Trường Đại học FPT

Dùng AI hỗ trợ giảng dạy và học tập: Góc nhìn mới từ FPT Educamp 2024

Hội Thảo Giáo Dục FPT Educamp 2024

Nhiều ứng dụng AI được cán bộ, giảng viên FPT sử dụng có hiệu quả trong tổ chức và quản trị việc tự học sẽ được chia sẻ trong hội thảo ngày 8/12.

Ngày 8/12, tại Trường Trung học phổ thông FPT Cần Thơ, FPT sẽ tổ chức Hội thảo FPT Educamp 2024 với chủ đề: “Tổ chức và Quản trị việc tự học” (Self directed learning: organization and administration).

Các diễn giả, báo cáo viên và người tham dự tại phiên toàn thể FPT Educamp 2023

Chủ Đề Hội Thảo – Tổ Chức và Quản Trị Việc Tự Học

Các tham luận chia sẻ tại FPT Educamp 2024 xoay quanh chủ đề “Tổ chức và Quản trị việc tự học” cùng những cách làm thực tế trong môi trường giáo dục tại FPT hoặc các đơn vị giáo dục khác. Trong đó xu hướng ứng dụng AI và các công cụ số để nâng cao hiệu quả tổ chức, quản trị việc tự học, tăng niềm hứng khởi trong học tập cho học sinh, sinh viên nổi lên như một cách làm hay, được triển khai hiệu quả tại FPT.

Những ứng dụng AI được các cán bộ, giảng viên FPT đã và đang ứng dụng trong giảng dạy có thể kể tới phổ biến như Chat GPT, chatbot tích hợp AI, các nền tảng hỗ trợ học tập có ứng dụng AI trong các chuyên ngành ở bậc đại học như kỹ thuật phần mềm, thiết kế đồ họa hay môn học cụ thể ở bậc phổ thông là tiếng Anh, Lịch sử, Toán học, STEM và robotics…

Ngoài ra, một số phương pháp học tập dựa trên nền tảng công nghệ như Kiến tạo xã hội trên nền tảng Edunext cũng được các cán bộ, giảng viên FPT chia sẻ về cách thức triển khai, kinh nghiệm tối ưu hiệu quả tại FPT Educamp 2024.

Một phiên báo cáo tham luận tại FPT Educamp năm 2023.

Ứng Dụng AI và Công Nghệ Số Trong Giáo Dục

Các tham luận đi sâu vào việc chia sẻ quan điểm, nghiên cứu của cá nhân tác giả hoặc nhóm tác giả thông qua quá trình nghiên cứu, giảng dạy thực tế về sự thay đổi trong cách dạy, cách học, tổ chức các đơn vị đào tạo từ quy mô nhỏ nhất như cá nhân học sinh, sinh viên, đến lớp, trường học và tổ chức giáo dục gồm nhiều bậc học, cấp học trong thời đại chuyển đổi số.

Mục tiêu của các tham luận là đưa ra những cách làm, kinh nghiệm có hiệu quả để cùng trao đổi, chia sẻ, tìm ra phương hướng thích hợp đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ vào tổ chức và quản trị việc tự học, đối với môi trường đào tạo FPT nói riêng và giáo dục phổ thông, giáo dục đại học nói chung.

Ngoài ra, từ vai trò của người dạy học và tổ chức đào tạo, nhiều cán bộ, giảng viên FPT có những góc nhìn mới mẻ về việc tăng cường hứng khởi học tập cho học sinh, sinh viên từ đó nâng cao hiệu quả học tập, khuyến khích việc tự học suốt đời. Những chủ đề như lớp học trải nghiệm nơi học sinh chủ động khám phá tri thức, sức khỏe tinh thần ảnh hưởng đến năng lực tự học, phương pháp tạo sự cân bằng giữa học tập và cuộc sống… được các báo cáo viên tại FPT Educamp phân tích, trao đổi.

FPT Educamp là hội thảo giáo dục thường niên của cán bộ, giảng viên FPT.

Hội thảo cũng thu hút một số tham luận từ các báo cáo viên là cán bộ, giảng viên các trường khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với những chia sẻ thực tế mang đặc trưng của công tác đào tạo tại địa phương.

Những Chia Sẻ Thực Tế Từ Các Diễn Giả

Hội thảo FPT Educamp 2024 có sự tham dự của hai diễn giả phiên toàn thể là Tiến sĩ Lê Trường Tùng (Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT, Tập đoàn FPT) và Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn (Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh). Các diễn giả này sẽ chia sẻ những kinh nghiệm được đúc rút từ quá trình quản lý các cơ sở giáo dục, về chiến lược tổ chức, quản trị việc tự học và tạo động lực học tập cho học sinh.

Là mô hình hội thảo giáo dục mở, nơi diễn giả, người tham dự có nhiều không gian chia sẻ học thuật cởi mở, FPT Educamp 2024 được kỳ vọng tiếp tục tạo ra cơ hội học tập, chia sẻ nghiên cứu, kinh nghiệm thực tế cho cán bộ, giảng viên mảng giáo dục của Tập đoàn FPT. Ngoài ra, hội thảo góp phần vào phong trào nghiên cứu khoa học, làn sóng ứng dụng chuyển đổi số mạnh mẽ trong giáo dục đào tạo đang được triển khai trên quy mô quốc gia.

Theo giaoduc.net

Exit mobile version