Trường Đại học FPT

Người học thời IoT cần công nghệ để thành công

Xu hướng Internet of Things (Internet của Vạn Vật – IoT)  được các chuyên gia dự đoán sẽ là xu hướng tất yếu của thời đại trong tương lai gần, từ đó sẽ mở ra nhiều cơ hội chưa từng có cho các tổ chức, doanh nghiệp đồng thời cũng là thách thức không hề nhỏ cho người học trong thời công nghệ số ngày nay.

Xu hướng của Internet of Things

Trong thời đại của Internet of Things, mọi thứ đều được kết nối với nhau qua mạng Internet. Chúng ta có thể kiểm soát mọi đồ vật của mình chỉ với một thiết bị thông minh như smartphone (điện thoại thông minh) hay smartwatch (đồng hồ thông minh). Viễn cảnh tưởng chừng chỉ có trên phim ảnh này đã dần hiển hiện trên thực tế, với sự phát triển của nhà thông minh, TV thông minh, tủ lạnh thông minh,…

 

Từ vài năm nay, "Internet of Things - IoT ) là một trong những yếu tố quan trọng của mọi dự báo về công nghệ tương lai.

Từ vài năm nay, “Internet of Things – IoT ) là một trong những yếu tố quan trọng của mọi dự báo về công nghệ tương lai.

Chỉ với một chiếc smartwatch, chúng ta có thể đo số calorie đã tiêu hao sau mỗi lần hoạt động thể thao và tự theo dõi chế độ dinh dưỡng của bản thân. Với nhà thông minh, theo ông John Taylor, phó chủ tịch phụ trách truyền thông của LG, dựa trên sự hiện diện của thành viên trong gia đình, đèn sẽ tự mở, điều hòa không khí tự điều chỉnh nhiệt độ các phòng. Thậm chí, các thiết bị cảm biến còn được gắn trong phòng của trẻ em để theo dõi kỹ về thân nhiệt, giấc ngủ, giúp các bậc phụ huynh yên tâm hơn.

Tương tự, nếu mọi vật dụng đều được kết nối Internet, chúng ta có thể theo dõi chúng mọi lúc mọi nơi, biết chính xác khi nào các vật dụng sắp hết hạn sử dụng, khi nào cần sửa chữa, thay thế để lên lịch trình bảo dưỡng cụ thể.

Quả thực, IoT đang dần thay đổi thế giới, giống như cách mà Internet đã thay đổi cuộc sống của chúng ta. “Đây là cuộc cách mạng không thể tưởng tượng được. Cuộc cách mạng này sẽ thay đổi hình hài thế giới. Bằng mọi giá, Việt Nam phải chớp được cơ hội này” chia sẻ của ông Trương Gia Bình, chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT.

Việt Nam sẽ ở đâu trong thời đại IoT?

Theo ông Trương Gia Bình, Việt Nam đã và đang tham gia vào thế giới IoT. Chẳng hạn, đầu tháng 12 năm nay, một dự án có tên Akisai của Fujitsu sẽ được đưa về Hà Nội. Đây là một dự án nông nghiệp chính xác dựa trên cơ sở IoT.

 

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình chia sẻ về IoT tại Internet Day sáng ngày 19/11/2015.

Cụ thể, toàn bộ dữ liệu của thế giới thực trong nông nghiệp sẽ được đo bằng cảm biến (sensor), từ dữ liệu của vật nuôi, cây cối, đất đai, thời tiết, nhiệt độ, độ ẩm… dẫn đến việc tự động hoá ngành nông nghiệp. Xuyên suốt từ quá trình chọn giống, chế tạo, vận tải, đến siêu thị, xuất khẩu, sẽ có cả một hệ thống tin học đi kèm. “Hãy thử tưởng tượng, trong tương lai gần, máy móc có thể tự dự báo ở đâu có sâu bệnh, rồi tự nhiên có một chiếc máy bay xuất hiện và phun thuốc”, ông Bình dự đoán.

Ông Trương Gia Bình một lần nữa nhấn mạnh tại “Ngày Internet Việt Nam 2015”, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn, bình đẳng với tất cả quốc gia khác trong thời đại Internet of Things và cơ hội mở ra cho tất cả mọi người.

Thách thức và cơ hội của tương lai

Có thể nói IoT đang thúc đẩy những thay đổi lớn lao trong doanh nghiệp và thay đổi cả cách thức làm việc của chúng ta. IoT đồng thời mở ra những cơ hội lớn chưa từng có cho những cá nhân và doanh nghiệp trong tương lai. Vậy người học cần chuẩn bị hành trang gì để có thể thành công trong thời đại IoT? Các tổ chức giáo dục cần làm gì để đáp ứng trước yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp?.

Với định hướng “Go Global”, mục tiêu của nhà trường là đào tạo sinh viên sát với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp toàn cầu. Sinh viên Đại học FPT có nhiều cơ hội nắm bắt quá trình ứng dụng, triển khai công nghệ mới. Nhà trường thường xuyên tổ chức những buổi workshop, seminar giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận với các chuyên gia đầu ngành để được cập nhật xu hướng nghề nghiệp mới và định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Những buổi hội thảo như “Điện toán đám mây Free Azure Package’ do Microsoft phối hợp tổ chức không hề xa lạ với sinh viên ở đây.

 

Sinh viên FPT trình diễn robot tại Diễn đàn Khoa học Công nghệ lần thứ nhất tại Hà Nội vào tháng 11 vừa qua.

Tại Diễn đàn Khoa học và Công nghệ tổ chức tại Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc ngày 27/11/2015, sinh viên Đại học FPT mang theo 3 sáng chế, nghiên cứu là màn trình diễn Robot (CLB Robotic FPT), “Phần mềm giải phương trình toán học’’ (tân sinh viên Hoàng Văn Hiệp) và “Hệ thống trả lời tự động trong ngân hàng” (CLB Phần mềm Nhật Bản). Trong đó, công trình “Phần mềm giải phương trình toán học” do Hoàng Văn Hiệp, sinh viên khóa 11 ngành Kỹ thuật phần thực hiện từng giành Huy chương Bạc trong Triển lãm quốc tế sáng tạo khoa học công nghệ trẻ – IEYI 2015 tổ chức tại Đài Loan. Anh Ngô Minh Nam (Giảng viên Kinh tế, Đại học Quốc Gia Hà Nội) chia sẻ: “Sinh viên Đại học FPT có nhiều ý tưởng và được nhà trường hỗ trợ đầu tư để hiện thực hóa các ý tưởng đó, đây là cơ hội và cũng là ưu thế của các bạn so với sinh viên trường khác”.

Exit mobile version