Xuất phát từ một dự án trong môn Tổ chức sự kiện, 5 sinh viên chuyên ngành Truyền thông đa phương tiện đã tạo nên chiến dịch “Mắt thấy tay nghe” hướng đến nhóm đối tượng yếu thế trong cộng đồng.
Là dự án thuộc bộ môn Event Planning (Tổ chức sự kiện), chiến dịch “Mắt thấy tay nghe” được thực hiện bởi 5 thành viên đến từ K17 chuyên ngành Truyền thông đa phương tiện, Trường Đại học FPT: Nguyễn Hoàng Duy, Nguyễn Thành Nhân, Huỳnh Kim, Trương Vĩnh Như Ý và Bùi Ngọc Thanh. Tên chiến dịch “Mắt thấy tay nghe” được lấy cảm hứng từ cách cộng đồng người điếc giao tiếp với nhau: Nghe bằng cách nhìn cử chỉ của tay.
Từ ý tưởng trong lớp học đến chiến dịch thực tế
Là những người trẻ mong muốn truyền tải giá trị tích cực đến cộng đồng, 5 thành viên trong dự án nhận ra rằng trên thực tế, nội dung dành cho người điếc, người khiếm thính vẫn còn hạn chế. Đặc biệt, giao tiếp với người điếc trong đời sống hằng ngày còn gặp nhiều khó khăn do sự thiếu hiểu biết về văn hoá điếc và ngôn ngữ ký hiệu.
“Thực tế này đã thôi thúc nhóm tạo ra ‘Mắt thấy tay nghe’ – chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của sinh viên về việc sử dụng ngôn ngữ ký hiệu, góp phần xóa bỏ rào cản giao tiếp giữa người điếc, người khiếm thính và cộng đồng người nghe. Chiến dịch không khai thác yếu tố tình cảm hay lòng thương, mà hướng đến góc nhìn tích cực và tôn trọng văn hoá điếc, giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận ngôn ngữ ký hiệu theo cách mới mẻ, gần gũi, từ đó hiểu và trân trọng sự đa dạng trong giao tiếp xã hội”, nhóm chia sẻ.
Một trong những hoạt động nổi bật của chiến dịch là “Phiên chợ không lời” được tổ chức trong khuôn viên Trường Đại học FPT, nơi sinh viên có thể trải nghiệm giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu.

Dù mang tên “phiên chợ”, sự kiện không có hoạt động mua bán mà tập trung vào việc trao đổi kiến thức. Các bạn sinh viên được hướng dẫn những câu giao tiếp cơ bản như chào hỏi, cảm ơn, giới thiệu bản thân, đồng thời thể hiện lời bài hát bằng ngôn ngữ ký hiệu. Đây được xem như chìa khóa đầu tiên để kết nối và xóa bỏ rào cản giao tiếp giữa người điếc với người nghe.
Đại diện dự án kể lại: “Điều làm nhóm ấn tượng nhất là khi có người điếc tham gia phiên chợ với tư cách khách mời, các bạn sinh viên đã sẵn sàng giao tiếp, nói xin chào và giới thiệu tên bằng ngôn ngữ ký hiệu. Sự kiện giúp nhóm nhận ra rằng không phải sinh viên không quan tâm đến ngôn ngữ ký hiệu và văn hoá điếc, mà thực tế họ rất mong muốn nhưng chưa có đủ thông tin và hướng dẫn phù hợp”.
Hành trình tiếp theo của “Mắt thấy tay nghe”
Tiếp nối thành công của “Phiên chợ không lời”, nhóm đã triển khai workshop (hội thảo chuyên đề) “Quơ Tour” vào cuối tháng 3. Tên gọi “Quơ Tour” xuất phát từ sự kết hợp giữa “World Tour” và từ “quơ” – cách diễn đạt vui nhộn và thân thiện khi học ngôn ngữ ký hiệu. Nhóm muốn mang đến không gian học tập nhẹ nhàng, gần gũi, nơi sinh viên được cảm thấy thoải mái khi tiếp cận ngôn ngữ mới.
Nếu “Phiên chợ không lời” là bước khởi đầu, thì “Quơ Tour” là chuỗi workshop giúp sinh viên tìm hiểu sâu hơn về ngôn ngữ ký hiệu. Với sự tham gia của khách mời là người điếc và các chuyên gia phiên dịch, workshop đan xen những chia sẻ cụ thể về văn hóa điếc, đồng thời tạo môi trường thực tế để các bạn cùng nhau thực hành ngôn ngữ ký hiệu.
Chuẩn bị cho hành trình dài hơi trong tương lai, “Mắt thấy tay nghe” đã thiết lập mối quan hệ hợp tác với CLB Người điếc Cần Thơ để nhận được hỗ trợ sâu về mặt chuyên môn, cũng như có cơ hội tiếp cận nhiều nhân vật hơn. Trong thời gian tới, nhóm dự kiến mở rộng phạm vi hoạt động, đưa chương trình đến các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn trước khi tiếp cận học sinh trung học phổ thông.
Đặc biệt, “Mắt thấy tay nghe” ấp ủ kế hoạch ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để thu hẹp rào cản giao tiếp giữa người điếc, người khiếm thính và người nghe. Nhóm đang phối hợp cùng các chuyên gia nghiên cứu tính khả thi và mức độ ứng dụng của dự án này nhằm kết nối văn hóa điếc với công nghệ số, từ đó giúp mọi người hiểu và tôn trọng sự đa dạng trong giao tiếp, lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa tinh thần hòa nhập và bình đẳng trong xã hội.
Bích Hiền