Không còn “xin việc” giới trẻ ngày nay “chọn việc” nhờ tự tin vào kỹ năng, vốn sống của mình

Qua rồi cái thời nhờ cậy mọi mối quan hệ hay rải CV khắp các công ty to nhỏ để xin được một công việc, trái ngành trái nghề cũng được, Gen Z bây giờ đủ tự tin vào kỹ năng, vốn sống để chọn cho mình công việc ưng ý.

Những bạn trẻ “chọn việc” chứ không “xin việc”

Nguyễn Ngọc Thịnh là cựu sinh viên ĐH FPT. Từ khi mới là anh chàng sinh viên năm 1, Thịnh đã không bỏ lỡ cơ hội “quẩy” nhiệt trong bất cứ hoạt động sự kiện nào. Vô tình, Thịnh được chọn mặt gửi vàng cho vai trò MC. Gương mặt sáng, khả năng dẫn linh hoạt, máu lửa, Thịnh hoàn thành tốt nhiệm vụ dẫn chương trình cho hoạt động lần đó và… “en nờ” những sự kiện lớn nhỏ sau đó ở ĐH FPT. Anh chàng được mệnh danh “MC quốc dân” của trường.

Đến khi Đài Truyền hình Việt Nam tuyển người dẫn chương trình, anh chàng sinh viên ĐH FPT tự tin đăng ký và vượt qua cơ số đối thủ “nặng ký”, trở thành MC trẻ nhất VTV6 thời điểm năm 2019. Có thể coi là “tay ngang” trong lĩnh vực truyền hình nhưng Thịnh tự tin chọn nghề này. Theo anh chàng, chính những sự kiện ở ĐH FPT đã nhen nhóm đam mê dẫn chương trình cho Thịnh. Càng trải nghiệm nhiều trong trường ĐH, Thịnh càng tự tin vào vốn kiến thức, kỹ năng mình tích lũy được để theo đuổi lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ.

Ngọc Thịnh bén duyên với vai trò MC từ các sự kiện ở ĐH FPT

Lâm Hoàng Trang được bố mẹ “đảm bảo cho một suất làm việc tại Thủ đô” với mức lương đủ để nữ sinh này sống một cách thoải mái. Nhưng tốt nghiệp ĐH, Trang thông báo: “Bố mẹ cho ai suất đấy thì cho, con có việc làm rồi”, rồi rong ruổi theo những chuyến thiện nguyện đến các vùng quê nghèo, lao vào cùng làm nông, dạy học cho học sinh địa phương. Với vốn ngoại ngữ học được từ trường ĐH và kinh nghiệm là thành viên lâu năm của CLB sinh viên tình nguyện, Trang làm cho một NGO (tổ chức phi chính phủ) với mức lương cơ bản và công việc thường xuyên xa nhà. Nhưng đó là lựa chọn của Trang.

Được “chọn việc” nhờ trải nghiệm phong phú

Không phải sinh viên ĐH nào cũng dũng cảm bỏ cách “xin việc” hoặc những cơ hội việc làm sẵn có để “chọn việc”. Ngọc Thịnh dám chọn một lĩnh vực mới mẻ hay Hoàng Trang dám “cho đi” cơ hội việc làm nhàn nhã, lương cao để lựa chọn công việc khác bởi các bạn trẻ này đủ trải nghiệm để biết mình thích gì, cần gì.

Ngoài ra, những trải nghiệm ở trường ĐH cũng cho Ngọc Thịnh, Hoàng Trang cơ hội tích lũy những kỹ năng nhất định, có vốn sống, khả năng thích ứng linh hoạt với môi trường, hoàn cảnh mới để có thể nhanh chóng nắm bắt công việc mình mong muốn. Có thể, trải nghiệm đó không đủ giúp các bạn làm tốt việc đã chọn ngay lập tức nhưng đó là nền tảng để Thịnh hay Trang tiếp tục nỗ lực hoàn thiện bản thân, thể hiện khả năng ở lĩnh vực mới thách thức nhưng đúng đam mê.

Diễm Phúc cho rằng càng giàu trải nghiệm, sinh viên càng hình thành mong muốn “chọn việc” một cách rõ ràng

Nguyễn Thị Diễm Phúc đang học năm 3, ĐH FPT. Nữ sinh này thường xuyên tham gia các hoạt động sự kiện, là thành viên tích cực CLB Dance. Bước vào năm học cuối trước khi thực tập và tốt nghiệp, Phúc chuyển mối quan tâm sang các talkshow, workshop về nghề nghiệp được trường tổ chức: “Tham gia các hoạt động này, mình hiểu được nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp đối với nhân sự, biết cách áp dụng kiến thức đã học vào thực tế để hoàn thiện kỹ năng.” – Phúc cho biết.

Theo nữ sinh này, càng giàu trải nghiệm, mong muốn “chọn việc” càng hình thành rõ ràng trong sinh viên. Sinh viên giàu trải nghiệm cũng có lợi thế nhất định khi “chọn việc”. Tham gia nhiều hoạt động sự kiện, CLB, Phúc cảm thấy tự tin, học hỏi được nhiều hơn, mở rộng các mối quan hệ. Đây chính là hành trang quan trọng với Phúc, giúp nữ sinh vững vàng bước vào môi trường doanh nghiệp, dù chọn công việc gì.

“Tuy vậy, chọn việc thì bản thân phải tìm hiểu kỹ, xác định được yêu cầu công việc cụ thể, kỹ năng của bản thân có đáp ứng được hay không, có thực sự thích công việc này hay không. Như vậy, mình mới có thể theo đuổi đến cùng và làm tốt công việc mình chọn.” – nữ sinh ĐH FPT Đà Nẵng chia sẻ.

Theo Kênh 14

ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN TRỰC TIẾP TỪ ĐẠI HỌC FPT