Site icon Trường Đại học FPT

Học kỳ nước ngoài tại ITM và những kỷ niệm khó quên tại Ấn Độ

Chúng mình thực sự may mắn khi có cơ hội được học tập tại ngôi trường ITM University, một trong những ngôi trường hàng đầu trong đào tạo về lĩnh vực công nghệ ở Ấn Độ. Chuyến đi đã để lại rất nhiều những trải nghiệm thú vị, cùng với đó là những kỷ niệm khó quên với những người bạn đặc biệt.

 

“Chuyến “đi học” khởi đầu với sự phản đối đến từ phía gia đình, những câu hỏi “Ăn cái gì?”, “Học làm sao?”, “Sống thế nào?” liên tục được đề cập. Nhưng bản thân mình nhận ra rằng cơ hội chỉ đến một lần, khi mà cả học phí và kì học chuyên ngành đều rất phù hợp với bản thân. Vậy là xách ba-lô lên, gác lại tất cả mọi việc dang dở ở Việt Nam, chuẩn bị tinh thần để đi trải “một sàng khôn” ở một vùng đất mới.

New Delhi và cảm nhận đầu tiên.

Những ngày đầu đặt chân đến nơi đây, điều đầu tiên làm tụi mình thích thú nhất là văn hoá và con người nơi đây.

New Delhi chào đón đoàn bằng một cơn nắng “khá gắt”, khi mà thời tiết nóng là một đặc sản của Ấn Độ thì bản thân sẽ thấy cái nóng “sương sương” ở Sài Gòn khá là “dễ thương”. Chặng đầu tiên của tụi mình diễn ra khá suôn sẻ khi di chuyển bằng tàu điện ngầm tới ga xe lửa.

Hành trình 5 tiếng từ New Delhi về đến Gwalior bằng tàu đã cho mình một bức tranh khá trực quan về thiên nhiên và con người Ấn Độ. Vùng ngoại ô là những cánh đồng trải dài và những cụm rừng xen kẽ, khung cảnh khá là hoang sơ và thưa thớt. Bên cạnh đó là những khu dân cư nhộn nhịp và tất bật.

 

Phương tiện đi lại

Phương tiện di chuyển phổ biến của họ là xe Auto Rickshaw, nó khá giống xe lam ở Việt Nam, có thể chở tối đa 6 người, điều đặc biệt là chúng có một hệ thống xe khá rộng lớn và chúng ta có thể đặt trực tiếp trên app.

Ngoài ra, đây là lần đầu tiên mình được di chuyển trên phương tiện xe lửa khi di chuyển từ sân bay về trường, nó khá là êm không ồn ào như mình nghĩ. Khi đi trên chuyến tàu này tụi mình đã khám phá thêm một điều thú vị, tụi mình hay gọi vui đó là “sinh hoạt cộng đồng trên đường ray”. Vào buổi chiều, rất đông mọi người tập trung ra cạnh đường ray để trò chuyện, các em nhỏ thì chơi đá bóng, và rất nhiều hoạt động khác được tập trung ở đây.

 

Ẩm Thực

Đồ ăn ở Ấn Độ khá là “đậm đà” và tất cả mọi món đều có mùi cà ri. Đồ ăn ở đây khá là cay. Đa phần là gà, trứng, mì, bánh mì và các loại hạt. Do đa phần người dân theo tín ngưỡng Hindi nên bò và các loại động vật khác không xuất hiện trong món ăn. Lúc bọn mình mới qua, trong vài ngày đầu chỉ có thể ăn được món mì do không thích nghi được vị cà ri, nhưng giờ tụi mình đã thích nghi và cảm thấy yêu thích các món ăn này hơn.

Môi trường học tập:

Điều giúp mình khá là ấn tượng mà môi trường học tập tại ITM, các giáo viên tại đây rất quý học sinh, luôn tạo điều kiện hết mức cho tụi mình để học tập được tốt nhất. Họ rất nhiệt tình và chỉnh chu trong từng slide bài giảng, vì thế luôn tạo động lực cho tụi mình đến lớp sớm mỗi ngày.

Ngoài ra khuôn viên trường rất rộng, đầu tư hẵn sân bóng đá, bóng chày, phòng GYM, sân cầu lông cho sinh viên thư giãn sau giờ học tập. Một tháng học và sinh hoạt trong khuôn viên trường đem đến cho bản thân mình khá nhiều trải nghiệm thú vị. Với khung cảnh nơi đây, bạn sẽ học cách hòa mình vào thiên nhiên với việc mỗi khi thức dậy và xung quanh là những chiếc chim, chồn, sóc, công, … nhìn người ta tập thể dục, cùng với bầu không khí khá là dễ chịu và thoáng mát vì sau lưng KTX là cả 1 quả đồi siêu to khổng lồ.

Con người Ấn Độ khá hòa đồng và thú vị, mỗi phòng đều “sắm” cho mình một bạn học sinh bản địa biết nói tiếng anh để phòng hờ việc giao tiếp với người Ấn Độ, vì không phải ai ở đây cũng biết nói tiếng anh. Một khi không có sự trợ giúp của “pạc nơ ấy” thì ngôn ngữ hình thể và bập bẹ vài ba từ Hindi là cứu cánh duy nhất của các bạn Việt Nam. Bạn sẽ học được cách rèn luyện tất cả khả năng nghe, nói, đọc, viết để mô tả về món gà chiên.

Tất cả mọi trải nghiệm đều đem tới cảm xúc khác nhau và vô cùng thú vị. Nếu có ai hỏi về lời khuyên cho các bạn đi sau thì mình sẽ trả lời: Còn trẻ mà nên cứ “đi cho hết thời thanh xuân” nhé các bạn!!”

Theo Study Overseas

Exit mobile version