Trường Đại học FPT

Liệu trí tuệ cảm xúc có ảnh hưởng đến thành công, nhóm sinh viên ĐH FPT giải mã tại SEACE (Singapore)

SV Truyền thông đa phương tiện trình bày nghiên cứu khoa học tại Singpapore.

Tiếp nối trò chuyện về hành trình nghiên cứu khoa học, nhóm SteptoGREAT vừa có bài nghiên cứu trình bày tại “The 3rd Southeast Asian Conference on Education – Singapore (SEACE2023)” đã bật mí những bí kíp để có thể vươn ra biển lớn. Đôi khi, nghiên cứu khoa học lại bắt nguồn từ những thắc mắc, từ những câu hỏi bâng quơ. 

Nhóm SteptoGREAT gồm các bạn sinh viên đến từ ngành Truyền thông Đa phương tiện – Đại học FPT: Cao Minh Chí, Huỳnh Nguyễn Chinh, Nguyễn Văn Quang, Phạm Thị Hồng Nhung, Lữ Vương Hoàng Vũ với sự hướng dẫn của Giảng viên Nguyễn Thị Thùy Hiền và Giảng viên Lê Danh.

SEACE dai hoc fpt 1
Chúc mừng nhóm đã có bài nghiên cứu tham gia hội thảo tại Singapore, nhóm có thể chia sẻ về chủ đề của bài nghiên cứu, lý do chọn đề tài và mục tiêu của đề tài?

Chủ đề bài nghiên cứu là “The Influence of Emotional Intelligence on Academic Performance: A Case Study of FPT Students Reading Multimedia Communication”. Theo các nhà nghiên cứu, sự thành công trong công việc cũng như trong cuộc sống bị ảnh hưởng bởi Trí tuệ cảm xúc (EI) đến 80%, trong khi đó trí thông minh (IQ) chỉ chiếm 20%. Bên cạnh đó, có một số nghiên cứu cho rằng sinh viên ở Việt Nam ít quan tâm đến việc nâng cao và cải thiện Trí tuệ cảm xúc của họ. Ngoài ra, các chương trình kỹ năng mềm, nhạc cụ dân tộc,… ở trường đại học FPT giúp các bạn sinh viên có cơ hội phát triển và điều hòa cảm xúc, nên khi có điều kiện nghiên cứu là nhóm em triển khai nghiên cứu ngay. Mục tiêu đề tài này là để tìm hiểu mức độ Trí tuệ cảm xúc của sinh viên ngành Truyền thông đa phương tiện tại Đại học FPT cơ sở TP.HCM, cũng như là đóng góp vào chương trình giáo dục, giúp mọi người cải thiện và nâng cao nhận thức về Trí tuệ cảm xúc, như là một kỹ năng mềm cần có trong bối cảnh xã hội hiện nay, nhất là giai đoạn hậu COVID-19.

So với các nghiên cứu trước đó, 3 điểm nổi bật của đề tài này là gì? Bài Nghiên cứu được thực hiện trong bao lâu?

So với các nghiên cứu ở các kỳ trước, ở đề tài lần này, 3 điểm nổi bật mà nhóm em tự đánh giá như sau:
+ Đầu tiên, nhóm em đã có được sự nghiêm túc đúng mực cũng như là đầu tư chất xám vào bài nghiên cứu, vừa phục vụ cho môn học RMC201 vừa học được thêm nhiều kiến thức hỗ trợ cho đồ án tốt nghiệp như cách viết literature reivew các học thuyết về Trí tuệ cảm xúc như Mayer & Salovey, Bar-On model, hay Daniel Goleman, lập luận các hypothesis ảnh hưởng các biến giới tính hay Trí tuệ cảm xúc lên kết quả học tập, phương pháp thu thập dữ liệu bằng cách khảo sát sinh viên FPT chuyên ngành Truyền thông đa phương tiện, chạy dữ liệu bằng SPSS, phân tích dữ liệu về mức độ Trí tuệ cảm xúc của đối tượng,… và rất nhiều kiến thức khác nữa.
+ Bên cạnh đó, nhóm em nhận thấy được tầm quan trọng của Trí tuệ cảm xúc ảnh hưởng lớn đến kết quả học tập, điều này được thế hiện rõ ở kết quả nghiên cứu là những người nhận biết được cảm xúc người khác và điều tiết được cảm xúc của chính mình thì sẽ có kết quả học tập tốt hơn. Do đó, đây sẽ là bài nghiên cứu hay, có thể đi xa hơn trong tương lai, phát triển thêm nhiều khía cạnh mới của Trí tuệ cảm xúc, đặc biệt ở cấp độ cử nhân.
+ Cuối cùng, nhờ sự giúp đỡ từ các giảng viên, nên bài nghiên cứu đã có sự chỉn chu hơn so với các bài kỳ trước. Nhóm em muốn bài nghiên cứu này không chỉ đóng góp vào nền giáo dục của FPT nói riêng mà các trường đại học khác nói chung trong bối cảnh xã hội hậu COVID-19. Tạo được sự khác biệt khi có một môi trường học tập được đầu tư đúng mực vào Trí tuệ cảm xúc, một kĩ năng không thể thiếu để giúp cải thiện kết quả học tập cũng như công việc trong tương lai.
Bài nghiên cứu ban đầu được dự tính làm trong 10 tuần, sau đó kéo dài thêm 2 tháng chuẩn bị trước hội thảo, nên nhóm em đã thực hiện bài nghiên cứu tổng thời gian xấp xỉ 4 tháng.

Tại Hội thảo, có những ý kiến đóng góp/ nhận xét nào cho đề tài của nhóm không? Nhận xét nhóm nhớ nhất là gì?

Nhóm em rất vui và cảm thấy tự hào vì có cơ hội giao lưu cũng như là nhận được những ý kiến đóng góp, nhận xét từ các giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu từ các châu lục. Nhóm em nhận được một vài câu hỏi về các chiến lược để cải thiện Trí tuệ cảm xúc ở lớp cũng như trong công việc. Một câu hỏi làm nhóm em rất bất ngờ là FPT được viết tắt từ những từ nào, điều đó khiến nhóm em rất tự hào vì đã một phần nào đó giao lưu văn hóa với các nước bạn, giúp họ hiểu hơn về ngôi trường mình đang theo học cũng như sinh viên trường FPT không thua kém bất kì ai. Ngoài ra, cũng có một vài lời nhận xét mang tính đóng góp như nhóm cần phong thái tự tin hơn khi thuyết trình, quản lí thời gian, thiết kế slide trình chiếu sao cho học thuật hợp mắt nhất,… nhưng nhìn chung các giáo sư, tiến sĩ vẫn khích lệ vì nhóm em vẫn là sinh viên chưa có nhiều kinh nghiệm, sẽ có nhiều cơ hội trau dồi hơn trong tương lai

Nhóm ấn tượng nhất với đề tài nào khác tại Hội thảo? Lý do vì sao?

Một đề tài khác mà nhóm em khá ấn tượng là “Designing a Course for Pre-writing Senior Thesis” của cô Satomi Yoshimuta đến từ Kwassui Women’s University, Japan. Điều làm nhóm ấn tượng nhất là đề tài nghiên cứu khá đặc biệt và có thể áp dụng được với Việt Nam, cụ thể là trường đại học FPT, không ít sinh viên cảm thấy viết luận văn cao cấp là một thách thức khi hoàn thành luận văn tốt nghiệp được coi là sự đánh giá của bốn năm học đại học. Phần trình bày của cô phác thảo những phát hiện chính từ việc thiết kế một khóa học viết trước cho một luận án tốt nghiệp để hỗ trợ sinh viên năm thứ ba bắt đầu chuẩn bị viết luận văn bằng cách tư duy phản biện và logic. Nếu có điều kiện, nhóm em sẽ tìm hiểu và nghiên cứu thêm về đề tài này, vì đây cũng là một đề tài mà nhiều sinh viên đại học đang gặp phải trong quá trình viết luận văn tốt nghiệp.

Nhóm đã học hỏi được gì từ Hội thảo Nghiên cứu Khoa học này hay gặp gỡ ai đặc biệt tại Hội thảo?

Nhóm em đã học hỏi được rất nhiều từ hội thảo SEACE2023 cũng như gặp gỡ các giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu khoa học lần này. Nhóm em được học thêm nhiều kiến thức nghiên cứu khoa học, tác phong trình bày, cách lập luận, tư duy phản biện trong học tập cũng như trong cuộc sống. Bên cạnh đó, nhóm em có đi giao lưu với các thầy cô đến từ các quốc gia trên thế giới như USA, Trung Quốc, Nhật Bản,… chẳng hạn như giáo sư Satomi Yoshimuta đến từ Kwassui Women’s University, Japan, giáo sư Tomoko Sugihashi đến từ Showa Women’s University, Japan, tiến sĩ Samuel H. Song đến từ Nazareth College, United States, điều này làm nhóm em cảm thấy rất vui và cảm thấy giống như đang nằm mơ vậy (cười), vì nhóm em chưa bao giờ tưởng tượng sẽ có một ngày được trò chuyện và giao lưu với các giáo sư, tiến sĩ trên thế giới với khoảng cách gần như vậy.

Nhóm thấy việc Nghiên cứu Khoa học có ý nghĩa như thế nào? Nhóm có ý tưởng hay mong muốn thúc đẩy phong trào Nghiên cứu tại trường Đại học FPT?

Nhóm SteptoGREAT nhận thấy việc Nghiên cứu khoa học có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong lĩnh vực học tập cũng như trong cuộc sống sau này, việc nghiên cứu sẽ hỗ trợ chúng ta trong đồ án tốt nghiệp, các vấn đề chưa được bàn luận, giao lưu học hỏi, có thêm kiến thức,… cho chúng ta thêm nhiều cơ hội để trau dồi kinh nghiệm cho bản thân. Bên cạnh đó, nhóm em muốn phong trào nghiên cứu tại trường Đại học FPT không chỉ dừng lại ở chuyên ngành Truyền thông đa phương tiện mà còn ở các chuyên ngành khác, để cho Nghiên cứu khoa học ngày càng đi xa hơn, góp phần vào lĩnh vực giáo dục nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung.

Ngoài đi dự hội thảo thì nhóm em được tham quan rất nhiều địa điểm nổi tiếng ở Singapore, trong đó phải kể đến công viên sư tử biển Singapore, thủy cung S.E.A Aquarium, Universal Studios Singapore,… nhóm em đã chụp rất nhiều tấm ảnh để lưu giữ lại kỉ niệm, một đất nước đáng sống, con người rất thân thiện, không khí cũng rất trong lành. Nhóm em cũng lần đầu tiên cùng nhau xuất ngoại nên rất là phấn khích, hy vọng sắp tới sẽ có thêm nhiều trải nghiệm tuyệt với như thế. Nhóm em xin cảm ơn ạ!

Theo FPTU HCM

Exit mobile version