Trường Đại học FPT

Lớp học theo phương pháp kiến tạo xã hội tại ĐH FPT

Những lớp học theo phương pháp kiến tạo xã hội (constructivism) tại ĐH FPT cho phép sinh viên chủ động nghiên cứu thông tin, trao đổi với thầy cô và bạn bè để làm chủ kiến thức.

Tại ĐH FPT, cách giảng dạy truyền thống – thầy giảng, trò nghe, bảng đen kín đặc thông tin cần ghi chép – được thay thế bằng những lớp học “ngược đời”: Sinh viên tự thảo luận với thầy cô, bạn bè để thể hiện quan điểm cá nhân.

Lớp học “ngược đời”

Phương pháp kiến tạo xã hội được ĐH FPT triển khai từ giữa năm 2021, ban đầu chỉ áp dụng với một số môn học. Ở những lớp học này, sinh viên không ngồi một chỗ, im lặng đọc giáo trình hay chăm chú nghe giảng, thay vào đó tập trung vào việc tương tác.

Mỗi giờ học, sinh viên có thể tự do trình bày quan điểm, thuyết trình trước thầy cô giáo và bạn bè, họp nhóm thảo luận vấn đề. Nhìn từ điểm này, những lớp học theo phương pháp kiến tạo xã hội có phần “ngược đời” so với mô hình dạy và học truyền thống.

Sinh viên ĐH FPT chủ động tương tác trong lớp học theo phương pháp kiến tạo xã hội.

Trong giai đoạn học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19, những lớp học theo phương pháp kiến tạo xã hội tại ĐH FPT vẫn diễn ra sôi nổi trên nền tảng EduNext.

Nền tảng này cho phép thầy cô tạo ra những nhóm học tập để sinh viên tương tác qua tin nhắn, video trực tuyến. Giảng viên có thể lựa chọn livestream giảng dạy và trao đổi với nhiều sinh viên cùng lúc. Các tính năng khác trên nền tảng như đánh giá chéo, tích hợp học liệu, thưởng sao, phát hiện chuyên gia… hỗ trợ sinh viên tiếp cận kiến thức theo cách chủ động, từ đó học tập hiệu quả hơn.

Trải nghiệm học khác lạ nhưng đáng giá

Tham gia lớp học theo phương pháp kiến tạo xã hội, giảng viên và sinh viên ĐH FPT nhận được những trải nghiệm thú vị. Trong đó, giảng viên dần thay đổi tư duy từ hướng trọng tâm vào dạy kiến thức, đánh giá sinh viên qua điểm số… sang trải nghiệm của người học, tập trung vai trò là người định hướng.

Bối cảnh học trực tuyến cũng giúp thầy cô nhanh nhạy hơn trong việc tiếp cận công nghệ, sử dụng EduNext hay những nền tảng khác để tạo ra các hoạt động học tập mang tính tương tác. Từ đó, giáo viên có thể truyền đạt kiến thức hiệu quả và đánh giá quá trình học hỏi của sinh viên chất lượng hơn.

Trong giai đoạn đầu học trực tuyến, Nguyễn Ngọc Lợi (sinh viên K15 ngành Quản trị Kinh doanh, ĐH FPT) khá lo lắng vì “đây là phương pháp mới và khó tiếp cận”. Phương pháp này đòi hỏi sinh viên cần chủ động hơn trong quá trình học tập, nhất là tìm hiểu, nghiên cứu bài học trước. Tuy nhiên sau khi trải nghiệm lớp học theo phương pháp kiến tạo xã hội, cậu bạn khá hứng thú.

Trong đại dịch, việc ứng dụng chuyển đổi số kết hợp phương pháp kiến tạo xã hội giúp sinh viên học tập hiệu quả hơn.

“Tham gia lớp học, mình được thoải mái thể hiện quan điểm cá nhân. Với những vấn đề giảng viên đưa ra, chẳng có đáp án nào tuyệt đối đúng hoặc tuyệt đối sai. Những phát hiện, trải nghiệm hay kinh nghiệm rút ra trong quá trình tự nghiên cứu mới là kiến thức giá trị của mỗi sinh viên”, Lợi chia sẻ.

Sau thời gian tiếp cận phương pháp học này, Lợi nhận ra bản thân chủ động, tích cực hơn. Dù gặp áp lực nhưng sinh viên trong lớp vẫn đạt được thành quả kiến thức, đặc biệt là những trải nghiệm lý thú bởi “chẳng giờ học nào giống giờ học nào”.

Thí sinh đã tốt nghiệp THPT đủ điều kiện trúng tuyển vào Đại học FPT khi: Điểm học bạ thuộc top 40 THPT toàn quốc năm 2022 (chứng nhận thực hiện trên trang SchoolRank.fpt.edu.vn); hoặc điểm các môn thi trong kỳ thi THPT năm 2022 thuộc top 40 (theo số liệu Đại học FPT tổng hợp và công bố sau kỳ thi THPT 2022) và điểm theo khối xét tuyển đạt từ trung bình trở lên (15/30 điểm); hoặc đạt 90/150 điểm trở lên trong kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Hà Nội, hoặc 750/1200 điểm trở lên trong kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP.HCM năm 2022.

Theo Zingnews

Exit mobile version