Trường Đại học FPT

Đồ án tốt nghiệp “Vó ngựa hồng” lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống qua truyện cổ tích Việt Nam

Ra mắt trong kỳ bảo vệ đồ án Học kỳ Fall 2024 (tháng 12/2024), dự án “Vó ngựa hồng” đã truyền đạt những giá trị truyền thống tốt đẹp trong truyện cổ tích Việt Nam.  

Dự án Vó ngựa hồng được thực hiện bởi 4 sinh viên Khóa 16, chuyên ngành Truyền thông đa phương tiện của Trường Đại học FPT gồm: Trần Đình Huy (trưởng nhóm), Đào Quý Quân, Nguyễn Phúc Xuân Thy, và Thái Hà Ánh Dương, với sự hướng dẫn của cô Lê Ngọc Phương Nguyên – Giảng viên chuyên ngành Truyền thông đa phương tiện. 

Chia sẻ về ý tưởng dự án, trưởng nhóm Đình Huy cho biết: “Dự án Vó ngựa hồng ra đời với mong muốn góp phần truyền cảm hứng trong việc bảo tồn, phát huy và lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống như cần cù, đoàn kết, yêu nước, nhân ái… trong những câu chuyện cổ tích Việt Nam, để những giá trị này không bị lãng quên và mai một. Chúng em mong muốn dự án này sẽ mang đến cho giới trẻ cái nhìn mới mẻ và sâu sắc về văn hóa dân tộc”. 

do an sinh vien vo ngua hong 2
Vó ngựa hồng là dự án truyền thông nhằm lan tỏa các giá trị nhân văn trong các câu chuyện cổ tích Việt Nam.

Dự án là chuỗi các sự kiện văn hóa và nghệ thuật, hướng đến đối tượng khán giả trẻ, đặc biệt là nhóm tuổi từ 18-24. Nhóm chọn 9 câu chuyện cổ tích tiêu biểu để khai thác xuyên suốt dự án như Bánh chưng bánh dày, Sự tích trầu cau, Cây tre trăm đốt, Ăn khế trả vàng, Chàng quân tử… 

Trước khi triển khai, cả nhóm đã đầu tư thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng về kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, đồng thời tiến hành khảo sát nhu cầu thực tế của giới trẻ. Nhóm đã khảo sát nhóm đối tượng là sinh viên tại TP HCM với 2 bảng. Bảng khảo sát đầu tiên đo lường mức độ quan tâm của người trẻ đối với truyện cổ tích, trong khi khảo sát thứ hai đi sâu vào sự hiểu biết về các giá trị văn hóa truyền thống trong những câu chuyện này.

Kết quả tích cực từ hơn 500 mẫu khảo sát đã giúp nhóm xác định các nội dung cốt lõi cho dự án. Đây không chỉ là nền tảng vững chắc để phát triển ý tưởng mà còn là động lực để các thành viên tiếp tục hành trình lan tỏa những giá trị văn hóa dân tộc một cách sáng tạo và gần gũi với thế hệ trẻ. Dự án Vó ngựa hồng bao gồm ba giai đoạn chính: Attract (Thu hút) – Xuyên mây dệt mộng; Engage (Tiếp cận) – Cổ tích thêu mơ và Amplify (Mở rộng) – Lưu giữ thời không. 

Giai đoạn đầu tiên của dự án Vó ngựa hồng mang tên Xuyên mây dệt mộng diễn ra từ 16/9/2024 đến 13/10/2024. Trong giai đoạn này, nhóm tập trung vào việc giới thiệu những câu chuyện cổ tích nổi tiếng qua các bài truyền thông mạng xã hội và video đồ họa nhằm cung cấp kiến thức về các câu chuyện cổ tích Việt Nam.  

Giai đoạn tiếp cận Cổ tích thêu mơ diễn ra từ 14/10/2024 đến 10/11/2024, dự án tiếp tục mở rộng tầm ảnh hưởng qua các hoạt động hợp tác với những người có ảnh hưởng trong lĩnh vực truyện dân gian. Một trong những điểm nhấn trong giai đoạn này chính là workshop Người nay kể chuyện xưa với sự tham gia  của các khách mời: tác giả sách kiêm nhà giáo Phi Yến; nhà văn Đỗ Quang Vinh – chủ kênh Youtube Người kể chuyện phim và diễn viên lồng tiếng Hita Thanh Hiền. 

Thành viên nhóm Vó ngựa hồng tại workshop “Người nay kể chuyện xưa” do nhóm làm Ban tổ chức.

Workshop này không chỉ đưa ra cái nhìn mới về việc khai thác giá trị văn hóa trong truyện cổ tích mà còn tạo cơ hội cho các bạn trẻ trải nghiệm và tham gia vào các hoạt động tương tác, như lồng tiếng và hóa thân thành các nhân vật trong các câu chuyện cổ tích Việt Nam. Bên cạnh đó, nhóm thực hiện dự án đã cho ra mắt các sản phẩm như túi tote và dây đeo thẻ, với thiết kế là hình ảnh gắn liền với truyện cổ tích như bánh chưng, trầu cau, cờ lễ hội, múa lân… Toàn bộ lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh được dùng để hỗ trợ dự án The Book-nest 2024 – chương trình mua truyện cổ tích Việt Nam dành tặng trẻ em vùng khó khăn. “Chiến dịch này không chỉ lan tỏa giá trị văn hóa mà còn góp phần xây dựng nền tảng tri thức cho thế hệ tương lai”,  Quý Quân – thành viên nhóm chia sẻ thêm.

Workshop “ Người nay kể chuyện xưa” được diễn ra với các hoạt động như lồng tiếng, hoá trang thành nhân vật cổ tích.
Các sản phẩm do nhóm sản xuất đều mang nét đặc trưng của văn hoá Việt Nam.

Giai đoạn 3, Amplify – Lưu giữ thời không diễn ra từ 11/11/2024 đến 1/12/2024, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc lan tỏa thông điệp bảo tồn văn hóa thông qua sự kiện Gala show “Tích mộng dệt hội”. Với sự đồng hành của các sinh viên Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM và Sân khấu kịch Thiên Đăng, chương trình đã tạo nên sự kết hợp độc đáo giữa âm nhạc, kịch thể nghiệm và các trò chơi dân gian như Ô ăn quan, Banh đũa, Cờ cổ tích… Điểm nhấn đặc biệt là bài hát chủ đề Vó ngựa hồng, pha trộn giữa nhạc EDM và âm nhạc dân tộc. MV này đã đạt hơn 10.000 lượt xem chỉ trong 24 giờ đầu ra mắt tại Gala show.

Gala show “Tích mộng dệt hội” với các tiết mục trình diễn âm nhạc và kịch thể nghiệm.
Hình ảnh trong bài hát chủ đề “Vó ngựa hồng”, bài hát đạt hơn 10.000 lượt xem chỉ sau 24h ra mắt.

Dự án Vó ngựa hồng đã minh chứng sức sáng tạo và sự gắn kết với văn hóa dân tộc của sinh viên Trường Đại học FPT. Không chỉ dừng lại ở phạm vi đồ án, dự án còn đặt nền móng cho những hoạt động cộng đồng ý nghĩa, lan tỏa giá trị truyền thống qua nhiều hình thức hiện đại. 

Mỹ Linh 

Exit mobile version