Site icon Trường Đại học FPT

HÀNH TRÌNH TỚI GOOGLE CỦA CHÀNG CỰU SINH VIÊN ĐẠI HỌC FPT

Từng là gương mặt siêu hot trong dàn sinh viên tài năng của ĐH FPT với biệt danh Thịnh “Nổ”, Hồ Vĩnh Thịnh – cựu sinh viên ngành Kỹ thuật phần mềm giờ đây lại khiến bạn bè nể phục khi có mặt trong “đại bản doanh” Google, song song với việc nhận học bổng 100% cho chương trình học Thạc sĩ tại Đức

Bảng thành tích ấn tượng

Thịnh gây ấn tượng với mọi người ở vẻ ngoài thư sinh, hiền lành, đấy là chưa kể tới cái biệt danh “Thịnh Nổ” nổi như cồn 1 thời mà bạn bè đặt cho chỉ vì cậu thường là tâm điểm trong các câu chuyện phiếm. Tuy nhiên thứ khiến người khác phải nể phục xen lẫn sự gen tị chính là bảng thành tích ấn tượng của chàng trai yêu CNTT này.

Liên tiếp các giải thưởng tin học xướng tên cậu như: Giải Ba HAOI (Olympic Tin học mở rộng dành cho các khối chuyên) năm 2008; Giải Nhì Tin học TP Hà Nội hai năm 2008, 2009; Giải Nhì Olympic tin học quốc gia 2010.

Với cuộc thi siêu cúp tin học, Thịnh khiến nhiều đối thủ nể phục với mưa thành tích: Cúp vàng năm 2014; Cúp đồng năm 2013; Cúp bạc các năm 2010, 2011.

Tại cuộc thi lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC, Thịnh và đồng đội cũng liên tiếp gặt hái những thành công: đạt giải nhất quy mô toàn quốc các năm 2011- 2014; năm 2013 đạt giải nhì khu vực châu Á; năm 2014, Thịnh và đồng đội có mặt tại vòng chung kết thế giới được tổ chức tại Yekaterinburg, Nga.

Thịnh cho biết, những giải thưởng này được đánh giá rất cao bởi các nhà tuyển dụng. Đặc biệt là ACM, đây là một chứng chỉ có giá trị rất lớn khi nộp hồ sơ vào các công ty công nghệ. “Việc CV có đề cập tới ACM đã giúp mình rất nhanh vượt qua vòng lọc hồ sơ ứng viên tại Google”.

Chìa khoá thành công

Theo Thịnh, bí quyết để nhận được giải thưởng cao chính là “Có đam mê là có thành công”. Đam mê theo Thịnh chính là chìa khoá vạn năng.

Thịnh chia sẻ đã từng thất bại trong cuộc thi học sinh giỏi lớp 11. Những tưởng chìa khoá mang tên Đam Mê bị đánh rơi đâu đó, hoặc đã trở nên vô dụng nhưng nó đã được những bàn tay đặc biệt mài dũa thêm. Đó là những kiến thức, những bài học, nhưng lần mài rũa công phu tới từ các thầy cô, bạn bè ở mái trường ĐH FPT, và chính cả những đối thủ của cậu trong các cuộc thi nữa. Tất cả hỗ trợ đắc lực cho cố gắng của bản thân. Thịnh nghiệm ra một điều “Con đường đến tới thành công không trải hoa hồng, mà là những trông gai, đôi khi là cả những vấp ngã, nhưng đừng bao giờ đánh mất đam mê vì quả ngọt sẽ khiến bạn ngất ngây khi chạm tới!”

Giảng đường đại học – bệ phóng ước mơ

Đối với Hồ Viết Thịnh “Khoảng thời gian học tập tại Đại học FPT là khoảng thời gian đẹp nhất. Nó đã để lại cho mình rất nhiều kỷ niệm khó quên. “Nhớ những buổi nghiên cứu, trao đổi, tranh luận cùng nhóm bạn ở thư viện, nhớ những trận thi đấu tranh tài đến nghẹt thở, nhớ thầy Phan Duy Hùng hướng dẫn đồ án; nhớ cả những buổi chiều Hoà Lạc mê hoặc lòng người khiến những kẻ khô khan như mình còn cảm động. Và khi ra trường rồi, điều mà mình thấy đáng quý nhất có lẽ là tình bạn, là tình thầy trò. Chính sự hòa đồng thân thiện giữa thầy và trò giúp cho việc học trở nên hiệu quả hơn”.

Không những thế Thịnh còn ấn tượng về phương pháp dạy học ở ĐH FPT. “Phương pháp dạy học không chỉ lý thuyết mà còn được thực hành rất nhiều, giúp mình dễ dàng thu nhận kiến thức mới. Hơn nữa, chương trình học bằng tiếng anh ở ĐH FPT là một trong những tiền đề giúp mình không bị bỡ ngỡ khi học và làm việc trong môi trường quốc tế như hiện nay.”

Thịnh bật mí, nếu bạn học tiếng anh chưa được tốt thì nên tham gia vào CLB tiếng anh của trường, nó sẽ giúp bạn tăng thêm vốn ngoại ngữ và rèn luyện kỹ năng mềm. Và những hoạt động của CLB sẽ giúp bạn tự tin hơn khi giao tiếp và thuyết trình bằng tiếng anh. Việc học vì thế mà cũng trở nên dễ dàng hơn”. Chính ĐH FPT đã trở thành bệ phóng cho ước mơ bay vào tương lai của chàng trai trẻ.

Khai phá vùng đất mới

Sau khi tốt nghiệp tại Đại học FPT, Thịnh lại lên kế hoạch săn học bổng cao học tại nước ngoài. Đáp lại sự nỗ lực không ngừng, chí quyết tâm, trường ĐH Saarland của Đức đã mời cậu vào học ngành Khoa học máy tính với mức học bổng 100%. Không những thế, “Thịnh Nổ” còn là thành viên của trường nghiên cứu quốc tế về khoa học máy tính Max Planck trực thuộc hiệp hội Max Planck vì sự Phát triển Khoa học của Đức.

Chưa dừng lại ở đấy, Thịnh lại quyết định apply vào Google và đã thành công.  “Xuất thân từ ngành Kỹ thuật phần mềm, mình vẫn luôn thích được làm phần mềm. Vì vậy trước khi bắt đầu việc học tiến sĩ, mình đã quyết định ứng tuyển vào Google làm việc trong 1 khoảng thời gian để học hỏi kinh nghiệm, xem các công ty lớn họ làm việc như thế nào. Hơn nữa Google là 1 “big name” trong CV sẽ mang lại nhiều lợi thế lớn sau này” Thịnh hào hứng.

Hiện tại Thịnh Nổ đang làm trong team Youtube. Cậu bật mí: “Môi trường làm việc ở Google cực kì văn mình, thoải mái, hầu như nhân viên không hề bị kiểm soát về mặt thời gian, quan trọng là hoàn thành công việc đúng deadline và chất lượng. Một điều nữa đó là môi trường làm việc chuyên nghiệp, chuẩn quốc tế. Nhân viên của Google đến từ nhiều nước trên thế giới, lại là những người cực giỏi nên mình có nhiều cơ hội giao lưu học tập với nhiều nền văn hóa.”

Với những ai “lỡ yêu” CNTT, mong muốn được làm việc ở những công ty, doanh nghiệp lớn, Thịnh góp ý “cần trau dồi, nắm chắc kỹ năng về chuyên ngành: khả năng thiết kế kiến trúc phần mềm, viết mã nguồn phần mềm, khả năng về thuật toán, khả năng học nhanh các công nghệ mới, kỹ năng về đồ họa, kỹ năng viết tài liệu, … Song song với đó là cần trang bị cho mình những kỹ năng mềm cần thiết: khả năng thuyết trình, team work, quản lý thời gian, khả năng chịu áp lực, giải quyết stress …”.

Thịnh tiết lộ, Google có chế độ đãi ngộ khá tốt, nhân viên sẽ được phục vụ các bữa chính trong ngày, ngoài ra còn có các “micro kitchen” để nhân viên có thể tìm ăn các đồ ăn vặt như bánh kẹo, nước ngọt, … Tại đây còn có phòng âm nhạc, phòng games, phòng massage, phòng ngủ… khiến cho chàng trai trẻ cảm thấy ở công ty còn thích hơn ở nhà.

Thịnh Nổ cũng tâm sự “Tuổi trẻ tính bằng những bước chân và cơ hội. Trong vòng 5 – 6 năm nữa mình sẽ cố gắng trải nghiệm thật nhiều cuộc sống, làm việc ở nước ngoài trước khi về nước”.

 Dân trí

 

Exit mobile version