Trong khuôn khôt Toạ đàm về ICT do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) tổ chức, ĐH FPT đã ký kết thoả thuận hợp tác với 3 Doanh nghiệp: Cty cổ phần VTI, Cty cổ phần SmartOSC, Cty cổ phần Vnext Software.
Ngày 30.3, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) tổ chức toạ đàm “Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) trình độ cao: Gắn kết cơ sở giáo dục đại học – doanh nghiệp”.
Tọa đàm là diễn đàn để thúc đẩy hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp trong nghiên cứu, đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực ICT, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ICT, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Đồng thời, tọa đàm cũng góp phần nâng cao nhận thức của các bên để gắn kết cung cầu trong việc phát triển nguồn nhân lực ICT của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và phát triển.
Sự kiện thu hút nhiều trường Đại học, Doanh nghiệp tham gia. Trong khuôn khổ sự kiện, lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa một số cơ sở GDĐH với đối tác doanh nghiệp ICT cũng được tổ chức. Tại đây, TS Nguyễn Khắc Thành – Hiệu trưởng ĐH FPT đã ký kết thoả thuận hợp tác với 3 Doanh nghiệp: Cty cổ phần VTI, Cty cổ phần SmartOSC, Cty cổ phần Vnext Software về việc bố trí sinh viên thực tập, các chương trình hướng nghiệp (như hội thảo nói chuyện chuyên đề, tham quan doanh nghiệp) và tuyển dụng sinh viên sau khi ra trường.
Trong khi đó bên ngoài, triển lãm ICT diễn ra tưng bừng với sự tham gia của 15 trường đại học và 10 doanh nghiệp ICT lớn. Những sản phẩm ICT của sinh viên trường F như chiếc xe không người lái tham gia “Cuộc đua số”, robot được trưng bày giới thiệu tới quan khách. Đặc biệt gian hàng Đại học FPT được tiếp đón 2 Bộ trưởng là Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cùng đoàn đại biểu tham quan. Tại đây 2 Bộ trưởng đánh giá cao về Đại học FPT.
Ngay từ khi thành lập Trường Đại học FPT đã chú trọng đào tạo theo hình thức liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, gắn đào tạo với thực tiễn, với nghiên cứu – triển khai và các công nghệ hiện đại nhất. Đây chính là điểm tạo ra sự khác biệt giữa ĐH FPT và các trường khác.
Cân bằng giữa lý thuyết với ứng dụng và thực hành, hơn nữa, sinh viên Đại học FPT có tối thiểu 1 học kỳ được học tập và đào tạo thực tế tại các công ty, doanh nghiệp nổi tiếng trong và ngoài nước, cơ hội học hỏi từ các chuyên gia trong ngành, định hướng mục tiêu nghề nghiệp và học tập ở giai đoạn sau sẽ giúp các kỹ sư, cử nhân tương lai dày dặn kinh nghiệm và kỹ năng đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng.
Điểm đáng chú ý, Công nghệ thông tin là ngành học có tiếng và lâu đời của Đại học FPT. Hiện tại, sinh viên Đại học FPT đã và đang làm việc, học tập tại các quốc gia như Mỹ, Đức, Nhật Bản, Singapore… những thị trường công nghệ thông tin quan trọng của thế giới. Đây là kết quả của chương trình đào tạo chuẩn quốc tế, chú trọng đào tạo ngoại ngữ, phát triển kỹ năng mềm cùng định hướng đầu ra đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp.
Nâu Đá