Trường Đại học FPT

Cựu sinh viên ĐH FPT giành loạt hợp đồng triệu USD cho FPT Software

Hành trình cực đỉnh của “chàng trai triệu đô” từ người ít nói, sợ giao tiếp và không nói được tiếng Anh đến tự tin chinh phục thị trường khốc liệt nhất toàn cầu.

Nguyễn Duy Đức (sinh năm 1994) mang về loạt hợp đồng tổng trị giá hàng trăm triệu USD nhờ tinh thần thích làm việc lớn từ khi còn là thực tập sinh.

Đức đảm nhiệm vị trí Giám đốc Trung tâm, quản lý nhiều nhân sự cấp cao của FPT Software khu vực phía Nam từ năm 28 tuổi.

8 năm trước, anh là nhân sự trẻ nhất của FPT Software được cử đi onsite (làm việc trực tiếp tại đơn vị đối tác) tại Mỹ. Dù chỉ có kinh nghiệm ở vị trí thực tập sinh, anh vẫn quyết định “vươn ra biển lớn”, chinh phục thị trường thuộc nhóm có yêu cầu cao nhất thế giới.

Tại đây, nam kỹ sư chịu áp lực từ những yêu cầu về sản phẩm, tiêu chuẩn khắt khe về năng lực, khó khăn trong giao tiếp, chênh lệch múi giờ… Song, anh coi đó là cơ hội, động lực để “đốt cháy giai đoạn”, phát triển kỹ năng, kiến thức, từ đó, nhanh chóng hòa nhập và đáp ứng tốt các yêu cầu công việc đề ra

nguyen duy duc cuu sinh vien dh fpt
Anh Nguyễn Duy Đức – Giám đốc Trung tâm, quản lý nhiều nhân sự cấp cao của FPT Software khu vực phía Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trở về sau chuyến đi này, những nỗ lực và năng lực tích lũy trên đất Mỹ đã giúp anh trở thành nhân viên chính thức khi mới chỉ là sinh viên năm ba chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm Trường Đại học FPT Hà Nội.

Tháng 5/2020, Đức quay trở lại Mỹ với tâm thế là kiến trúc sư giải pháp phần mềm chiến lược, chuyên hỗ trợ, “cứu cháy” các dự án trọng điểm. Ở lần “Mỹ tiến” này, anh được tin tưởng giao nhiệm vụ “phá băng” một dự án trị giá hàng trăm triệu USD bị trì hoãn vì Covid-19.

Tuy đến Mỹ khi dịch bệnh bùng phát, tình hình xã hội phức tạp nhưng chàng trai trẻ chỉ nghĩ tới nhiệm vụ quan trọng công ty giao phó. Vượt qua rất nhiều gian khó, Đức và đồng đội đã đưa dự án nhanh chóng giành thắng lợi bằng sự nhiệt huyết và tài năng.

Duy Đức (ngoài cùng bên trái) hòa nhập cùng khách hàng nước ngoài tại Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trở về sau chuyến onsite, chàng kỹ sư trẻ tuổi được công ty hỗ trợ mua nhà, hỗ trợ lãi suất mua ôtô, thưởng gói tiết kiệm 500 triệu đồng và bổ nhiệm làm Giám đốc trung tâm FHM.META (FPT Software TP HCM) vào năm 2022.

Đức cho biết, anh tự hào và trân trọng cơ hội tham gia những dự án lớn, khó, từ đó, mài dũa kỹ năng nhanh và chứng minh năng lực bản thân. “FPT Software là công ty phần mềm lớn nhất Việt Nam. Do vậy, ở đây mình được tham gia các dự án lớn cần hàng nghìn người. Hơn nữa, ở đây, tuổi tác không quan trọng, miễn là làm được việc”, anh nói.

Theo nam kỹ sư sinh 9x, anh đã rèn luyện tinh thần dám nghĩ, dám làm này ngay từ thời sinh viên, khi theo học Trường Đại học FPT thay vì những ngôi trường truyền thống nổi danh. Trường trang bị cho sinh viên ngoại ngữ, nhiều kỹ năng mềm, trải nghiệm phong phú và năng lực tự học.

Trước đó, anh vốn là người ít nói, sợ giao tiếp và không nói được tiếng Anh. Chỉ khi bước vào môi trường đại học, cựu sinh viên Trường Đại học FPT mới trau dồi kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, phản biện, làm việc nhóm, tiếng Anh trong công việc.

Duy Đức (đứng giữa) trong ngày nhận hợp đồng bàn giao nhà do FPT Software hỗ trợ mua. Ảnh: Nhân vật cung cấp

“Từ đó, tôi có những thay đổi đáng kể, tự tin nói chuyện trước đám đông và dễ dàng làm việc cùng mọi người”, Đức chia sẻ.

Duy Đức đánh giá chương trình học tại đây thực tế và bám sát nhu cầu của ngành công nghiệp phần mềm toàn cầu vì có lợi thế đúc rút kinh nghiệm làm phát triển phần mềm của tập đoàn FPT. Do vậy, khi đi thực tập từ năm hai, anh có thể bắt kịp rất nhanh với công việc thức tế bởi tính tương đồng với môi trường học tập.

Nam kỹ sư khẳng định, chuyến đi Mỹ năm 21 tuổi mà Trường Đại học FPT và FPT Software trao cho anh, là cơ hội giúp anh bứt tốc về sự nghiệp. Khi học tiếp sau kỳ thực tập, anh tiếp tục được trải nghiệm và làm việc trực tiếp với khách hàng tại Mỹ, từ đó, tự tin hơn. Theo anh, một trường đại học tốt là một khởi đầu thuận lợi cho sự nghiệp.

“Việc vừa học vừa làm cũng giúp tôi đúc rút nhiều kinh nghiệm thực tế, từ đó ứng dụng ngược lại thì phần lý thuyết của các môn học ở trường đều dễ hiểu hơn”, Đức nói thêm.

Với nhiều năm kinh nghiệm thực chiến trong ngành công nghệ thông tin, anh rút bài học lớn nhất là không ngại những dự án khó, lượng công việc nhiều. Đây là điểm tựa cho sinh viên học ngành này tích lũy kinh nghiệm, phát triển bản thân. “Hãy luôn giữ niềm đam mê với công nghệ, và khi còn trẻ. Cứ ngây thơ, không đòi hỏi rồi thành công sẽ tự đến và được đền đáp xứng đáng”, cựu sinh viên Đại học FPT nhấn mạnh.

Linh Phương- VnExpress

Exit mobile version