Trường Đại học FPT

Đại học FPT TP. HCM thực hiện chuỗi hoạt động triễn lãm giao lưu âm nhạc truyền thống Việt Nam – Hàn Quốc

Sinh viên Đại học FPT nói chung và các Cóc Ngôn Ngữ Hàn nói riêng đã có một chuỗi ngày được thoả mãn cả phần nghe lẫn phần nhìn với hàng loạt hoạt động giao lưu văn hoá đặc sắc giữa trường ĐH FPT Tp. HCM và trường Đại học Nghệ Thuật Tổng Hợp Quốc Gia Hàn Quốc K’Arts, nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập ngoại giao hai nước Việt Nam – Hàn Quốc. Chuỗi hoạt động diễn ra bao gồm:

TRIỂN LÃM GIAO LƯU ÂM NHẠC TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM – HÀN QUỐC:

Đây là sự kiện đánh dấu mở đầu cho chuỗi chương trình Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập ngoại giao hai nước Việt – Hàn.
Triển lãm có sự góp mặt của Đoàn giao lưu và biểu diễn thuộc khoa Âm Nhạc – viện Nghệ Thuật Truyền Thống – trường Đại học Nghệ Thuật Tổng Hợp Quốc Gia Hàn Quốc (K’Arts). Đoàn biểu diễn đã đem đến những tiết mục âm nhạc truyền thống Hàn Quốc vô cùng thú vị cho các bạn sinh viên Đại Học FPT.

Cô RYU KYUNGHWA – Tiến sĩ Âm nhạc học, Giáo sư viện Nghệ Thuật Truyền Thống K’Arts cũng đã tận tay giới thiệu từng nhạc cụ dân tộc Hàn Quốc đến với sinh viên cũng như giảng viên và cán bộ trường Đại học FPT. Cô đã mang đến những thông tin, kiến thức về nhạc cụ dân tộc Hàn Quốc, giúp cho khán giả hiểu được phần nào văn hóa Hàn, cách người Hàn tiếp nhận và sáng tạo nghệ thuật. Từ những nhạc cụ mang cảm hứng của tiếng mưa to ở Hàn, cũng như là cách người Hàn lấy cảm hứng từ mây trời để tạo ra một loại nhạc cụ.

Song song với các hoạt động giao lưu, buổi triển lãm âm nhạc truyền thống được diễn ra từ ngày 12.12 đến ngày 14.12 tại sảnh thư viện trường ĐH FPT Tp. HCM thu hút sự quan tâm của nhiều sinh viên, giảng viên và cán bộ nhân viên trường F.

Triển lãm lần này sẽ có sự xuất hiện của những nhạc cụ đến từ âm nhạc truyền thống của “xứ sở kim chi”. Các bạn sinh viên khi đến tham dự sẽ có cơ hội được trải nghiệm và thưởng thức các tiết mục kết hợp đặc sắc giữa nhạc cụ truyền thống của Việt nam và Hàn Quốc.

Đây là một cơ hội cho các bạn sinh viên được gặp gỡ, giao lưu với văn hóa Hàn Quốc. Đồng thời triển lãm tạo cơ hội cho các bạn nâng cao văn hóa thưởng thức âm nhạc nghệ thuật truyền thống.

WORKSHOP GIỚI THIỆU NHẠC CỤ TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM – HÀN QUỐC:

Workshop nằm trong chuỗi sự kiện giao lưu văn hóa của trường Đại học FPT và Đại học Nghệ Thuật Tổng Hợp Quốc Gia Hàn Quốc K’Arts. Các thành viên trong đoàn giao lưu của trường K’Arts đã giới thiệu những nhạc cụ dân tộc Hàn Quốc đến với các bạn sinh viên và giảng viên Đại học FPT tại sảnh Thư Viện.

Theo như chia sẻ trong buổi workshop, nhạc cụ dân tộc của Việt Nam và Hàn Quốc có tính tương đồng rất cao, chính điều đó đã tạo nên một không khí workshop đầy hứng khởi. Các giảng viên, sinh viên Đại học FPT đã có cơ hội tiếp thu những kiến thức mới, đồng thời tạo ra một không gian đối thoại thú vị về sự khác biệt hay những điểm tương đồng trong thiết kế và âm sắc của nhạc cụ dân tộc hai nước.

ĐÊM DIỄN GIAO LƯU NHẠC CỤ TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM – HÀN QUỐC:

Sự kiện đặc sắc nhất và cũng được mong đợi nhất trong chuỗi hoạt động giao lưu văn hoá Việt – Hàn tại trường Đại học FPT là đêm diễn giao lưu nhạc cụ truyền thống.

Tiết mục ấn tượng nhất của buổi diễn là tiết mục kết hợp giữa đoàn giao lưu trường K’Arts và các giảng viên sinh viên bộ môn âm nhạc truyền thống Đại học FPT. Dù đến từ hai quốc gia khác nhau cũng như văn hóa và ngôn ngữ khác nhau, nhưng sự phối hợp của hai đội là cực kỳ ấn tượng dù chỉ có khoảng thời gian cực ngắn tập luyện cùng nhau.

Buổi diễn đã mang đến một không khí mới mẻ cho các sinh viên Đại học FPT, cũng như sự giao thoa giữa hai nền văn hóa nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập ngoại giao hai nước.

Như vậy là ”Triển lãm giao lưu âm nhạc truyền thống Việt Nam – Hàn Quốc” đã kết thúc sau ba ngày với nhiều hoạt động ý nghĩa. Sắp tới, chắc hẳn sẽ còn nhiều sự kiện giao lưu văn hoá đặc sắc đến từ các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc đang chờ đợi các bạn sinh viên ĐH FPT. Cùng đón chờ nhé!
Cùng xem lại một số hình ảnh của chuỗi hoạt động:

Tổng hợp: Hy Nguyen. Ảnh: Phòng CTSV ĐH FPT Tp. HCM
Exit mobile version