Trường Đại học FPT

‘Hồ sen chờ ai’ – Dự án chữa lành tâm hồn của Đại học FPT

Dù thời lượng chương trình quy định từ 20-22h, nhưng hầu như số nào mọi người cũng ‘ra về’ trong trình trạng sinh viên vẫn còn muốn đặt câu hỏi và người điều phối chương trình phải dũng cảm nói lời “chia tay”

Với Hồ sen chờ ai, một tháng một lần, nhiều sinh viên FPT lại có một tối thứ 6 ý nghĩa để chờ đợi. Đó là những tối cuối tuần “không cô đơn”, chỉ “gặp” thầy cô qua Google Meet nhưng những niềm riêng giấu kín không biết tỏ cùng ai đều được nhận về sự đồng cảm. Dù thời lượng chương trình quy định từ 20-22h, nhưng chưa có số nào mà các thầy cô kết thúc trước 23h. Hầu như bao giờ, mọi người đều “ra về” trong trình trạng sinh viên vẫn còn muốn đặt câu hỏi và người điều phối chương trình phải dũng cảm nói lời “chia tay”.

Mỗi số Hồ Sen chờ ai đều có chủ đề riêng, là Tình Yêu, Ổn, Là Nhà… do sinh viên đề nghị, từ những ưu tư của chính các em. Hồ Sen chờ ai hàng tháng đều đón được cựu sinh viên, sinh viên ở các cơ sở trên cả nước, kể cả có các em học sinh cấp 3 cùng tham gia. Ở đó có 5 thầy cô luôn xem mình là người đồng hành cùng các em, sẵn sàng cho các em một bàn tay nắm, đưa nhiều quan điểm đa chiều để chính các em chọn lấy hướng đi phù hợp cho mình.

Trò chuyện thêm cùng cô Kiều Thị Thu Chung – giảng viên Bộ môn Kỹ năng mềm Đại học FPT, một thành viên sáng lập Hồ Sen chờ ai, để hiểu thêm về chương trình ý nghĩa này:

Lắng nghe không phán xét

– Nhiều ý kiến cho rằng, học sinh, sinh viên hiện nay đang thiếu nơi giãi bày, không dám thổ lộ suy nghĩ với cha mẹ, trong khi áp lực học hành, cuộc sống khiến các em rơi vào trạng thái bị dồn nén, áp lực. Liệu đây có phải là nguyên nhân khiến chương trình “Hồ sen chờ ai” ra đời không, thưa cô? Cô có thể chia sẻ thêm về hoàn cảnh ra đời, về tên gọi của chương trình này?

Trong quá trình giảng dạy ở FPT, chúng tôi thật sự nhìn thấy được sinh viên có rất nhiều tâm tư nhưng lại không có nơi để giãi bày. Hồ Sen chờ ai ra đời đúng là nơi để sinh viên tâm sự, hơn nữa là để xây dựng và duy trì một cộng đồng ấm áp nhiều yêu thương. Sinh viên đến với chương trình có khi cần tâm sự, nghe tâm sự, hoặc chỉ cần một nơi an toàn ấm cúng để cùng nhau trải qua tối thứ 6 không cô đơn.

Tên gọi của chương trình được đặt ngẫu hứng từ hồ sen trong sân trường vào mùa thu 2 năm trước, khi hồ sen lác đác hoa sen hồng.

Ở nơi có hồ sen này, các em được chờ đợi trong mọi tâm tình vui sướng hay đau buồn, trong mọi tâm thế thành công hay thất bại, lúc đã vững vàng hoặc còn chông chênh… Nơi mà các em có thể chia sẻ bất cứ điều gì mà không sợ bị phán xét, bị chế giễu. Mọi chia sẻ ở Hồ sen đều được tôn trọng, yêu thương một cách chân thành để cùng nhau nhìn nhận lại vấn đề rõ ràng hơn và giúp các em tự đưa ra quyết định cho vấn đề của mình.

– Sau khoảng thời gian đồng hành cùng sinh viên, cô nhận thấy cái “được” nhất mà chương trình mang lại cho các em là gì?

Hồ Sen chờ ai đã hoạt động được 2 năm, đến nay đã có 16 số, trung bình 1 số/tháng, online trên kênh Google Meet vào tối thứ 6 từ 20-22h. Ngoài ra chúng tôi còn có fanpage và kênh tiếp nhận chia sẻ và câu hỏi mang tên “Những cánh thư đi” để sinh viên có thể tâm sự bất cứ lúc nào ngoài thời lượng chính của chương trình.

Chương trình hướng đến chia sẻ và kết nối sinh viên với nhau, không theo hướng gỡ rối trị. Sau 2 năm hoạt động, Hồ Sen chờ ai đã kết nối được sinh viên FPT ở các cơ sở trên cả nước – cựu sinh viên – các em học sinh trung học, tạo dựng niềm tin về con người FPT nồng hậu sẵn sàng giúp đỡ nhau từ ở trong trường ra ngoài xã hội.

– Tâm sự chuyện riêng tư không phải là điều dễ dàng, liệu các em có dè dặt khi tiếp cận chương trình nhân văn này? Ban đầu, chương trình có trải qua những khó khăn gì không, thưa cô? 

Ban đầu, chương trình có khó khăn là chưa tạo được lòng tin cho các bạn sinh viên và làm sao để các bạn thoải mái chia sẻ. Dần dần, số lượng các bạn sinh viên tham gia đông hơn và thực sự tham gia vì vòng tròn kết nối FPT chứ không chỉ vì tò mò nữa. Ngoài sinh viên ở cơ sở HCM, chúng tôi còn chào đón thêm sự tham dự của sinh viên cơ sở khác, cựu sinh viên và các em học sinh.

Hồ Sen chờ ai do 3 thầy cô dạy các chuyên ngành khác nhau (Kỹ thuật phần mềm, Kỹ năng mềm, Triết học) xây dựng từ đầu, hiện giờ đã có 4 thầy cô chính thức dẫn dắt chương trình thường xuyên là thầy Nguyễn Thế Hoàng, cô Hồ Yên Thục, cô Kiều Thị Thu Chung, cô Phan Mai Chi, sắp tới sẽ có thêm cô Trương Thị Mỹ Ngọc tham gia dẫn dắt chính thức. Thật may mắn khi chúng tôi nhận được sự ủng hộ to lớn từ Ban lãnh đạo nhà trường và sự hỗ trợ tuyệt vời từ các anh chị đồng nghiệp phòng Công tác Sinh viên trong truyền thông, tổ chức.

– Các thầy cô và các thành viên trong chương trình đã làm thế nào để các em mở lòng và sẵn sàng sẻ chia câu chuyện của bản thân?

Các thầy cô dẫn dắt chương trình đều rất nhẹ nhàng, cởi mở nên đã không khó để sinh viên mở lòng, nhất là tổ chức online, các em có thể ngồi nhà chat hay chỉ mở micro tâm sự nên cũng ít bị ngại ngùng. Khung giờ chúng tôi lựa chọn cũng nhằm mục đích để các bạn có thể thoải mái tham gia sau khi đã ăn tối và có thời gian rảnh.

Điều tất cả chúng tôi cùng làm là lắng nghe không phán xét từng câu chuyện nhỏ của sinh viên, và nếu đó là một câu hỏi thì chúng tôi chân thành trả lời bằng tính cách thẳng thắn không sợ mất lòng. Cách là chúng tôi làm vẫn là gợi mở những câu hỏi để sinh viên nhìn nhận rõ hơn và có câu trả lời của chính mình.

5 thầy cô chính của chương trình với 5 tính cách và cách trò chuyện rất khác nhau, từ dịu dàng đến gay gắt… cố gắng cho sinh viên những góc nhìn đa chiều về cùng một vấn đề chứ không đưa ra lời khuyên cụ thể nào, từ đó các em sẽ tự chọn lấy hướng suy nghĩ phù hợp nhất. Và một điều hay ở Hồ sen là sinh viên có thể kết nối với nhau, hỗ trợ nhau, đưa ra chia sẻ của mình để giúp các bạn khác. Chúng tôi rất vui vì điều này.

Các em sinh viên không chỉ cần tâm tĩnh mà cần rất nhiều kiến thức

– Là một người lắng nghe tâm tư suy nghĩ của sinh viên, cô nhận thấy những vấn đề nào khiến các em lo lắng, vướng mắc nhiều nhất? Với vai trò một giảng viên, theo cô, các em cần được trang bị những kỹ năng nào để có thể tự tin đối mặt với những vấn đề trong học tập và cuộc sống?

Cuộc sống hiện đại của thế hệ các em sinh viên không chỉ cần tâm tĩnh mà cần rất nhiều kiến thức mới có thể bình tĩnh đón nhận sóng gió cuộc đời. Các em cần được trang bị nền tảng về lịch sử, văn hóa để hiểu con người, cần cảm thụ nghệ thuật để bao dung với nhau, cần có triết học để suy nghĩ rành mạch, và thể chất tốt để thật sự tự do.

Hành trang của sinh viên còn là sự kết nối với mọi người xung quanh và đặc biệt là với chính mình.

– Cô có lời nhắn nhủ nào cho các bậc làm cha mẹ trong quá trình đồng hành cùng con cái trưởng thành?

Mỗi người mỗi khác, mỗi thời mỗi khác… kính mong các bậc phụ huynh cho phép các em có suy nghĩ, hành động riêng, và tin tưởng các em kể cả khi các em chưa thể chứng minh lựa chọn của các em là đúng. Xin quý phụ huynh cứ để các em được vui vẻ theo tốc độ phát triển của từng em.

– Mô hình “Hồ sen chờ ai” liệu có nên được khuyến khích nhân rộng trong các trường trung học, đại học, cao đẳng, trong hoàn cảnh trầm cảm tuổi học đường đang rất báo động không, thưa cô?

Chúng tôi nghĩ thật ra đã có rất nhiều thầy cô giáo của FPTU và các trường khác cũng đang và đã làm việc này, tâm sự với sinh viên, hỗ trợ các em. Điều mà chúng tôi làm thêm chính là định tên, định một không gian để các em biết tới mà tìm về, để được chia sẻ và yêu thương. Nếu các thầy cô thấy rất cần thiết thì nhất định sẽ có nhiều Hồ sen chờ ai ra đời.

Và chúng tôi nghĩ mô hình này sẽ rất tốt nếu được nhân rộng, đây không phải là phòng tư vấn tâm lý học đường nên sẽ dễ tổ chức hơn. Hồ Sen chờ ai không nhất thiết cần chuyên viên tham vấn tâm lý mà chỉ cần vài ba thầy cô giáo dành thời gian tổ chức định kì hàng tuần hoặc hàng tháng 1-2 tiếng đồng hồ/buổi, ngồi lại tâm tình cùng các em về cuộc sống, lo âu,… ở sân trường, lớp học, hoặc online… để các em được biết đến thầy cô và các bạn như những người đáng mến chứ không chỉ là bạn chỉ ngồi cạnh nhau trong giờ học, hay thầy cô không chỉ biết có giảng bài.

Chi phí tổ chức chương trình không cao nên chúng tôi tin mô hình này hoàn toàn khả thi áp dụng ở các trường học khác.

– Xin cảm ơn cô!

Cô Hồ Yên Thục – giảng viên Bộ môn Kỹ năng mềm: Hồ Sen chờ ai trước tiên gắn kết các thầy cô với nhau nhiều hơn, với sinh viên với nhau, và niềm hạnh phúc lớn lao mà chương trình mang lại cho tôi là nhìn thấy các em sinh viên chăm sóc nhau.

Cô Kiều Thị Thu Chung – giảng viên Bộ môn Kỹ năng mềm: Cuộc sống này có rất nhiều gam màu và Hồ sen cũng vậy. Tất cả làm nên một bức tranh rất màu sắc. Yêu thương, tôn trọng, chân thành là điều Hồ sen luôn giữ. Hãy nhớ là chúng ta luôn có nơi để tìm về, để an trú trong hiện tại.

Thầy Nguyễn Thế Hoàng – giảng viên chuyên ngành IT: Khoảng cách thế hệ là từ mà chúng ta hay đổ thừa khi có những khác biệt trong cách cư xử với nhau. Nhưng ở Hồ Sen Chờ Ai, thầy và trò, người lớn và thanh xuân đã tạo dựng được vòng tròn tin cậy, sẻ chia, khoảng cách xoá nhoà.

Ở Hồ Sen các bạn trẻ sẵn sàng mở lòng, kể câu chuyện trong sâu thẳm mỗi bạn, và những ai đã từng nghĩ mình cô đơn, đã không còn cô đơn. Gieo mầm và nuôi nấng sự thấu cảm, sẻ chia, tâm thiện sang trong mỗi người, đó là điều Hồ Sen Chờ Ai từng bước đã làm được.

Cô Phan Mai Chi – giảng viên chuyên ngành Thiết kế đồ họa: Hồ Sen Chờ Ai là một series tư vấn tâm lý học đường, nơi những người trẻ được giải bày, dược lắng nghe; nơi những sẻ chia và yêu thương được lan toả. Đến với Hồ Sen Chờ Ai, chúng ta sẽ nhận ra là chúng ta chưa từng hoàn hảo nhưng sẽ dần hoàn thiện và trưởng thành hơn, sẽ là một phiên bản mới tốt hơn của chính mình.

Theo Afamily

 

Exit mobile version