5 sinh viên Trường Đại học FPT khởi xướng dự án “Đến Trạm Nghe Chạm” để giúp các bạn trẻ lắng nghe, chia sẻ, kết nối với chính mình và mọi người giữa áp lực từ việc học, cuộc sống và mạng xã hội.
Mong muốn sinh viên hiểu đúng về “sức khỏe tâm thần”
Dự án được thực hiện từ tháng 1 đến tháng 4/2025 bởi nhóm sinh viên thuộc chuyên ngành Truyền thông đa phương tiện, Trường Đại học FPT, gồm: Huỳnh Thị Hồng Minh (K16), Phạm Minh Hoàng Phú (K16), Phan Minh Khang Anh (K17), Nguyễn Thị Minh Anh (K17) và Phạm Thị Bảo Trân (K17). Họ là những người trẻ đều có trăn trở về thực trạng sức khỏe tâm thần trong cộng đồng sinh viên, đặc biệt là Gen Z – thế hệ lớn lên cùng mạng xã hội và chịu ảnh hưởng từ những chuẩn mực xã hội vô hình.

Do đó, nhóm quyết định triển khai đồ án tốt nghiệp thực hiện chiến dịch “Đến Trạm Nghe Chạm” với mong muốn tạo ra một không gian thực sự an toàn cho sinh viên. “Chúng mình hiểu rằng việc so sánh bản thân, áp lực học tập và kỳ vọng xã hội khiến nhiều bạn trẻ gặp căng thẳng tâm lý nhưng chưa thực sự biết cách nhận diện và chăm sóc sức khỏe tinh thần. Do đó, dự án hướng đến việc giúp sinh viên hiểu rõ hơn về sức khỏe tâm thần, tăng sự cởi mở khi nói về vấn đề này, có thêm nhiều góc nhìn để chăm sóc bản thân và kết nối tốt hơn với những người xung quanh”, đại diện nhóm chia sẻ.
Bên cạnh đó, dự án cũng hướng đến việc làm rõ khái niệm “sức khỏe tâm thần” hay “sức khỏe tinh thần” không chỉ đơn thuần là những cảm xúc nhất thời, mà còn là sự cân bằng và khả năng thích ứng trước áp lực cuộc sống. Việc sử dụng thuật ngữ này giúp sinh viên hiểu đúng bản chất, từ đó chủ động chăm sóc bản thân như cách họ quan tâm đến sức khỏe thể chất mỗi ngày.
Trải nghiệm từng trạm, lắng nghe chuyên gia tư vấn
Khi tổ chức workshop (hội thảo chuyên đề) mời các bạn sinh viên đến tham dự, nhóm dự án đã thiết kế chương trình như một hành trình trải nghiệm gồm nhiều trạm thông qua gamification (trò chơi hóa), giúp sinh viên tiếp cận vấn đề sức khỏe tâm thần theo cách trực quan và thực tế.
Tại “Trạm Hiểu”, người tham gia sẽ tiếp cận kiến thức về sức khỏe tâm thần qua bảng lật thông tin và kiểm tra sự hiểu biết của mình bằng các thử thách nhỏ. “Trạm Nói” là không gian an toàn để mọi người chia sẻ cảm xúc và lắng nghe nhau. “Trạm Làm” mang đến cơ hội thể hiện cá tính và giải tỏa cảm xúc thông qua các hoạt động sáng tạo. Cuối cùng, “Trạm Kỷ Niệm” giúp lưu giữ những khoảnh khắc đáng nhớ và kết nối hành trình của từng người tham gia. 4 trạm nối tiếp không chỉ giúp nâng cao nhận thức mà còn tạo điều kiện để sinh viên thực sự “chạm” vào cảm xúc của chính mình theo cách tự nhiên nhất.
Cùng với đó, dự án còn mang đến chương trình talkshow giúp sinh viên có cơ hội lắng nghe những chia sẻ hữu ích từ ThS.BS Trần Thiện Thắng và BSCKI Nguyễn Minh Thùy Châu. Hai vị chuyên gia về tâm lý lần lượt đề cập các nội dung về sức khỏe tâm thần, sự khác biệt giữa vấn đề tâm lý và bệnh lý, các yếu tố tác động đến sức khỏe tinh thần, cũng như cách nhận diện và xử lý những tác động tiêu cực của tình trạng này. Với khả năng truyền tải thông tin một cách gần gũi, dễ hiểu, các diễn giả đã giúp sinh viên dễ dàng tiếp cận những khía cạnh quan trọng của sức khỏe tâm thần.
Đặc biệt, phần hỏi đáp giữa sinh viên và chuyên gia đã ghi nhận nhiều sự quan tâm về các chủ đề như trầm cảm, hội chứng sợ bỏ lỡ (FOMO) và rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD). Đây đều là những vấn đề phổ biến mà giới trẻ ngày nay phải đối mặt, khiến buổi talkshow vừa mang tính chuyên môn, vừa có ý nghĩa thiết thực đối với sinh viên.
“Một bạn trẻ chia sẻ rằng bạn đang mang nhiều “mặt nạ”, mỗi khi ở những nhóm khác nhau lại “biến đổi” để phù hợp với họ. Dần dần, bạn quên mất bản thân thực sự là ai và không biết làm sao để thoát khỏi vòng lặp đó. Câu chuyện này đã phản ánh những thách thức của nhiều bạn trẻ trong việc tìm kiếm bản sắc cá nhân, cho thấy nỗi khó khăn khi đối diện những cảm xúc phức tạp. Đó là lý do “Đến Trạm Nghe Chạm” được thực hiện, nơi mọi người có thể tháo bỏ chiếc mặt nạ, lắng nghe chính mình và tìm thấy sự kết nối chân thật”, đại diện dự án cho biết.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, dự án “Đến Trạm Nghe Chạm” đã trở thành điểm dừng chân đầy ý nghĩa, giúp mỗi bạn trẻ học cách lắng nghe cảm xúc cá nhân, tìm ra con đường dung hòa giữa thế giới bên ngoài và nội tâm, biết chăm sóc, trân trọng chính mình trong cuộc sống hiện đại nhiều áp lực.
Bích Hiền