Trường Đại học FPT

Dự án giải pháp đặt bàn và đồ ăn được trao học bổng khởi nghiệp 50 triệu đồng

Dự án nền tảng đặt bàn nhanh Việt Nam là 1 trong 4 nhóm có dự án xuất sắc nhất tại chương trình FPTU RiseUp #14 – Student Showcase Summer 2024.

Với mục đích tạo ra cơ hội, cung cấp kiến thức và nâng cao tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên, phòng Quan hệ doanh nghiệp và Cựu sinh viên kết hợp cùng bộ môn Quản trị doanh nghiệp, Trường Đại học FPT Hà Nội đã phối hợp tổ chức chương trình FPTU RiseUp #14 – Student Showcase Summer 2024. Nếu như chuỗi khởi nghiệp RiseUp#12 và #13 sẽ do các diễn giả nhiều kinh nghiệm chia sẻ thì trong RiseUp#14 lần này là những dự án khởi nghiệp do chính các bạn sinh viên trình bày về những đứa con tinh thần của mình.

Sự kiện này là sân chơi lý tưởng cho những sinh viên có ý tưởng khởi nghiệp, giúp họ thể hiện sự sáng tạo và năng động.

Trong bối cảnh hiện nay, việc tìm kiếm và đặt bàn tại các nhà hàng, quán cà phê đã trở thành một thách thức đối với nhiều người. Nhận thấy nhu cầu này, nhóm Topder đã triển khai dự án khởi nghiệp với tên gọi TOPDER – Nền tảng đặt bàn nhanh Việt Nam. Đây là một dự án đầy tiềm năng, mang lại giải pháp tiện lợi cho những người yêu ẩm thực muốn trải nghiệm việc tìm kiếm, so sánh và đặt chỗ một cách dễ dàng mà không cần gọi điện thoại hay chờ đợi.

Topder là nhóm sinh viên khóa 16 đến từ các chuyên ngành khác nhau gồm bạn Dương Thị Thu Huyền, Phan Thị Hương, Đào Ngọc Ánh, Đỗ Văn Đạt, Trần Văn Phi, Kỹ thuật phần mềm, Đỗ Minh Trang. Nhóm do thầy Nguyễn Duy Hồng, cô Nguyễn Thị Thùy Dung – Giảng viên ngành Quản trị kinh doanh của Trường Đại học FPT Hà Nội cùng anh Trịnh Đức Hải – CEO có kinh nghiệm trong lĩnh vực Công nghệ – Thông tin, Dịch vụ – Du lịch, Vận tải – Logistics hướng dẫn.

Tham gia chương trình, các nhóm sinh viên sẽ nhận được đánh giá và hướng dẫn từ các thầy cô, giúp họ hoàn thiện và hiện thực hóa dự án của mình.

Dự án được phát triển dựa trên nền tảng hai môn học khởi nghiệp EXE101 và EXE201 tại Trường Đại học FPT. Tất cả sinh viên khi bước vào học kỳ 7 và học kỳ 8 đều có cơ hội tham gia thực hiện một dự án khởi nghiệp thực tế dưới sự hướng dẫn tận tình của các thầy cô giáo bộ môn. Đây là cơ hội để sinh viên tiếp xúc với môi trường thực tế, đồng thời ứng dụng những kiến thức và kinh nghiệm đã tích lũy trong suốt quá trình học từ kỳ 1 đến học kỳ 6 (học kỳ thực tập) vào việc xây dựng và phát triển dự án khởi nghiệp của chính mình.

Một trong những thành công nổi bật nhất của dự án là nhóm đã tự tay xây dựng và phát triển một website đặt bàn chuyên nghiệp. Thông qua việc sử dụng các ứng dụng đặt bàn, khách hàng sẽ không cần chờ đợi và nhà hàng cũng chủ động hơn trong công tác phục vụ, chuẩn bị đồ ăn. Từ đó tối ưu hóa trải nghiệm người tiêu dùng và nâng cao lòng tín nhiệm của thực khách. Nhờ sử dụng website nên khách hàng có thể đặt lịch hẹn sớm, quản lý được giờ giấc và chọn lựa những món ăn mình ưa thích. Về phía khách hàng sẽ có thêm thời gian cho chuẩn bị bữa trưa và dịch vụ cũng giúp hạn chế số lượng thức ăn dư thừa mỗi ngày nhiều lên. Website này không chỉ thu hút sự chú ý mà còn nhận được đánh giá cao từ giảng viên, các nhà hàng và khách hàng.

Các thành viên của nhóm.

Chỉ chưa đầy một tuần sau khi chính thức ra mắt, website của TOPDER đã tiếp cận hơn 300 người dùng đăng ký và hợp tác với hơn 20 nhà hàng, quán ăn trên địa bàn Hòa Lạc, Hà Nội. Không chỉ dừng lại ở đó, dự án còn lọt vào Top 4 dự án khởi nghiệp xuất sắc nhất được đại diện trình bày tại sự kiện Student Showcase 2024 trong tổng số hơn 300 dự án tham gia.

Bên cạnh những thành công thì nhóm Topder cũng đã phải đối mặt với không ít khó khăn và thử thách. Bạn Dương Thị Thu Huyền, thành viên nhóm chia sẻ “Một trong những thách thức lớn nhất là các bạn trong nhóm đều thuộc các chuyên ngành khác nhau và môn Khởi nghiệp 1 cũng là lần đầu tiên bọn em được làm việc chung, dẫn đến khó khăn trong việc hiểu và phối hợp làm việc. Điều này đòi hỏi bọn em phải dành nhiều thời gian hơn để giải thích và thảo luận, đảm bảo tất cả mọi người đều có cùng hướng đi và mục tiêu chung. Những khó khăn và thách thức trong dự án không chỉ là những trở ngại mà còn là cơ hội để chúng em học hỏi và trưởng thành hơn”.

Dự án TOPDER thuộc sự kiện Student Showcase Summer 2024 của nhóm sinh viên FPTU không chỉ là một dự án khởi nghiệp sáng tạo giải quyết mà còn là một bài học lớn về sự hợp tác, kiên trì và sáng tạo.

Sau khi hoàn thành dự án TOPDER, nhóm Topder đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu. “Chúng em nhận ra tầm quan trọng của việc đặt ra mục tiêu chung và phối hợp nhóm hiệu quả. Mục tiêu chung không chỉ giúp cả nhóm có định hướng rõ ràng mà còn tạo nên sự đồng lòng và nhất quán trong công việc. Việc phối hợp nhóm hiệu quả đã giúp chúng em phát huy được sức mạnh tập thể, tận dụng tốt nhất các kỹ năng và kiến thức đa dạng của từng thành viên. Thứ hai, chúng em nhận thấy rằng việc lắng nghe những góp ý từ mentor và giảng viên là vô cùng quan trọng. Những lời khuyên và đánh giá từ người có kinh nghiệm đã giúp chúng em nhìn nhận rõ hơn về dự án, từ đó điều chỉnh và cải thiện các yếu tố cần thiết để dự án đạt hiệu quả cao nhất. Cuối cùng, chúng em cũng nhận thức được rằng sự kiên nhẫn và nỗ lực không ngừng nghỉ là chìa khóa để vượt qua những thử thách và đạt được thành công” – Bạn Dương Thị Thu Huyền nói.

Cô Nguyễn Thị Thùy Dung, giảng viên hướng dẫn môn Khởi nghiệp EXE201 nhận xét: “Tôi rất ấn tượng với khả năng sáng tạo và tự học của sinh viên. Việc các bạn tự xây dựng và phát triển một nền tảng trực tuyến như TOPDER, cùng với sự tiếp cận nhanh chóng và hợp tác với các nhà hàng là một thành tựu đáng khích lệ. Tôi tin rằng những kinh nghiệm quý báu này sẽ giúp các bạn tiến xa hơn trong hành trình khởi nghiệp của mình”.

Từ học kỳ Spring 2022, môn Trải nghiệm Khởi nghiệp được đưa vào chương trình đào tạo chính quy và bắt buộc cho tất cả sinh viên Đại học FPT. Nhà trường kỳ vọng, thông qua môn học này, sinh viên được trang bị nền tảng kiến thức thực chiến về sáng tạo – khởi nghiệp, từ đó, sinh viên có tư duy nhạy bén để phát hiện và tận dụng cơ hội trong xu hướng thế giới đang thay đổi nhanh chóng, giúp sinh viên có thể khởi nghiệp ngay từ trên ghế nhà trường. Phương pháp dạy – học là tự lĩnh hội kiến thức thông qua trải nghiệm thực tế, trau dồi khả năng kiến tạo.

Các nước trên thế giới cũng đã bắt đầu đưa môn Trải nghiệm Khởi nghiệp vào trường học. Việc Đại học FPT đưa môn này vào chương trình đào tạo kéo gần khoảng cách giữa doanh nghiệp và sinh viên, trau dồi cho các bạn những kiến thức và kỹ năng quý báu cho hành trình sau này.

Môn học Trải nghiệm Khởi nghiệp bám sát sứ mệnh, triết lý giáo dục và mục tiêu của nhà trường với mong muốn sẽ tạo ra một thế hệ sẵn sàng dấn thân, đương đầu với thử thách để hiện thực quá giấc mơ của mình, đưa trí tuệ Việt Nam vươn tầm thế giới.

 

 

Exit mobile version