Làm ứng dụng Blockchain, sinh viên Đại học FPT “nghênh chiến” giảng viên

Câu nói của giảng viên như 1 lời khiêu chiến: “Bạn nào giỏi thì thử nghiên cứu làm Blockchain hay AI (Artificial intelligence) xem nào. Chứ làm được mấy cái project java với C# học trên lớp thì ăn thua gì” khiến Phạm Hồng Sơn nổi máu yêng hùng. Anh đã cùng các thành viên CLB JS cũng là sinh viên Kỹ thuật phần mềm Đại học FPT quyết tâm theo đuổi công nghệ mới và khá khó này để bảo vệ đồ án tốt nghiệp.

Nhóm đồ án gồm 5 thành viên: Phạm Thị Oanh (Chủ nhiệm JS Club Gen 5), Phạm Hồng Sơn (Phó chủ nhiệm JS Club Gen 5), Hồ Hoàng Hiệp, Dắn Thị Thu Hương, Hoàng Minh Hải

Trong làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0, Blockchain được xem là một công nghệ “chìa khóa” cho chuyển đổi số và xây dựng nền tảng công nghệ thông tin tương lai.

Với khả năng chia sẻ thông tin dữ liệu minh bạch theo thời gian thực, tiết kiệm không gian lưu trữ và bảo mật cao, công nghệ blockchain là một trong những xu hướng công nghệ đột phá, có khả năng ứng dụng rộng rãi ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực: tài chính ngân hàng, bán lẻ, vận chuyển hàng hóa, sản xuất, viễn thông…

Nghe hấp dẫn là thế nhưng để nghiên cứu, ứng dụng nó vào thực tế không phải dễ dàng, nhất là với sinh viên. Thông thường thì các nhóm làm đồ án sẽ làm một ứng dụng hoặc một hệ thống để xử lí 1 bài toán cụ thể trong cuộc sống, còn nhóm sinh viên Kỹ thuật phần mềm Đại học FPT tỏ ra đầy tham vọng khi đã làm một ecosystem (hệ sinh thái) cho Blockchain platform của mình.

BeanChains platform gồm có nhiều applications và micro-services, nhiệm vụ của các micro-services là giúp cho các thành phần, các peers/nodes trong BeanChains có thể giao tiếp với nhau để đồng bộ và lưu trữ dữ liệu trên BeanChains networks. Còn các applications là cầu nối để client có thể dễ dàng tương tác với BeanChains platform hơn.

Nói về sự ra đời của sản phẩm, thành viên Phạm Hồng Sơn bật mí: “Cách đây hơn 1 năm, khi tham gia tiết học của giảng viên Ngô Tùng Sơn, thầy có nói rằng: “Bạn nào giỏi thì thử nghiên cứu làm Blockchain hay AI (Artificial intelligence) xem nào. Chứ làm được mấy cái project java với C# học trên lớp thì ăn thua gì.”  Mình nghĩ người ta làm được thì mình cũng làm được, quyết định bắt tay vào tìm hiểu. Sau 1 khoảng thời gian mày mò nghiên cứu cùng bạn Lê Cao Nguyên (cựu sinh viên ĐH FPT, thủ khoa đầu ra năm 2019), mình nhận thấy công nghệ Blockchain rất có tiềm năng, có thể ứng dụng rộng rãi vào nhiều lĩnh vực chứ không chỉ là đồng tiền mã hóa như Bitcoin, Ether…”

Phạm Thị Oanh – Chủ nhiệm JS Club Gen 5, trưởng nhóm đồ án tự tin: “Trước khi chọn đề tài này, chúng em đã đặt ra tiêu chí sản phẩm phải có tính ứng dụng cao, có thể go live được thì càng tốt. Cộng với việc team có lợi thế về blockchain khi bạn teamleader đã làm rất sâu với nó, các bạn còn lại thì ít nhiều cũng đã có cái nhìn tổng quan về blockchain rồi. Từ đó, kết hợp với việc nghiên cứu các công ty blockchain hiện tại đang làm gì, mà ý tưởng của nhóm dần dần ra đời”.

“BeanChains – Permissioned Business Blockchain. Use Case&Demo: Credit Information System” (BeanChains – Mạng Blockchain cấp phép dành cho doanh nghiệp. Demo: Hệ thống thông tin tín dụng) vốn là một đề tài khóa luận đầy mạo hiểm và thách thức. Tuy nhiên dưới sự hướng dẫn nhiệt tình của thầy Phan Trường Lâm, nhóm Beanchains đã tự tin bảo vệ trước Hội đồng BGK.

Phát triển một platform, nên đối tượng sử dụng chính của BeanChains platform là các developers, những người muốn lưu trữ dữ liệu bằng công nghệ blockchain thay vì lưu trữ ở database thông thường. Data lưu trữ trên BeanChains đảm bảo được tính toàn vẹn và chính xác của dữ liệu, hạn chế tối đa những rủi ro dữ liệu bị mất mát hay sửa đổi. Nhóm cũng đã phát triển BeanChains Explorer application để khách hàng theo dõi được dữ liệu, tra cứu được các giao dịch đã diễn ra trên BeanChains networks.

Thêm vào đó, nhóm cũng đã phát triển BeanChains Devtool application, là một ứng dụng giúp cho các developers có thể dễ dàng deploy SmartContract / Chaincode (hợp đồng thông minh), và cũng có thể quản lí SmartContract theo version nhờ vào tính năng “Upgrade Chaincode”.

Phạm Hồng Sơn chia sẻ: “Nhóm đã áp dụng công nghệ Blockchain được phát triển bởi Hyperledger của IBM, đồng thời sử dụng Docker platform để triển khai các applications trên Google Cloud. Các micro-services của BeanChains được sử dụng giao thức gRPCs để truyền tải thông tin nhanh vào bảo mật hơn https rất nhiều lần. Còn SmartContract sử dụng golang – một ngôn ngữ phát triển bởi Google có tốc độ xử lí rất nhanh. Phía back-end của các applications code bằng Nodejs và được routed bởi Docker swarm load balancers kết hợp với nginx có thể chịu tải đến hàng nghìn request/sec, hoàn toàn có thể đáp ứng lượng truy xuất lớn từ khách hàng. Phía front-end nhóm mình code trên Reactjs và Angular platform, là những nền tảng hỗ trợ làm website tốt nhất hiện nay.”

Với sự chuẩn bị kĩ lưỡng, nhóm đã ghi điểm trước Hội đồng Giám khảo với phần thuyết trình suôn sẻ và làm sáng tỏ được vấn đề. Tuy nhiên để đạt được kết quả trên các bạn trẻ cũng đã trải qua 4 tháng đầy thách thức. Phần vì lượng kiến thức học, tìm hiểu để phục vụ đồ án “đồ sộ”; phần vì thời gian. Nghe 4 tháng có vẻ dài hơi nhưng với những sinh viên kì đồ án thì vẫn là quá ít. Lại thêm thời điểm này hầu hết các thành viên trong nhóm cũng đã có công việc fulltime ở các Công ty công nghệ khác nhau: “Team 5 người thì tháng đầu 3 người đi Xuân Hòa học quân sự, 2 bạn còn lại đi làm. Tháng tiếp theo thì 4 bạn đi làm fulltime, riêng em không đi làm thì “ẵm” ngay vị trí OGL Fcamp cho bận rộn cùng bạn cùng bè. Rồi tháng thứ 3 thì chuẩn bị thi cuối kì. Dù vậy, mỗi người vẫn không quên công việc nghiên cứu cá nhân và tập hợp lại khi xếp được lịch.” – Phạm Thị Oanh nhớ lại.

Không chỉ thế, 5 bạn trẻ cũng gặp khó khăn trong việc chốt sản phẩm Demo, vì nó là 1 giải pháp thực tế. Làm sao để thuyết phục người khác tin rằng cần áp dụng blockchain vào đó là cả một vấn đề gian nan. Và vì sản phẩm demo là Hệ thống thông tin tín dụng nên nhóm mất khá nhiều thời gian tìm hiểu business cũng như những luật, quy định của nhà nước liên quan đến thông tin tín dụng.

“Chúng em gửi lời cảm ơn đến thầy Phan Trường Lâm, giảng viên hướng dẫn. Thầy đã góp ý cho chúng em rất nhiều từ giai đoạn đầu tiên cho đến làm docs, và ở phần thuyết trình thầy cũng review rất kỹ càng cho nhóm.”

Nói về tương lai của đồ án, đó là một câu chuyện dài và khó nói, nhưng các thành viên vẫn đầy niềm tin “hoàn toàn có thể xảy ra”. Hi vọng với những đóng góp của Hội đồng chuyên môn, cùng những tìm tòi, hiểu biết của mình 5 bạn trẻ sẽ sớm trình làng 1 sản phẩm hoàn thiện.

P.Phương