Trường Đại học FPT

Gây dựng “quỹ đen” từ hoa tay

Mới là sinh viên năm 3 nhưng trước đó, cô nàng Ngô Thị Thu Hà (Ngành Thiết kế đồ Hoạ) đã gây dựng cho mình được 1 khoản kha khá thu nhập từ chính môn học của mình. Khoản “quỹ riêng” này lại được cô đầu tư ngược trở lại để theo đuổi đam mê.

Cùng lắng nghe chia sẻ của cô nàng Ngô Thị Thu Hà sinh viên năm 3 về ngành có “máu nghệ sĩ” nhất trường:

1 từ thôi – “Ổn”

Hiện tại mình cảm thấy ổn với sự lựa chọn của mình. Môi trường học quá gần gũi với thiên nhiên luôn. Thêm vào đó, trường mình còn tạo điều kiện cho sinh viên có thể phát triển toàn diện thông qua các hoạt động ở trường. Trên lớp thì thầy cô trường mình dạy rất nhiệt tình, có vấn đề gì về bài học thì có thể hỏi luôn và đôi lúc còn đùa vui với sinh viên nữa.

Ngô Hà cùng các thành viên trong lớp.

TKĐH học những gì?

Trường Đại học FPT đang định hướng phát triển giảng dạy theo 2 hướng là Thiết kế Website và Hoạt hình ( 2D và 3D). Các môn học khi lên chuyên ngành thì nhiều lắm nên khó mà kể ra đây hết được. Về phần mềm chỉnh sửa ảnh ở kì đầu tiên mình được học phần mềm Photoshop do cô Nam dạy; After EffectMaya làm video…

Đây là bức tranh vẽ để test thử chức năng tạo hiệu ứng mặt nước của Photoshop.

Với các môn đã học cho đến thời điểm hiện tại thì với cá nhân Hà cảm thấy môn Lịch sử mỹ thuật là khó nhất vì từ trước đến giờ mình không giỏi trong việc ghi nhớ nhiều kiến thức một lúc cho lắm, với lại kiến thức lịch sử rất rộng, chưa kể đến việc ghi nhớ tên nhiều tác phẩm của các tác giả trên thế giới, đặc trưng trong phong cách mỹ thuật của các thời đại,… Nhưng nhờ được cô Yến dạy, cách dạy của cô làm kiến thức đi vào đầu của chúng mình rất tự nhiên nên là việc ôn tập để vượt qua môn này cũng không quá khó cho lắm.

Còn môn yêu thích nhất là Thiết kế nhân vật hoạt hình vì đấy là môn học mà mình được thỏa sức mà sáng tạo: sáng tạo một câu chuyện của riêng mình, sáng tạo một bối cảnh câu chuyện, sáng tạo trang phục và cả hình dáng, tính cách nhân vật trong câu chuyện của mình. Lúc học môn này Hà cảm thấy như đang ở trong thế giới của riêng mình vậy.

Gây dựng “quỹ đen”

Trước mình có làm cộng tác ở một shop những do lịch học nên mình đã nghỉ. Giờ có ai đặt thiết kế hay vẽ tranh thì làm, vậy nên mình có một khoản “quỹ đen” mà bố mẹ không biết. Mỗi tháng chăm chỉ vẽ vẽ, tô tô số tiền bỏ quỹ cũng ngang ngửa số tiền sinh hoạt bố mẹ cho. “Quỹ đen” này chủ yếu tích lại để mua dụng cụ vẽ vì Hà có sở thích sưu tầm artbook và màu vẽ.

Kinh nghiệm học TKĐH

Với những bạn đã chọn ngành TKĐH của trường Đại học FPT thì các bạn nên để tâm chút đến những môn cơ bản trước khi vào chuyên ngành hẹp vì đấy sẽ là tiền đề để mình có thể phát triển hay sáng tạo ở những môn chuyên ngành.

Lúc làm bài tập thì cố gắng làm hết sức mình vì đấy có thể sẽ là những tác phẩm mà các em đưa vào Portfolio để tìm việc sau này.

Học ở trường nào cũng vậy, học là cả một quá trình, trên lớp chỉ là những điều cơ bản mà thầy cô có thể giảng dạy trong vốn thời gian mấy slot ít ỏi, điều quan trọng là việc các em tìm hiểu học thêm ở ngoài và trên mạng.

Cùng ngắm nhìn 1 số tác phẩm của Ngô Thị Thu Hà:

Tác phẩm “Cá đỏ” được vẽ bằng màu nước. Là bài tập màu nước mà thầy giao cho lớp vẽ với chủ đề là “Động vật”. Vì biệt danh của Hà là Cá đỏ nên là chọn vẽ chú cá này.
Tác phẩm được vẽ trên Paint tool Sai – fanart một game lúc đó Hà chơi.
Tác phẩm này mình thử dùng 3 màu đen, xám, trắng như trong truyện tranh để vẽ fanart một phim hoạt hình.
Đây là bản sketch nhanh và bản lên màu tranh fanart nhân vật Yuri trong phim hoạt hình.
Bức tranh được vẽ lúc test thử brush mới trên PhotoShop.
Tác phẩm “Bad effects of technology” là kết quả của bài tập môn Nguyên lí thị giác mà thầy Trường dạy: Cắt dán hình ảnh từ các tạp chí khác nhau để tạo thành một bức tranh có ý nghĩa.
Đây là ảnh chụp lại quá trình làm chuyển động và đặt camera cho đoạn video của Hà trong môn Maya. Project của môn 3D là chọn một video hoạt hình mà mình thích để cover, tối thiểu là 20s. Nhân vật này hơi “khó nhằn” chút vì biểu cảm của nhân vật thay đổi liên tục. Mình thấy quá trình gặp khó khăn nhất là lúc gắn xương và bind skin cho nhân vật có thể chuyển động vì lúc này là thời điểm quan trọng để quyết định xem nhân vật có chuyển động tốt hay không và cũng là giai đoạn gặp nhiều lỗi nhất.

Ngô Thị Thu Hà

SV năm 3, ngành Thiết kế đồ Hoạ

Exit mobile version