Trường Đại học FPT

Gặp gỡ Giáo làng IT, người bạn đặc biệt của Sinh viên ĐH FPT

Giáo-làng là cái tên quen thuộc của thầy Nguyễn Thế Hoàng, một giảng viên chuyên ngành IT của đại học FPT nhưng lại mang trong mình chất nghệ sĩ của “một kẻ lãng đãng làm thơ”, một người bạn đặc biệt của Sinh viên Đại học FPT miền đất phương Nam.

Giáo-làng là cái tên quen thuộc của thầy Nguyễn Thế Hoàng
Giáo-làng là cái tên quen thuộc của thầy Nguyễn Thế Hoàng

“Đã mang sẵn lửa ở trong tim” – Nhật kí trường làng

“Ta là giáo-làng, một thầy giáo dạy ở trường làng và kể chuyện bằng thơ. Ta là người đồng hành trẻ trâu cùng tụi nhỏ”. Trót “nên duyên nặng nợ” với nghề giáo bởi tâm nguyện trở thành người đồng hành, kẻ chia sẻ những bài học đường đời mình trải qua cùng học trò, giáo-làng Nguyễn Thế Hoàng, giảng viên chuyên ngành IT của Đại học FPT ưu tiên định hướng tuổi trẻ cho “tụi nhỏ” chặng đường đẹp nhất mà kẻ đi trước đang sở hữu.

Sống trọn từng khoảnh khắc của cuộc đời, ở tuổi tứ tuần nhưng giáo-làng Nguyễn Thế Hoàng vẫn luôn giữ trong mình nhiệt huyết của thời “trẻ trâu”. Cuộc sống với thầy là luôn phải máu lửa, là luôn phải tiến lên bởi không tiến xem như là mình đang lùi. Có một câu chuyện cười mà thầy vẫn thường tếu táo với SV mang trong đấy sức mạnh truyền lửa mà bất cứ SV nào học thầy cũng đều đã từng nghe qua: “Khi mà có ai đó hỏi ta: Anh có hộp quẹt không? Lúc đấy ta phanh áo vỗ ngực: Đã mang sẵn lửa ở trong tim. Cho nên chớ hỏi quẹt diêm làm gì”. Người thầy cười vui kể lại. Thế mới thấy, người giáo-làng đã mang sẵn lửa trong tim.

Bởi thế, giữ nhiệt huyết với nghề, ấm ủ tình yêu với “tụi nhỏ”, những tiết học của thầy luôn để tiếp cận sinh viên theo cách học mà chơi. Cách dạy của thầy là lúc tếu táo hóm hỉnh nhưng đôi khi cũng cần thiết quân luật cho SV một nền nếp nhất định. Khẳng định rằng sẽ đi cùng SV trong vai trò là bạn đồng hành đó chính là cách giáo Hoàng trở thành người bạn cho SV “kề vai bá cổ” giữa hành lang lớp học.

Học trò FPTU nhắc tới thầy trong câu nói: “Em sai rồi, thầy xin lỗi em đi!”. Logic giáo-làng đặt ra trong câu nói hóm hỉnh ấy lại là ở chỗ giáo-làng đặt trọn cái tâm của mình trong từng bài giảng, SV hiểu sai lại quay lại là lỗi của thầy. Giáo làng luôn quan sát biểu hiện của SV để nắm bắt và điều chỉnh bài giảng để một tiết học chất lượng và có ý nghĩa nhất.

Giáo làng IT, Kẻ lãng đãng thi quán luôn giữa lửa trong tim

Giáo-làng còn quan tâm tới việc lựa chọn ngành của SV, luôn tìm ra ở SV những tố chất để đưa ra định hướng chuyển ngành nếu cần. Đã từng lưu truyền trong Ao làng FU HCM chuyện dở khóc dở cười, giáo-làng có một buổi dạy học trò trốn học làm giáo hờn tới khóc, thế mà giáo-làng vẫn livestream để “tụi nhỏ” không bị mất bài.

Gọi mình là người đồng hành nên giáo-làng không từng cho rằng mình đang “dạy” bất kì ai. Gắn bó với nghề giáo nhưng đó lại là một cuộc chơi đặc biệt đối với giáo Hoàng mà ở đấy thầy lang thang bất kì đâu để đọc được “vị” của SV để có thể chơi được với “bọn trẻ trâu” ấy. Thầy là gương mặt vẫn luôn xuất hiện trong những sự kiện lớn bé của các CLB hay của trường, nhưng điều đặc biệt lại ở chỗ thầy chỉ chọn tư cách khán giả vỗ tay ủng hộ những tâm huyết của học trò.

Thầy luôn mong muốn học trò của mình phát huy tuyệt đối ở môi trường FPTU năng động với vàquốc tế.  Thầy luôn “lùa” SV xuống những sự kiện tiếp cận nhà tuyển dụng, hỗ trợ sinh viên chỉnh sửa CV và truyền năng lượng “sống chất” cho SV. Thầy mong muốn truyền thụ kiến thức tới những người bạn của mình thông qua ba cuốn giáo trình chuyên ngành IT online cùng với cuốn sách chỉ sẽ kĩ năng mềm-tập hợp những bài “chửi” mà SV ai cũng đều “ghiền”.

Hành trình đồng hành của thầy với SV mang dáng dấp của cuộc tái ngộ của tình yêu nghề và tình yêu trẻ nơi thầy. Cuộc tái ngộ ấy giữ vẹn nguyên ngọn lửa đam mê để rồi lan tỏa sức ấm nóng từ trái tim mình tới trái tim bao thế hệ FPTU.

Cà kê “thi quán”, “bà tám” với SV

Giáo-làng có thói cà kê bà tám như một chiêu bài để không ai có thể thoát khỏi ma lực hấp dẫn từ thầy. Là thầy giáo bộ môn CNTT nhưng lại sở hữu “Nhật kí thi quán” với chuỗi thơ kể chuyện thường ngày nhâm nhi đầy thú vị. Tâm sự về thú vui này thầy hóm hỉnh biện hộ rằng: “Tôi chơi thơ vì nó rẻ, nó không có tốn kém chi phí. Tôi chẳng nhận là thi sĩ, chỉ là người kể chuyện bằng thơ, lan toả tình yêu cuộc sống cũng như cách tôi giữ bình quân trong cuộc sống bộn bề”.

Thầy Giáo làng sở hữu “Nhật kí thi quán” với chuỗi thơ kể chuyện thường ngày nhâm nhi đầy thú vị.

Là một “tay ham chơi” và ưa “bà tám” với học trò, giáo-làng làm thân cùng học trò của mình như một người bạn tâm lí. Giáo-làng bắt cảm xúc từ dòng trạng thái trên facebook của học trò rồi kể lại câu chuyện bằng thơ của mình như một món quà dành tặng cô học trò nhỏ. Giáo-làng thích cà kê khắp hành lang vào giờ ra chơi đến gần từng học trò tếu táo mà lắng nghe cô cậu học trò tâm sự, rồi bỗng chốc trở thành “quân sư tình yêu” cho bạn nhỏ non nớt. Giáo-làng có thể dành hàng giờ để lắng nghe từng vấn đề nhỏ nhặt nhất của học trò, hòa nhập vào với cuộc sống tuổi teen, hiểu ngôn ngữ “trẻ trâu” để có thể chơi với “tụi nhỏ”. Những bài quiz là ác mộng của SV cũng được thầy để password sắp xếp như thêm một câu chuyện giáo làng muốn khẳng định khả năng “bà tám” đáng yêu của mình.

Kẻ lãng đãng giữa cuộc sống bình dân

Máu lửa, nhiệt huyết và tràn đầy năng lượng cho công việc nhưng giáo-làng luôn giữ cho mình một nếp sống đơn giản của kẻ bình dân. Giáo-làng biến cuộc sống của mình thành lăng kính nhẹ nhàng, bình yên để mình được chìm đắm trong không gian riêng ngắm nhành hoa trước ngõ. Tâm niệm của giáo-làng không phải là kẻ nô lệ của vật chất mà phải là những làm chủ được tâm hồn. Lí tưởng của giáo-làng là làm giàu được trí tuệ, sống sao cho phóng khoáng, sao cho thấu hiểu, và giữ trọn niềm tin với cuộc đời.

Câu chuyện thầy giáo IT lạc lối vào giấc mông thơ cùng tình yêu người trẻ đã làm học trò FPTU trót yêu, trót thương người bạn đồng hành ấy. Tâm thế của kẽ lãng đãng chất ngất mối tâm tư đậm sâu về tuổi học trò vô giá đã giữ thầy mãi ở lại với tuổi trẻ, với nhiệt huyết hừng hực từ trái tim và trong câu chuyện đáng yêu của bao học trò FPTU.

Cocdoc

Exit mobile version