Trường Đại học FPT

Khám phá văn hoá dân gian qua Workshop Nét đẹp Đông Hồ

Workshop nghệ thuật “Nét đẹp Đông Hồ” do nhóm sinh viên Trường Đại học FPT Hà Nội tổ chức đem đến cho người tham gia những trải nghiệm hấp dẫn và thú vị.

Sự kiện mong muốn chia sẻ những giá trị cội nguồn cũng như nâng cao nhận thức và hiểu biết về tranh dân gian Đông Hồ đến các bạn sinh viên.

Workshop là một phần của dự án thuộc bộ môn SSG104 (Kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm), dưới sự hướng dẫn của giảng viên Trịnh Thu Hương. Nhóm “Say Xưa” gồm các sinh viên khóa 18 chuyên ngành Truyền thông Đa phương tiện: Nguyễn Xuân Thành (Trưởng nhóm), Vũ Thị Thảo, Dương Thị Yến Nhi, Nguyễn Khánh Linh, Bế Quang Minh, Vũ Minh Anh, và Trần Khải Huy.

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả

Một trong những hoạt động chính của sự kiện là workshop làm tranh Đông Hồ cùng nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả. Được biết ông là con trai thứ của cố Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Hữu Sam, thuộc đời thứ 14 làm tranh Đông Hồ. Nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả đã nhận được danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ.

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả hướng dẫn in tranh bằng phương pháp truyền thống.

Tại workshop các bạn sinh viên được hướng dẫn và trải nghiệm quy trình làm tranh từ chuẩn bị nguyên liệu, in tranh bằng phương pháp truyền thống, đến việc hoàn thành một bức tranh hoàn chỉnh. Các bức tranh nổi bật như “Chăn trâu thổi sáo” và “Hứng dừa” đã được các bạn sinh viên tự tay thực hiện dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân.

Không gian check in kết hợp trưng bày một số bức tranh Đông Hồ

Không gian check-in kết hợp trưng bày một số bức tranh Đông Hồ nổi tiếng, tạo điều kiện cho các bạn trẻ chiêm ngưỡng và tìm hiểu. Concept được thiết kế với tấm bình phong kết hợp tranh Đông Hồ, dải lụa màu, bông sen, chõng tre, quang gánh,… tạo nên bối cảnh xưa cũ và truyền thống.

Dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân, các bạn sinh viên tự tay in tranh lên túi tote vải, tạo ra những sản phẩm độc đáo, mang đậm dấu ấn cá nhân, kết hợp nét truyền thống với hiện đại.

Ngoài ra, sự kiện còn có buổi trò chuyện và giao lưu với nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả. Nghệ nhân đã chia sẻ về lịch sử hình thành và phát triển của tranh Đông Hồ, những khó khăn trong việc giữ gìn và bảo tồn làng nghề, cũng như ý nghĩa của một số bức tranh nổi tiếng như “Gà gáy năm canh”, “Lý ngư vọng nguyệt”, “Em bé ôm gà”…

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả đang chia sẻ ý nghĩa của bức tranh “Em bé ôm gà”.

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả đã rất xúc động khi tới tham gia workshop, ông chia sẻ rằng: “Hôm nay được đến với Trường Đại học FPT, tôi cảm thấy rất vui và phấn khởi vì trong số rất nhiều các bạn sinh viên, vẫn còn các bạn có niềm đam mê, tìm hiểu về giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là tranh dân gian Đông Hồ. Tôi cũng xin cảm ơn các bạn đã tạo ra sân chơi ngày hôm nay để chúng ta cùng nhau giao lưu, trải nghiệm về dòng tranh dân gian Đông Hồ”.

Một số sản phẩm của các bạn sinh viên sau khi tham gia workshop

Nói về lý do chọn chủ đề làm về tranh dân gian Đông Hồ, bạn Dương Yến Nhi, thành viên nhóm, chia sẻ: “Là một người con sinh ra từ ngôi làng có truyền thống làm tranh dân gian lâu đời, em nhận thức rõ ràng tranh dân gian Đông Hồ đang dần bị mai một. Khi nhận được đề bài từ cô giáo trong bộ môn SSB201 là tổ chức một dự án, em đã nảy ra ý tưởng mang tranh Đông Hồ đến để các bạn sinh viên được làm và trải nghiệm. Rất may mắn, các bạn trong nhóm cũng thấy ý tưởng này vô cùng hợp lý và chúng em đã cùng nhau thực hiện để có được dự án thành công như vậy”.

Sự kiện không chỉ nhằm mục đích giáo dục mà còn tạo cơ hội cho các bạn trẻ trải nghiệm và tìm hiểu sâu hơn về nghệ thuật tranh dân gian Đông Hồ – một di sản văn hóa quý báu của Việt Nam.

“Giải thích về tên nhóm, đại diện nhóm chia sẻ: “Say Xưa” là một cách chơi chữ đặc biệt với ý nghĩa sâu sắc, kết hợp giữa “say đắm” và “cổ xưa”. “Say” thể hiện sự say mê, yêu thích với một điều gì đó, “Xưa” là những nét xưa, là những điều đang dần bị lãng quên trong cuộc sống vội vã đương thời. Tên gọi này cũng phản ánh tinh thần của nhóm – những người trẻ tuổi đang say mê những giá trị văn hóa truyền thống cổ xưa đang dần bị lãng quên trong cuộc sống hiện đại.

Trong quá trình làm sự kiện, cả nhóm đã gặp không ít những khó khăn nhưng cũng không thiếu kỷ niệm đáng nhớ. Trong lần đi thực tế đến làng tranh Đông Hồ, Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh nhóm không chỉ được tham quan mà còn trải nghiệm thực tế, tự tay quay video ngắn và chụp ảnh để chia sẻ với mọi người qua các phương tiện truyền thông. Mặc dù điều kiện thời tiết không thuận lợi, nhóm vẫn cố gắng để ghi lại những khoảnh khắc chân thực và gần gũi nhất của tranh dân gian Đông Hồ. Chuyến đi giúp nhóm hiểu rõ hơn về giá trị văn hóa của tranh Đông Hồ và mang lại những trải nghiệm sâu sắc, quý báu.

Tham gia workshop, bạn Lê Thu Hương, sinh viên khóa 18, chia sẻ: “Sau khi tham gia workshop, mình cảm thấy rất vui và hào hứng vì được trải nghiệm về cách làm tranh Đông Hồ. Đây là cơ hội tuyệt vời để các bạn sinh viên khám phá và học hỏi về di sản văn hóa dân gian đặc biệt của Việt Nam”. Còn bạn Đào Duy Anh, cũng sinh viên khóa 18 bày tỏ: “Sau khi được trải nghiệm, em cảm thấy như được sống lại những năm tháng xưa. Đây là một trải nghiệm thực sự ý nghĩa và cần được lan tỏa đến tất cả các bạn trẻ”.

Phương pháp học qua dự án tại Trường Đại học FPT không chỉ giúp sinh viên nắm vững kiến thức lý thuyết mà còn tạo điều kiện để họ áp dụng vào thực tế, rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, quản lý thời gian, giải quyết vấn đề và giao tiếp. Những trải nghiệm thực tiễn này giúp sinh viên tự tin hơn khi ra trường, dễ dàng thích nghi với môi trường làm việc thực tế.

Dự án “Nét đẹp Đông Hồ” là minh chứng rõ ràng cho giá trị của phương pháp học qua dự án mà Trường Đại học FPT đang áp dụng. Sinh viên không chỉ học hỏi từ lý thuyết mà còn được trải nghiệm thực tế, góp phần tạo ra những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng. Đây chính là cầu nối rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế, giúp sinh viên trang bị đầy đủ kỹ năng và kiến thức để thành công trong tương lai.

Lộc Nguyễn

Exit mobile version