Trường Đại học FPT

Hành trình trở thành kỹ sư AI tại trời Âu của chàng trai Việt

Phạm Nguyễn Hoàng Dũng, 27 tuổi cho biết, trải nghiệm hữu ích thời đại học đã tạo bước đệm giúp anh trở thành kỹ sư học máy và dữ liệu tại Ericsson Phần Lan.

Hoàng Dũng là cựu sinh viên Trường ĐH FPT. Tốt nghiệp đại học, Dũng sang châu Âu học thạc sĩ và hoàn thành chương trình kép về Khoa học dữ liệu và I&E (Đổi mới và Khởi nghiệp) của EIT Digital Master School. Ra trường, nam sinh nhận được lời mời làm việc tại Ericsson.

Tại đây, Dũng là chuyên viên AI về học máy và dữ liệu cho hệ thống các sản phẩm viễn thông toàn cầu. Anh thường xuyên tham gia những dự án lớn với các khách hàng trên khắp thế giới.

Hoàng Dũng (ngồi bên trái) chụp ảnh cùng đồng nghiệp quốc tế. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo Hoàng Dũng, AI là một lĩnh vực mới nên có nhiều không gian cạnh tranh, nhiều cơ hội song cũng đi kèm áp lực phải cập nhật kiến thức mới. Do vậy, ngoài làm việc trên công ty, chàng trai 9x dành nhiều thời gian để học và đọc thêm các kiến thức phụ trợ công việc.

Quan tâm đặc biệt tới việc phát triển xã hội, Hoàng Dũng cho biết: “Mong muốn hiện tại của tôi là dùng chuyên môn khoa học dữ liệu để hỏi đúng những câu hỏi đang đặt ra trong cuộc sống và giải quyết đúng những điều đó”.

Ngoài phát triển sự nghiệp, việc học tập và làm việc gần 3 năm tại châu Âu cho Hoàng Dũng cơ hội khám phá sự thú vị của “lục địa già” thông qua những chuyến du lịch cùng bạn bè. Anh cũng tham gia các buổi giao lưu tại Đại sứ quán và các hoạt động thú vị của cộng đồng người Việt tại Phần Lan.

Hoàng Dũng tham dự một sự kiện của Đại sứ quán Việt Nam tại Phần Lan

Cựu sinh viên Đại học FPT khẳng định, so với các ngành khác, cơ hội du học và làm việc tại nước ngoài của các nhóm ngành STEM khá lớn. Lý do vì ở thời điểm hiện tại, hầu hết tập đoàn hay tổ chức lớn trên thế giới đều thiếu nhân lực chất lượng cao trong nhóm ngành này. Do vậy, đây là một mảnh đất màu mỡ để trí tuệ Việt vươn tầm quốc tế.

Lời khuyên của Hoàng Dũng cho những bạn có định hướng phát triển sự nghiệp trong ngành công nghệ thông tin tại nước ngoài là chăm chút các thành tích học tập và giải thưởng trong các cuộc thi chuyên ngành. Những yếu tố sẽ ghi điểm lớn trong mắt người cấp xét học bổng hoặc nhà tuyển dụng.

Để xác định được hướng đi công việc hiện tại, Hoàng Dũng cho biết đã có 9 năm nghiên cứu và tìm hiểu bản thân suốt quãng thời gian đi học và đi làm.

Từng học chuyên Hà Nội – Amsterdam, rồi sinh viên ĐH FPT chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm, Hoàng Dũng cho biết đã tận dụng khoảng thời gian này để gia tăng trải nghiệm của bản thân. Anh từng tham gia đến 10 câu lạc bộ và tổ chức khác nhau, làm ban tổ chức của nhiều sự kiện tại Trường ĐH FPT. Thậm chí Dũng còn xin bảo lưu một kỳ để sang Trung Quốc làm tình nguyện viên cho tổ chức AIESEC, làm lập trình viên bán thời gian tại FPT Software…

Hoàng Dũng (giữa) trong một hoạt động của AEISEC Việt Nam

Sau thời sinh viên đầy trải nghiệm, Dũng nhận công việc đầu tiên là làm lập trình viên tại Rikkeisoft với định hướng phát triển trong thị trường Nhật Bản. Không lâu sau, anh chuyển hướng sang ngành phân tích dữ liệu, làm việc cho tập đoàn Nexttech.

Sau hai năm đi làm, Hoàng Dũng nhận ra mong muốn phát triển lâu dài của mình với Khoa học dữ liệu và bắt đầu hành trình học thạc sĩ để bổ sung kiến thức về ngành học mới mẻ này tại châu Âu, trở thành kỹ sư học máy và dữ liệu tại công ty Ericsson chi nhánh Phần Lan ngay sau khi tốt nghiệp.

Nhìn lại những năm tháng đại học, Hoàng Dũng cảm thấy may mắn vì đã môi trường giàu trải nghiệm như ĐH FPT. Những kiến thức về công nghệ, chương trình đào tạo ngoại ngữ ngay từ năm đầu, cơ hội thực hành chuyên môn trong kỳ thực tập doanh nghiệp hay luyện tập kỹ năng mềm trong các giờ học cũng như tại hàng loạt dự án, câu lạc bộ của trường là nền tảng vững chắc để anh mạnh dạn xuất ngoại và trở thành kỹ sư công nghệ thông tin tại trời Âu.

“Những học sinh đam mê công nghệ đang tìm kiếm một môi trường để phát triển toàn diện không thể bỏ qua cơ hội học tập và trải nghiệm ở Trường ĐH FPT”, Hoàng Dũng nhấn mạnh.

Theo Vnexpress

Exit mobile version