Khi giới tính không còn là giới hạn trong Saigon Talk Kỳ 5

“Bình đẳng giới” giờ đây có lẽ không còn là định nghĩa về vai trò giữa đàn ông và phụ nữ nữa, mà giờ đây nó còn là vấn đề liên quan đến cả một cộng đồng LGBT+ trong việc vượt qua các định kiến của xã hội để có được quyền bình đẳng.

Mặc dù xã hội đang ngày một tiến bộ, nhưng đâu đó, tiềm ẩn trong tâm thức con người chúng ta vẫn còn những định kiến phân biệt giới tính, đặc biệt là sự kỳ thị những người thuộc cộng đồng giới tính thứ 3. Chính vì vậy, có rất nhiều bạn không thể tự tin comeback, sống thật với cá tính của mình, đốt cháy đi bao khát vọng và tài năng. Hiểu được điều đó, CLB Truyền thông Cóc Sài Gòn đã mang SaiGon Talk trở lại với hình thức offline cùng chủ đề “Giới tính hay Giới hạn?”.

dai hoc fpt
Saigon Talk kì 5: “Giới tính hay Giới hạn?” ra đời mong muốn giúp các bạn hiểu rõ hơn về những vấn đề thuộc cộng đồng LGBT+, hy vọng mọi người có cái nhìn tích cực, giúp các bạn được tự tin là chính mình.

Tuần qua, sinh viên Đại học FPT TP.HCM có cơ hội trực tiếp lắng nghe những chia sẻ, những góc nhìn mới cũng như những câu chuyện hấp dẫn từ hai vị diễn giả Tạ Quốc Kỳ Nam và Lê Nhân. Giới trẻ gen Z ngày nay còn ai xa lạ với câu nói “Hoy đi nha” từng gây bão mạng một thời, và cha đẻ của câu nói đó chính là Phó Giám đốc Sáng tạo Vietcetera Tạ Quốc Kỳ Nam, đồng thời anh cũng là Graphic Designer thành công trên rất nhiều lĩnh vực như thiết kế bìa sách, content creator, production designer và thậm chí là cả một diễn viên. Càng bất ngờ hơn, khán giả của Saigon Talk kỳ 5 còn được trực tiếp gặp nam diễn viên hài nổi tiếng Lê Nhân (hay còn gọi là Chị Ca Nô). Từ lâu anh đã được biết đến với vai trò là thành viên của nhóm hài Tía Lia, DamTV khi liên tục xuất hiện trong các sản phẩm hài kịch lẫn các series vô cùng gây sốt như: “Kính Vạn Bông”, “Chuyện thần tiên xứ sở Ô Dam”, “H2O”,…

dai hoc fpt
Talkshow mở đầu với màn giới thiệu đầy hài hước đến từ hai vị diễn giả khi phải có hai từ “giới tính” trong câu.

Tại buổi talkshow, 2 khách mời đã đã nêu lên vấn đề tại sao chúng ta cần đấu tranh vì “Bình đẳng giới”. Mỗi người chúng ta sinh ra đều được đặt lên mình một sự kỳ vọng và điều đó vô tình trở thành những định kiến khi chúng ta lớn lên, ép chúng ta đi vào một khuôn mẫu nhất định. Như con trai, bạn sẽ được kỳ vọng là sau này lấy vợ, có con, sẽ mạnh mẽ gánh vác công việc. Còn nếu bạn là nữ, bạn sẽ được kỳ vọng lớn lên lấy chồng, tam tòng tứ đức. Không những vậy, khi mạng xã hội phát triển, kéo theo đánh giá về những định kiến ngày một lan nhanh . Điều đó cho thấy ở xã hội chúng ta luôn tồn tại sự bất bình đẳng giới và định kiến giới, và ngày nào, giờ phút nào chúng ta còn bất bình đẳng giới và định kiến giới, thì ngày đó giờ đó chúng ta còn đấu tranh. Từ ví dụ của chị H’hen Niê, cô ấy đã chọn giáo dục là con đường của chính mình sau này, vượt qua mọi rào cản về định kiến của người dân tộc và đã thành công như bây giờ. Cô ấy là một tấm gương nói lên rằng chúng ta sinh ra và có quyền lựa chọn cho cuộc sống của chính mình, rằng mọi sự lựa chọn đều xứng đáng được tôn trọng.

dai hoc fpt
Những chia sẻ chân thật và đầy bổ ích đền từ hai vị diễn giả về vấn đề đấu tranh cho “Bình đẳng giới”.

Ngoài ra, hai vị diễn giả còn hướng dẫn chúng ta cách nhìn nhận bản thân, đưa ra những khái niệm về xu hướng tính dục. Chúng ta mỗi người mỗi giới tính, mỗi người một màu sắc và luôn có những sự khác biệt không ai giống ai, chỉ là bạn thuộc loại nào trong số những xu hướng tính dục ngày nay. Hành trình vượt qua những định kiến xã hội thực sự khó khăn của anh Tạ Quốc Kỳ Nam với những chia sẻ những câu chuyện vừa hài vừa thực, góp phần tiếp thêm động lực và niềm tin đến với các bạn trẻ. Anh đã nói lên những định kiến mà mình phải trải qua, nhưng sau tất cả, việc sống đúng với chính mình và bước đi trên con đường do chính mình lựa chọn chính là tiền đề cho sự thành công hiện nay của anh. Anh luôn tự hào về điều đó và mong muốn những bạn trẻ có thể bước qua rào cản của bản thân mình. Sống thực sự là chính mình thì cuộc đời mới có ý nghĩa.

dai hoc fpt
Những thắc mắc và lời tâm sự của khán giả đối với hai vị khách mời.

Bên cạnh những lời chia sẻ của khách mời thì các bạn sinh viên cũng có cơ hội được giao lưu trực tiếp, đặt câu hỏi đến anh Lê Nhân và anh Tạ Quốc Kỳ Nam. Mỗi bạn là mỗi câu chuyện, mỗi màu sắc khác nhau, mang đến cho talkshow những màu sắc mới lạ, và những bí mật đến nay mới bật mí.

Không khí náo nhiệt hơn hẳn khi cuối chương trình có sự góp mặt của trò chơi Mini Game đoán ô chữ. Chỉ sau một vài ô chữ hàng ngang được hé lộ. Nguyễn Bình Phương, bạn sinh viên k17 đã xuất sắc đã đoán đúng ô chữ hàng dọc với từ DISCRIMINATION, đây cũng chính là chủ đề mà các diễn giả của chúng ta bàn luận xuyên suốt buổi talkshow.

dai hoc fpt
Bạn Nguyễn Bình Phương, sinh viên K17 – Ngành Truyền thông đa phương tiện – Đại học FPT.TpHCM đã xuất sắc nhận được phần thưởng khi chiến thắng Minigame của chương trình.

Saigon Talk là chuỗi talkshow định kỳ dành cho các bạn trẻ về kinh nghiệm sống, những câu chuyện, bài học, trải nghiệm của những người thành công trên nhiều lĩnh vực khác nhau, hay những vấn đề xã hội nổi bật cần thiết với hi vọng sẽ mang đến những giá trị, thông điệp tốt đẹp đến với những người trẻ, sẽ là nơi các bạn có thể tìm kiếm câu trả lời để tự tay tháo gỡ đi khúc mắc của chính mình.

                                                                                                         Thu Hằng