Khởi nghiệp với thiết bị giao tiếp bằng cánh tay

Dantri.com.vnChỉ với vòng tay nhận biết xung cơ và điện thoại thông minh, nhóm sinh viên Đại học FPT đã giúp người khuyết tật có thể nghe, nói một cách dễ dàng.

Chàng thanh niên trẻ vừa thể hiện một vài ngôn ngữ ký hiệu thì những dòng chữ “Tôi thích hoa”, “Tôi thích lá”… hiện lên trên màn hình điện thoại, đồng thời, âm thanh tương ứng cũng vang lên. Đó là lần đầu tiên chàng trai vốn bị câm có thể “nói” được, nhờ thiết bị mang tên Handication do nhóm sinh viên khoa Kỹ thuật phần mềm, ĐH FPT chế tạo.

Thiết bị gồm hai vòng tay nhận biết xung cơ Myo Armband, một điện thoại Android được kết nối với nhau bằng phần mềm. Cơ chế hoạt động của Handication khá đơn giản: mỗi cử động của tay tương ứng với một tần số xung cơ, mỗi cử động này trong quy đinh ngôn ngữ ký hiệu lại có ý nghĩa riêng. Khi người dùng cử động tay, các tín hiệu xung cơ được chuyển từ hai chiếc vòng đến phần mềm để “dịch” thành chữ viết đưa ra màn hình và âm thanh tương ứng phát qua loa điện thoại.

“Nhóm biết đến vòng Myo Armband, cảm thấy khá thú vị và nghĩ liệu có thể làm gì khác với nó không. Tìm hiểu các chức năng, chúng mình nhận thấy có thể chế tạo thiết bị hỗ trợ người khuyết tật giao tiếp bằng cách thu thập và giải mã tín hiệu xung cơ mà chiếc vòng thu được từ cử động cánh tay.”, Trương Công Thái (trưởng nhóm Handication) chia sẻ.

Đây không phải là lần đầu tiên một sản phẩm hỗ trợ giao tiếp cho người khuyết tật ra đời nhưng Handication được xử lý nhiễu, chuẩn hóa dữ liệu đầu vào để ai cũng có thể sử dụng, thiết kế gọn nhẹ, tăng tính tự nhiên, thuận tiện khi giao tiếp. “Với thiết bị này, lần đầu tiên người khiếm thị có thể giao tiếp được với người câm điếc, người bình thường có thể hiểu người khuyết tật nói gì mà không cần phải học ngôn ngữ ký hiệu. Điều đó thật ý nghĩa và cũng là động lực thúc đẩy nhóm hiện thực hóa sản phẩm này.”, Phạm Hồng Quý (thành viên nhóm) xúc động bộc bạch.

Tuy nhiên, thực tế quá trình nghiên cứu và chế tạo sản phẩm khó khăn hơn nhiều so với dự kiến của nhóm. Anh chàng trưởng nhóm nhớ lại: “Thời gian đầu, do chưa hiểu rõ cơ chế hoạt động, nhóm không hiểu mỗi con số chiếc vòng đo và gửi về nghĩa là gì, không thể lập trình nên hệ thống. Sau đó, các thành viên phải lao vào tìm hiểu về cấu tạo chiếc vòng và cả giải phẫu cánh tay người từ đó mới rút ra nguyên tắc mã hóa và giải mã mỗi cử động tương ứng với một ý nghĩa riêng. Có đến hơn 1 tháng, nhóm ăn ở, làm việc với nhau 24/24 để hoàn thiện sản phẩm.”

Khi hệ thống hoàn thành và đưa vào kiểm nghiệm thực tế, nhóm phát hiện một số cử động giống nhau nhưng thiết bị lại phân tích và đưa ra ý nghĩa khác nhau. “Lúc đó, chúng mình thật sự hoang mang, không biết sai ở đâu. Cả nhóm họp, rà soát từng dòng code, kiểm tra từng chức năng. Thông thường, Thái – trưởng nhóm là người thử thiết bị nhưng bây giờ cả nhóm phải thay nhau thử. Dần dần, nhóm nhận ra những người có số đo, độ rắn chắc cánh tay tương đương nhau sẽ cho kết quả giống nhau.”, Nguyễn Nhất Nguyên (thành viên nhóm) cho biết. Theo Nguyên, đây cũng là một hạn chế của Handication và thời gian tới cần được giải quyết triệt để.

“Thiết bị hỗ trợ người khuyết tật giao tiếp là mơ ước của Nguyễn Tấn Phát, một thành viên trong nhóm bởi em của Phát không may bị câm. Câu chuyện cá nhân, ý nghĩa cộng đồng thôi thúc chúng mình tiếp tục hoàn thiện sản phẩm trong tương lai. Cả nhóm sẽ khởi nghiệp cùng Handication.”, Thái khẳng định.

Mới đây, nhóm nhận được 24.000 USD mỗi năm để hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp sau khi đưa sản phẩm tham dự cuộc thi Smart City Hackathon Bình Dương 2016 do Lãnh sự quán Hà Lan tại TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương cùng các tập đoàn lớn như IBM, Becamex… tổ chức. Giám đốc Quan hệ khách hàng IBM cho rằng thiết bị có tiềm năng lớn để ứng dụng thực tiễn đồng thời mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Việc IBM tài trợ cho nhóm như một cách để khuyến khích sinh viên sáng tạo, khởi nghiệp.

Theo Dân trí