Trường Đại học FPT

Đại học FPT trở thành thành viên của CDIO

Trường ĐH FPT chính thức được công nhận là thành viên của Hiệp hội CDIO vào cuối tháng 4 vừa qua. Đây là bước tiến quan trọng của Tổ chức Giáo dục FPT khi tiếp cận mô hình đào tạo tiên tiến của thế giới để nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế.

Trước đó, trong tháng 3, đoàn ĐH FPT gồm Hồ Thị Thảo Nguyên, anh Huỳnh Văn Bảy đã tới Thái Lan để trình bày tham luận với Hiệp hội CDIO. Chủ tịch ĐH FPT Lê Trường Tùng và Hiệu trưởng ĐH FPT Nguyễn Khắc Thành đồng hành với nhóm dự án trong suốt thời gian ở Thái Lan.

5 năm trước, FPT Edu tiếp cận triết lý CDIO khi tham gia hội thảo CDIO toàn quốc lần thứ nhất (tháng 8/2012) do ĐHQG HCM tổ chức. Đến tháng 3/2013, Ban Giám hiệu ĐH FPT tiếp tục cử các cán bộ nghiên cứu phát triển chương trình tới tham gia hội thảo CDIO khu vực châu Á được tổ chức tại trường Singapore Polytechnic. Từ những hiểu biết này, ĐH FPT đã dành một khoảng thời gian dài để chuẩn bị hồ sơ, hoàn thành nhiều hạng mục để có thể nộp đơn ứng tuyển vào Hiệp hội.

“Dù đã có sự chuẩn bị kỹ nhưng khi bước lên trình bày, chúng tôi vẫn không tránh khỏi cảm giác lo lắng và hồi hộp. Phải tới khi trở về Việt Nam, hoàn hành nốt hồ sơ chi tiết theo yêu cầu từ hội đồng đánh giá và nhận được kết quả cuối cùng, tôi mới có thể thở phào nhẹ nhõm”, chị Nguyên cho hay.

Theo chị, việc trở thành thành viên CDIO có ý nghĩa quan trọng với Tổ chức Giáo dục FPT bởi CDIO là nền tảng, phương pháp luận vững chắc để dựa vào khi tiến đến các kiểm định chất lượng. Tham gia kết nối cộng đồng CDIO khu vực và thế giới là cơ hội để FPT Education tăng cường giao lưu, hợp tác, học hỏi và trao đổi về phát triển chương trình, giảng dạy và phát triển giảng viên.

ĐH FPT là trường đại học thứ 5 của Việt Nam sau ĐH Quốc gia HCM, ĐH Đà Lạt, ĐH Duy Tân và ĐH Thủ Dầu Một trở thành thành viên của CDIO.

Từ khi ra đời vào năm 2000, đến nay, Hiệp hội CDIO chính thức kết nạp hơn 120 thành viên. Để tham gia Hiệp hội, các trường phải trải qua nhiều vòng thi, nộp hồ sơ bản mềm kèm các minh chứng cần thiết, sau đó là vòng thi trình bày và thuyết trình.

CDIO xác định chuẩn đầu ra, trên cơ sở đó sẽ thiết kế chương trình đào tạo. Quy trình này được xây dựng một cách khoa học, logic, có thể áp dụng cho nhiều lĩnh vực đào tạo. Mô hình CDIO có hai thành phần chính là đề cương CDIO (CDIO syllabus) và các tiêu chuẩn CDIO (CDIO standards).CDIO là viết tắt của cụm từ tiếng Anh Conceive – Design – Implement – Operate, nghĩa là: Hình thành ý tưởng, thiết kế ý tưởng, thực hiện và vận hành. CDIO là một đề xướng xuất phát từ ý tưởng của các khối ngành kỹ thuật thuộc trường Đại học Kỹ thuật Massachusetts, Mỹ, phối hợp với các trường đại học Thụy Điển. Đây là một phương pháp luận giúp giải quyết được hai vấn đề then chốt là: Dạy sinh viên điều gì (Dạy cái gì?) và làm thế nào để sinh viên lĩnh hội được tri thức (Dạy như thế nào?).

Xây dựng chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo, đề cương môn học theo mô hình CDIO nhằm tạo ra sản phẩm là một kỹ sư đúng nghĩa theo các khía cạnh kiến thức, kỹ năng và thái độ với nghề nghiệp.

Theo Chungta.vn

Exit mobile version