Trường Đại học FPT

FPT ra mắt mô hình đào tạo ‘Tập trung học – Sớm đi làm’

Chungta.vn – Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao, ĐH FPT cơ sở Đà Nẵng và FPT Software Đà Nẵng đã thỏa thuận hợp tác đào tạo và cam kết tuyển dụng sinh viên FPT bằng mô hình “Tập trung học – Sớm đi làm – Tự hoàn thiện”.
Thỏa thuận hợp tác giữa hai bên diễn ra vào chiều 15/2 tại phòng họp VIP, tòa nhà FPT Đà Nẵng, khu công nghiệp An Đồn, trước sự chứng kiến của lãnh đạo thành phố cùng các trường đại học, cao đẳng và THPT. Mô hình đào tạo được thiết kế đặc thù theo yêu cầu của FPT Software gồm 4 học kỳ, để giúp sinh viên “Tập trung học – Sớm đi làm – Tự hoàn thiện”.
Hiệu trưởng ĐH FPT cơ sở Đà Nẵng Nguyễn Thành Nam và GĐ FPT Software Đà Nẵng Nguyễn Tuấn Phương bắt tay nhau trong lễ ký kết hợp tác mô hình đào tạo mới nhằm đáp ứng nhu nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao hiện nay.
Sinh viên hoàn thành 4 học kỳ sẽ được công nhận trình độ tương đương cấp bậc nhân viên đầu vào – Fresher – FPT Software, và được nhận chứng chỉ “Junior SE” do ĐH FPT Đà Nẵng và FPT Software Đà Nẵng đồng chứng nhận. FPT Software cam kết tuyển dụng chính thức những sinh viên này. Sau đó sinh viên có thể lựa chọn vừa đi làm vừa đi học theo chương trình của Đại học Trực tuyến – FUNiX hoặc quay về trường ĐH FPT học theo chương trình chính quy để lấy bằng kỹ sư CNTT.
 
Phó Chủ tịch ĐH FPT Nguyễn Thành Nam cho biết, mô hình đào tạo mới xuất phát từ những yêu cầu thực tế của ngành công nghiệp. Trong quá trình đào tạo, FPT Software sẽ tham gia tích cực vào quá trình đào tạo gồm: cung cấp các công cụ quản trị, cử các chuyên gia làm mentor, kiểm soát chất lượng và đánh giá đầu ra. Sinh viên được thực tập tại doanh nghiệp OJT và tham gia các dự án thực tế. Hằng tuần các sinh viên tham gia các khóa đào tạo kỹ năng mềm, đạo đức nghề nghiệp, giáo dục thể chất, văn hóa và ngoại ngữ theo đúng tiêu chuẩn ĐH FPT.
 
Là đơn vị khao khát nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao, Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến đánh giá cao mô hình đào tạo mới được hai bên hợp tác.
 
Anh Tiến cũng hy vọng các trường, doanh nghiệp và chính quyền địa phương cần gắn kết, phối hợp cùng nhau để tiến sâu vào cuộc cách mạng lần thứ 4. “Nếu đào tạo tốt, hàng ngàn việc làm ở lĩnh vực CNTT sẽ về Đà Nẵng. Chúng ta gần như đã lỡ 3 chuyến tàu – cuộc cách mạng công nghiệp – nên chuyến tàu thứ 4 không thể lỡ. Tôi đã thấy Đà Nẵng và Chính phủ đặt quyết tâm cao nên tin tưởng có thể tham gia sâu vào sân chơi này”, anh Tiến nhìn nhận.
Anh Nam và lãnh đạo TP Đà Nẵng rót sâm banh để chúc mừng mô hình đào tạo mới gặt hái thành công trong thời gian đến.
Hiện nhu cầu nhân lực ngành CNTT trong những năm gần đây tăng lên rất cao. Riêng FPT Software Đà Nẵng dù mới thành lập năm 2005 nhưng đã cán mốc quân số 2.000 người, tốc độ tăng trưởng nhân sự hàng năm từ 50% đến 60%. Trong khi đó, nguồn sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT ở các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn còn khiêm tốn. Việc ra đời mô hình mới đào tạo nhân lực CNTT sẽ tạo điều kiện cho đông đảo sinh viên có cơ hội tiết kiệm thời gian và tiền bạc. Chỉ khoảng thời gian từ 16-20 tháng và khoảng đầu tư 40-50 triệu đồng, sinh viên đã có thể tham gia ngành công nghiệp và tự nâng cao năng lực bản thân.
 
Đồng hành cùng doanh nghiệp và nhà trường trong lĩnh vực CNTT, ông Nguyễn Quang Thanh, GĐ Sở Thông tin – Truyền thông TP Đà Nẵng khẳng định: “Đây là một sáng kiến hay trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ yêu cầu của doanh nghiệp. Khi sinh viên ra trường chỉ cần làm được việc còn nhiệm vụ của doanh nghiệp là trả lương, thỏa mãn giữa hai bên. Nhưng để mô hình được phổ biến và đạt hiệu quả cao nhất, FPT cần phối hợp với các doanh nghiệp và các trường trên địa thành phố để đóng góp, chia sẻ nhằm mang đến sự phát triển chung”. Ông Thanh cũng cho rằng, mô hình đào tạo của FPT sẽ hạn chế tối đa sự cạnh tranh nguồn nhân lực thiếu lành mạnh hiện nay.
Ra đời tháng 9/2006, ĐH FPT là ngôi trường tư thục đầu tiên do doanh nghiệp đứng ra thành lập. Theo thống kê, 98% sinh viên của trường có việc làm sau 12 tháng tốt nghiệp; trong đó 31% làm việc cho tập đoàn FPT, 4,5% khởi nghiệp, 15% làm việc tại nước ngoài hoặc doanh nghiệp nước ngoài. Tại Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đạo tạo đã ban hành Quyết định số 657/QĐ – BGDĐT ngày 1/3/2016 phê duyệt chủ trương cho phép thành lập Phân hiệu Trường ĐH FPT tại TP Đà Nẵng. Trường chính thức tuyển sinh và đào tạo từ năm 2017.
Năm 2016, FPT Software đã cán đích 10.000 CBNV. Sau 17 năm phát triển, đơn vị đã có 23 văn phòng tại 14 quốc gia trên toàn cầu. Trong đó Hàn Quốc là văn phòng mới nhất chính thức đi vào hoạt động vào tháng 11/2016. Tại Nhật Bản mới đây FPT cũng đã cán mốc doanh thu 100 triệu USD (tương đương hơn 2.200 tỷ đồng). Với kỷ lục doanh thu này, FPT Nhật Bản hiện là công ty dịch vụ CNTT Việt Nam lớn nhất tại Nhật Bản, đồng thời tiệm cận Top 50 công ty cung cấp dịch vụ CNTT lớn nhất tại Nhật Bản, bao gồm các công ty tên tuổi như Fujitsoft, DTS, Systena…
Riêng FPT Software Đà Nẵng không ngừng phát triển, đưa đơn vị trở thành điểm đến hấp dẫn về xuất khẩu phần mềm. Hiện có trên 30 công ty lớn trên thế giới đã chọn FPT Software Đà Nẵng để ủy thác dịch vụ phần mềm, trong đó phần lớn là các đối tác Nhật Bản. Trong 3 năm gần đây, mảng xuất khẩu phần mềm của FPT Đà Nẵng luôn đạt con số tăng trưởng trung bình 50-60% mỗi năm, đội ngũ kỹ sư CNTT cũng tăng lên nhanh chóng, từ khoảng 400 người trong năm 2011 lên gần 2.000 người năm 2016. Nhiều dự án trị giá hàng triệu USD với các đối tác lớn trên thế giới được triển khai tại FPT Đà Nẵng, đặc biệt là các dự án theo xu hướng công nghệ mới điện toán đám mây.
Cuối tháng 4 vừa qua, đơn vị đã khánh thành công trình FPT Complex, tọa lạc ở quận Ngũ Hành Sơn, dự án giai đoạn một đáp ứng nơi làm việc cho 3.200 người và hoàn thiện vào năm 2020 với sức chứa 10.000 người. Để đáp ứng mục tiêu 10.000 người và 300 triệu USD doanh thu vào năm 2020, trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2020, FPT Software Đà Nẵng cần tuyển trung bình từ 800 đến 2.000 người mỗi năm.
Theo Chungta.vn
Exit mobile version