một Ấn Độ đẹp như thế

Một buổi chiều sau khi đi tan sở, anh nói với tôi là thử bắt tuk tuk Ấn độ (xe tuk tuk khá giống ở Thái lan) để đi để trải nghiệm như thế nào. Tôi thích nó vô cùng, gió thổi mát ơi là mát, thành phố Ahmedabad tôi ở vô cùng xanh và sạch, yên bình vô cùng. Trên đường đi thì quang cảnh có một nét tương phản không hề nhẹ, một bên là cao tầng uy nga tráng lệ, kiến trúc vô cùng độc đáo, kế bên đó thì lại là những khu ổ chuột, người ta giăng những cái lều tạm bợ mà sinh sống, sự chênh lệch giàu nghèo ở Ấn Độ tôi có thể thấy rõ rệt.

Sau một buổi tổ chức sự kiện, tôi hoàn thành xong công việc được giao rồi nên tôi quay qua đi dạo với cô bạn người Đức và chị người Việt. Chúng tôi đi khắp tòa nhà hành chính để chụp hình, quay phim, nhìn vào những tấm gương lớn trong tòa nhà mà nhảy múa, chúng tôi cùng nhau nằm ngoài hiên, đưa chân lên bầu trời nghịch ngợm rồi cùng nhau ngắm sao. Có một Ấn Độ hiện ra trong tôi đẹp và bình yên đến thế.

Những kỷ niệm khó quên nơi đất khách

Chọn đề tài: Một lần tôi và anh được sắp xếp cùng nhau làm thuyết trình trong buổi “Knowledges sharing” (chia sẻ kiến thức về một vấn đề nào đó). Anh liền gửi cho tôi một danh sách đề tài mà anh đã từng làm khi anh ở trong tổ chức AIESEC Hà Lan về những softskills (kỹ năng mềm) mà anh đã từng tham gia cùng với bạn anh. Tôi chọn được một đề tài rồi gửi cho anh nhưng anh lại không đồng ý, nói là cái này dài lắm, 2 đứa làm không xuể, rồi anh đưa đề tài của anh chọn cho tôi, tôi thấy nó cũng dài y như vậy nên tôi nói lại anh. Thế là 2 đứa không ai nhường ai, còn tính tôi thì trẻ con nên quay giận anh.  Kết quả là anh xuống nước, chấp nhận đề tài của tôi chọn, chúng tôi vui vẻ làm cùng nhau.

Học tiếng Việt: Do anh qua Ấn sau chúng tôi nên đã lỡ buổi chia sẻ về Việt Nam, anh bảo tôi dạy anh nói tiếng Việt đi. Tôi dạy anh những từ ngữ, câu nói quen thuộc, chỉ cho anh về âm sắc Tiếng Việt. Anh rất thích nhại giọng của tôi và 2 cô bạn người Việt Nam khi chúng tôi nói tiếng Việt với nhau, anh nói ngôn ngữ tôi nói có một chút chanh chua nhưng rất quyến rũ. Chúng tôi chỉ anh phát âm “bao, bảo, bào, bão, bạo”, nhìn anh phát âm mà tôi cười nghiêng ngã. Anh nói lưỡi anh sắp cuốn vào nhau luôn rồi, rồi chỉ có mỗi câu “I love you” thôi mà cả đám người Việt phải ngồi phân tích về ngôi xưng để anh nói cho đúng hoàn cảnh.

Những kinh nghiệm hữu ích khi làm sự kiện với người nước ngoài.

Chúng tôi cùng nhau tham gia tổ chức cho một sự kiện hỗ trợ start-up tại thành phố. Dự kiến là tôi chỉ hỗ trợ tổ chức thu thập hình ảnh, viết bài và đăng bài trên fanpage thôi, nhưng hóa ra họ đưa tôi và anh đến cùng các bạn nước ngoài khác và nói rằng chúng tôi sẽ tham gia giúp đỡ khởi nghiệp. Mọi người được chọn dự án mà mình yêu thích để hỗ trợ, tôi trở thành đối thủ của anh để giúp các khởi nghiệp thi đấu với nhau.

Phong cách làm việc tại Ấn độ thật kì quặc, nhưng cũng vô cùng thú vị. Họ đưa chúng tôi vào một căn phòng rất rộng, ở phía cùng là nhà ăn được ngăn ra bằng một vách ngăn nhỏ có thể di chuyển, nhiều khi đang làm việc mà mùi vị của cà ri cứ thoang thoảng ngay mũi của tôi. Họ ăn uống, làm việc và ngủ ở cùng 1 chỗ đó luôn.

Qua cách làm việc chung, tôi nhận thấy những bạn trẻ tham gia phát triển khởi nghiệp làm không chịu ngừng nghĩ, có khi đến 11 giờ đêm rồi mà họ vẫn làm việc với một tinh thần rất quyết tâm. Còn đa số người Châu Âu, họ rất tự tôn về nguồn gốc của mình, họ không cần ai chỉ bảo họ theo cách dạy trẻ của những vị thuyết trình ở đây. Ở Ấn Độ, những người chức quyền hay nhiều tiền, họ rất thích khoa trương và đôi khi có những người rất hóng hách.

Khéo lại chuỗi bài viết là những dòng tâm sự chân thành: “đến lúc này, tôi chưa bao giờ hối tiếc khi lựa chọn Ấn Độ để thực tập, tôi cảm ơn nơi này đã cho tôi một cơ hội học tập trong một môi trường đa quốc gia, gặp được những bạn bè mới. Nếu bạn hỏi mình có quay lại Ấn Độ không? Tôi sẽ trả lời là có.

Kỳ thực tập ở Ấn Độ hẳn là để lại những kỷ niệm khó phai trong lòng Huy Hoàng. Tuổi trẻ cần phải dấn thân và trải nghiệm thật nhiều để tích lũy kinh nghiệm và trưởng thành hơn. Chúc Huy Hoàng sẽ đạt được mục tiêu của mình và thành công trên con đường phía trước.

Mai Huy Hoàng
Sinh viên K12, khối ngành Kinh tế ĐH FPT

Exit mobile version