Trường Đại học FPT

Giảng viên công nghệ truyền thông mong muốn sinh viên được nhiều doanh nghiệp chào đón

Ứng dụng nhiều phương thức giảng dạy sáng tạo và gắn liền với thực tiễn, chị Lý Ngọc Thiên Kim, giảng viên Trường Đại học (ĐH) FPT phân hiệu Cần Thơ mong muốn sinh viên có thể thạo việc và được doanh nghiệp rộng cửa chào đón.

Giảng viên Lý Ngọc Thiên Kim hiện giảng dạy chuyên ngành Truyền thông đa phương tiện – Bộ môn Quản trị kinh doanh Trường ĐH FPT phân hiệu Cần Thơ. Gắn bó với trường từ năm 2022, chị đánh giá cao chương trình đào tạo liên tục được cập nhật để đảm bảo cho sinh viên có kiến thức nền tảng vững vàng về truyền thông đa phương tiện, marketing kỹ thuật số, sản xuất nội dung.

Nữ giảng viên đánh giá cao sự năng động, sáng tạo của sinh viên.

Theo chị Kim, sinh viên theo học ngành Công nghệ truyền thông cần sẵn sàng tạo lập và duy trì thói quen tự học, kỷ luật và chọn lọc thông tin bởi đây là lĩnh vực vận động với tốc độ chóng mặt. Không chỉ sinh viên, giảng viên cũng không ngừng cập nhật kiến thức mới, xu hướng mới để đáp ứng nhu cầu thị trường và cung cấp kiến thức cho sinh viên.

Tại Trường ĐH FPT, các bạn tự tay thực hiện nhiều dự án thực tế để tăng va chạm với nghề và hiểu được những lý thuyết trên lớp dễ dàng hơn. Tất nhiên, vẫn còn một số bạn cần trải nghiệm thêm để định vị được bản thân, sẵn sàng bước ra khỏi vùng an toàn.

“Điều này có lẽ liên quan nhiều về mặt tâm lý nên chúng tôi cũng đang nỗ lực tổ chức những buổi workshop, talkshow với nội dung đa lĩnh vực liên quan đến nghề, để truyền thêm động lực cũng như thúc đẩy các bạn phát triển bản thân và vươn mình ra biển lớn”, nữ giảng viên nói.

Chị Kim đều đặn xây dựng các buổi workshop thực chiến về quay dựng video, sáng tạo kịch bản, tổ chức sản xuất… và talkshow về cá nhân cho sinh viên trong ngành.

Mong muốn sinh viên trở thành sự khát khao của nhiều doanh nghiệp

Theo chị Kim, sinh viên có kho kiến thức rất lớn từ sách vở, học liệu tại thư viện trường hoặc tham gia các khóa học uy tín có chứng chỉ quốc tế. Nhưng để hiểu kiến thức hàn lâm mà không va chạm chân thực thì rất khó. Vì vậy, nữ giảng viên đã kéo gần khoảng cách giữa lý thuyết và ứng dụng của sinh viên Trường ĐH FPT qua các dự án thực tế.

“Tôi trông đợi rằng khi ra trường, các bạn sẽ nói được, làm được và trở thành sự khát khao của nhiều doanh nghiệp”.

Để trở thành một nhân tố tiềm năng trong nghề thì sinh viên phải nghiêm túc trau dồi bản thân.

Điều may mắn là các nhà tài trợ trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật đã đồng hành cùng chị Kim và sinh viên Trường ĐH FPT, hỗ trợ về chuyên môn và tài chính để các bạn có thêm kiến thức chuyên môn và cơ sở tài chính để mở rộng các dự án.

Có thể kể đến như dự án phim ngắn cộng đồng như “Thoi vàng chỉ ngọc” – tìm hiểu về làng nghề Dệt Choàng, Long Khánh A, Đồng Tháp của nhóm sinh viên K17. Không chỉ làm tạo ra sản phẩm ấn tượng, các bạn còn có cơ hội tìm hiểu về văn hóa quê hương và mang đến gần hơn tới công chúng.

“Bên cạnh đó, những dự án về tâm lý học đường, môi trường, thiện nguyện mà tôi đồng hành cùng sinh viên công nghệ truyền thông cũng mang lại nhiều giá trị cộng đồng và được thầy cô, các bạn sinh viên trong và ngoài trường đón nhận”, chị Kim cho hay.

Sinh viên được rèn thêm kỹ năng đàm phán, thuyết phục nhà tài trợ trong những buổi pitching (thuyết trình).

Trong vai trò là một giảng viên, chị Kim cũng đặt tham vọng kiến tạo một lớp thế hệ trẻ cho ngành Công nghệ truyền thông có thể bao quát được tất cả những kỹ năng cần thiết và sẵn sàng liên kết với các doanh nghiệp để ký kết những hợp đồng giá trị. Với nỗ lực của nhà trường và sự ham học, năng động của sinh viên, nữ giảng viên tin tưởng điều này sẽ sớm thành hiện thực trong thời gian tới.

Theo Dân trí

Exit mobile version