Người xưa nói thầy cô là người lái đò đưa học trò đến bến bờ tri thức, và mình đã từng có vinh dự được ngồi trên chuyến đò không ít “gập ghềnh” của cô Lê Thùy Trang, giảng viên Ngôn Ngữ Anh. Mà gập ghềnh do đâu, rồi sao tới bến được hay vậy?
Xin trả lời: Do những thúng “vô tri” vô hình nặng trịch mà chúng mình đã vô tư mang lên con đò vô tội đó, được cô Trang vô địch đưa đôi tay uy lực vô song tiễn xuống con sông vô tình. Nói cách khác, đó là những ngày tháng đi học rộn ràng tiếng cười từ những đứa học trò vô tri và người cô khó tính hay bị chọc cười – những ngày tháng đi học thật sự vui đã giúp chúng mình vượt qua những môn học nặng tính thực hành của những kỳ học cuối khóa.
Có cơ hội được học lớp cô Trang đến 3 môn thuộc 2 kỳ liên tiếp: Phiên dịch 1, Phiên dịch 2, Biên dịch 2 – chúng mình đã có x3 trải nghiệm qua đò (nói cách khác là qua môn) đầy gây cấn không thua gì Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân. Từ bị khóa cửa hoặc đứng góc lớp vì trễ giờ, cho đến “giành giựt” từng điểm cộng để leo rank lên top, rồi lại ăn điểm trừ vì (cười) vô tri trong giờ học – lớp cô Trang dù ngày nào và giờ nào trong tuần vẫn luôn rất “nhiệt” (mình sẽ không nói vì cô còn “thét ra lửa” đâu – cười tươi).
Nhờ học với cô Trang, tụi mình mới vỡ lẽ ra bản thân “vô tri” tới mức nào – mà 70% sự vô tri ấy lại đến từ những tình huống phiên dịch hài hước trong lớp cô. Là dân ngôn ngữ mà tiếng Anh thì còn chập chững, tiếng mẹ đẻ đôi khi như “quay về vạch xuất phát” (câu đùa quen thuộc của cô), tụi mình – kể cả những sinh viên xông xáo nhất – cũng từng không ít lần tạo nên những bản dịch dở khóc dở cười. Nhưng nghĩ lại, chính nhờ sự thoải mái đến “hồn nhiên” trong lớp cô mà tụi mình đã có những trải nghiệm tuyệt vời nhất với những môn học đầy thách thức này.
Mình thích triết lý giáo dục của cô: Cô trò học từ nhau. Là người đi trước, có nhiều kinh nghiệm và kiến thức hơn, nhưng cô luôn nói rằng cô vẫn luôn học được những cách dịch hay hơn từ sinh viên của mình. Cơ hội điểm cộng (và điểm trừ) luôn rộng mở với tất cả sinh viên trong lớp: Điểm cộng cho những phát biểu đúng, những bản dịch hay, những lần sửa sai cho bạn bè, và dĩ nhiên không quên điểm trừ cho những khoảnh khắc “vô tri lố lăng” của những người có quá nhiều điểm cộng.
Bên cạnh đó, song song những buổi học thông thường và những bài tập truyền thống, cô còn tạo những tình huống phiên dịch mới lạ, dí dỏm. Tỉ như, cho lớp chia nhóm đi thực địa và làm vlog về một nét văn hóa/điểm nhấn ở thành phố mình, sau đó trình chiếu vlog trên lớp và cho các nhóm còn lại thực hành phiên dịch; hoặc cho các nhóm làm talk show về chủ đề yêu thích, hoặc cho lồng tiếng cho phim ảnh. Nhờ những hoạt động này mà nhóm mình có dịp tìm hiểu và trải nghiệm cà phê vợt chợ người Hoa, hoặc thông qua bản dịch về nội thất Dinh Độc Lập bởi bạn C mà lớp mình biết được rằng Đà Lạt có… biển.
Học với cô lúc nào cũng vui, vậy mà mấy anh chị khóa trước vẫn thường truyền tai: “Cô Trang dữ lắm đó nha!”. Ừ thì… cô cũng dữ thiệt, nhưng lạ một điều là cái “dữ” ấy chưa bao giờ khiến tụi mình e dè hay né tránh, mà ngược lại, còn thấy vui khi chọc cô cười hay tình cờ bắt gặp những khoảnh khắc dịu dàng như thiếu nữ của cô nữa kìa. Có lẽ nhờ cái “dữ” đầy tâm huyết đó mà lần đầu tiên mình với nhỏ bạn lọt Top 5 khối ngành Ngôn ngữ – đúng vào kỳ học mà tụi mình được học tới hai lớp của cô!
Cũng trong kỳ học đó, mình được cô giới thiệu “job” phiên dịch đầu tiên, nơi mình cùng một học trò cũ của cô lần đầu được đặt chân vào một khách sạn 5 sao ở Sài Gòn, được “thực chiến” trong một sự kiện xúc tiến du lịch giữa Việt Nam và Úc. Sau đó, mình có cơ hội tương tự ở một sự kiện khác, đủ tự tin để nhận những lời nhờ hỗ trợ phiên dịch cho các hoạt động trao đổi văn hóa ở trường – và mình biết ơn cô vì những kiến thức cô truyền đạt và vì đã “móc nối” mình với con đường phiên dịch này.
Hiện tại, những định hướng lâu dài cho tương lai mình vẫn để mở. Nhưng nếu có duyên gắn bó với con đường phiên dịch, mình sẽ luôn tự hào kể rằng: đã từng có một cô giáo tên Lê Thùy Trang là người gieo những hạt mầm cảm hứng đầu tiên cho hành trình ấy. Còn nếu cuộc đời rẽ sang hướng khác, thì mình – cũng như tập thể Zootopia – vẫn sẽ nhớ mãi cô như một người cô đầy tâm huyết, và những buổi học chan hòa tiếng cười (và cả chút “vô tri” rất đáng yêu) sẽ luôn là mảnh ghép rực rỡ, ấm áp nhất trong bức tranh đại học của tụi mình.
Võ Thiên Phúc – K17, Ngành Ngôn Ngữ Anh