Trường Đại học FPT

ĐH FPT ký kết MOU với ĐH Telkom (Indonesia) về trao đổi sinh viên

Chiều ngày 22/10/2015, ông Đàm Quang Minh – Hiệu trưởng Đại học FPT và ông Mochamad Ashari – Hiệu trưởng Đại học Telkom đã đại diện hai Trường ký kết hợp tác toàn diện (MOU) về trao đổi sinh viên, giảng viên; giao lưu văn hóa; hợp tác nghiên cứu, đào tạo…

Tại Lễ ký kết, bày tỏ niềm vui và sự đồng chí hướng với Đại học Telkom, TS. Đàm Quang Minh – Hiệu trưởng Trường Đại học FPT, nhấn mạnh, trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc tạo cơ hội cho sinh viên giao lưu, học tập ở nước ngoài đã trở thành một xu thế tất yếu. Đại học FPT cũng đặt mục tiêu mỗi sinh viên FPT sẽ có ít nhất một học kỳ học tại nước ngoài trong quá trình học tập tại trường.

Ông Đàm Quang Minh – Hiệu trưởng Đại học FPT và ông Mochamad Ashari – Hiệu trưởng Đại học Telkom đại diện hai Trường tại lễ ký kết.

Cũng trong xu thế chung của toàn cầu hóa, TS. Đàm Quang Minh bày tỏ tin tưởng, Việt Nam đặc biệt là Trường Đại học FPT đã và đang nổi lên như một điểm đến cho các chương trình du học của sinh viên quốc tế. Hiện, mỗi năm có khoảng 400 sinh viên từ Nhật Bản, Thái Lan, Brunei, Philippines, Hàn Quốc, Đài Loan, Australia, Pháp, Đức, … đến học tập tại Đại học FPT theo các chương trình ngắn hạn. Tuy nhiên, số lượng sinh viên từ Indonesia đến Đại học FPT mới chỉ dừng ở mức giao lưu văn hóa. “Đại học FPT nói riêng và các trường đại học của Việt Nam chưa có nhiều cơ hội hợp tác với các đại học của Indonesia. MOU của hai trường ngày hôm nay hy vọng sẽ mở ra cơ hội hợp tác nhiều hơn và sâu rộng hơn trong thời gian tới”, TS. Đàm Quang Minh nhấn mạnh.

Về phía mình, trong khuôn khổ buổi làm việc, Hiệu trưởng Mochamad Ashari đã chia sẻ mục tiêu phát triển quan hệ giữa Trường Đại học Telkom với các trường đại học trong khu vực ASEAN. Đánh giá cao vị thế của Việt Nam trong khối ASEAN, Hiệu trưởng Đại học Telkom cũng đồng thời lý giải lý do ông lựa chọn Đại học FPT là điểm đến đầu tiên của mình: “Đại học Telkom và Đại học FPT có nhiều điểm tương đồng về cơ cấu tổ chức, về chuyên ngành đào tạo trọng tâm và đặc biệt nhất, đều được hậu thuẫn bởi Tập đoàn uy tín về lĩnh vực CNTT”.

Ngay sau lễ ký kết, ông Hoàng Văn Cương – Trưởng phòng Tuyển sinh quốc tế – Khối Phát triển sinh viên quốc tế (FGO), cho biết, công tác trao đổi, đàm phán giữa hai bên sẽ tiếp tục được tiến hành để đưa ra một lộ trình hợp tác hợp lý về các hoạt động đã được nhất trí trong MOU, nhằm mang tới nhiều ích lợi nhất cho sinh viên hai bên. Dự kiến, trong thời gian ngắn sắp tới sẽ có sinh viên hai chuyên ngành Kinh tế và Kỹ thuật phần mềm của hai trường tham gia trao đổi. Thời gian và số lượng sinh viên sẽ được bàn thảo cụ thể.

Đại diện Trường Đại học FPT và Trường Đại học Telkom trước Trống Đồng – biểu tượng trường tồn của Đại học FPT. Trước lễ ký kết, đoàn khách cũng đã dành thời gian tham quan Đại học FPT.

Thúc đẩy các chương trình trao đổi sinh viên với nhiều trường trên thế giới như tại Bồ Đào Nha, Đức, Pháp, Philippines, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan là một định hướng quan trọng trong chiến lược GO GLOBAL của Đại học FPT, tạo điều kiện cho sinh viên FPT có cơ hội được trải nghiệm tại nhiều quốc gia, và sau này có khả năng làm việc ở quy mô toàn cầu. Riêng với Indonesia, trước Đại học Telkom, ĐH FPT cũng đã từng ký kết thỏa thuận hợp tác với Đại học Binus nhằm mang tới nhiều quyền lợi và giá trị cho sinh viên hai phía.

Chính thức thành lập tháng 7/2013, Trường Đại học Telkom là sự hợp nhất của 4 tổ chức tồn tại lâu đời, gồm: Viện Nghiên cứu Công nghệ Telkom (IT Telkom), Viện Quản trị Kinh doanh (IM Telkom), Cao đẳng Telkom (Telkom Polytechnic) và Trường Nghệ thuật và Thiết kế Telkom (STISI Telkom). Cũng giống với Đại học FPT là đơn vị thành viên của Tập đoàn FPT, Đại học Telkom cũng được hậu thuẫn bởi Tập đoàn hàng đầu về công nghệ thông tin của Indonesia.

Đại học Telkom hiện có 25.000 sinh viên trong đó có sinh viên quốc tế đến từ từ 13 quốc gia trên thế giới, gồm: Hà Lan, Hàn Quốc, Pháp, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia và Australia).

Chuyên ngành đào tạo của Trường gồm: Kỹ thuật điện tử, Kỹ thuật công nghiệp, Máy tính, Kinh tế và Kinh doanh, Truyền thông và Kinh doanh, Công nghiệp sáng tạo và Khoa học ứng dụng.

Exit mobile version